Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg xác nhận trong tuần này, hiện có 100.000 quân Mỹ đang ở châu Âu.

Embed from Getty Images

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (Ảnh: Getty Images)

Trong cuộc họp báo với Bộ trưởng Ngoại giao Đức hôm 17/3 và trong cuộc họp báo với Giám đốc Lầu Năm Góc Lloyd Austin, ông Stoltenberg đã xác nhận số lượng binh sĩ Hoa Kỳ hiện diện ở châu Âu trong bối cảnh cuộc chiến Ukraine.

“Chúng tôi đang củng cố phòng thủ tập thể của mình. Hàng trăm nghìn binh sĩ đang trong tình trạng sẵn sàng cao độ – 100.000 lính Mỹ đang ở châu Âu,” ông tuyên bố hôm 16/3, theo bản ghi của Bộ Quốc phòng. “Và còn có 40.000 binh sĩ dưới sự chỉ huy của NATO… số lượng lớn nhất tại sườn phía Đông của liên minh vốn được hỗ trợ bởi lực lượng hải quân và không quân.”

Hiện tại, NATO đang tiến hành các cuộc tập trận Cold Response hai năm một lần ở Na Uy. Với sự tham gia của khoảng 30.000 quân, bao gồm một số từ các quốc gia không phải thành viên, cuộc tập trận năm nay diễn ra chỉ cách biên giới Nga 200km, là cuộc tập trận lớn nhất của NATO do Na Uy dẫn đầu kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. 

Ngày 17/3, ông Stoltenberg cho hay, việc tăng cường binh lính nhằm gửi “một thông điệp rõ ràng tới Moscow rằng, cuộc tấn công dù chỉ vào một đồng minh [của NATO] sẽ kích hoạt phản ứng từ cả liên minh” và rằng, “răn đe phòng thủ không phải là kích động xung đột mà là ngăn chặn xung đột. Đó là về vấn đề gìn giữ hòa bình.”

Ấn phẩm quân sự Stars and Stripes trích dẫn hồ sơ của Bộ Chỉ huy Châu Âu của Hoa Kỳ báo cáo, lần cuối cùng mức quân số cao như vậy ở Châu Âu là vào năm 2005. Tính đến tháng 1/2022, đã có khoảng 80.000 quân đồn trú trên khắp Châu Âu.

Ấn phẩm lưu ý, có gần 350.000 quân Mỹ ở châu Âu vào năm 1987, nhưng sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, Hoa Kỳ bắt đầu rút quân đều đặn khỏi lục địa này. Trước đó, gần 3 triệu lính Mỹ đã đổ bộ châu Âu vào năm 1945 trước khi Thế chiến thứ hai kết thúc.

Từ tháng 2/2022, Tổng thống Joe Biden đã điều thêm quân đội Hoa Kỳ đến châu Âu trong bối cảnh căng thẳng gia tăng sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine. Hoa Kỳ cũng đưa thêm quân đến các nước NATO có chung biên giới với Nga và Ukraine, bao gồm Ba Lan, Romania, Slovakia, Litva, Estonia và Latvia.

Trong khi đó, Nhà Trắng cho biết, ông Biden sẽ đến Brussels, Bỉ để tham dự một “hội nghị thượng đỉnh bất thường” do NATO triệu tập vào ngày 24/3 sắp tới.

Ông Biden sẽ “thảo luận về các nỗ lực phòng thủ và răn đe đang diễn ra nhằm đáp trả cuộc tấn công vô cớ và phi lý của Nga vào Ukraine, cũng như tái khẳng định cam kết chặt chẽ của chúng tôi với các đồng minh NATO”, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki trao đổi với các phóng viên.

Trước đó Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đề nghị NATO thiết lập vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraine, nhưng các quan chức hàng đầu của Mỹ đã bác bỏ đề xuất này.

Minh Ngọc (Theo The Epoch Times)