Số dân thường thiệt mạng trong các cuộc trấn áp của quân đội Myanmar đối với người biểu tình đã vượt qua con số 520, trong khi đó, các nhóm nổi dậy có vũ trang vào hôm thứ Ba (30/03) đã đe dọa chính phủ quân sự sẽ trả đũa nếu đổ máu không dừng lại.

Embed from Getty Images

Các cường quốc trên thế giới đã lên án mạnh mẽ cuộc đàn áp của quân đội chống lại phong trào chống đảo chính đòi khôi phục chính phủ dân cử và trả tự do cho nhà lãnh đạo dân sự Aung San Suu Kyi.

Washington đã đình chỉ việc giao thương với Myanmar, và người đứng đầu Liên Hợp Quốc Antonio Guterres kêu gọi một mặt trận toàn cầu thống nhất để gây áp lực với chính phủ quân sự sau khi hơn 100 người biểu tình bị giết chỉ trong một ngày cuối tuần đẫm máu.

Thêm vào các áp lực đó, một bộ ba nhóm nổi dậy sắc tộc hôm thứ Ba đã lên án cuộc đàn áp và đe dọa sẽ chiến đấu bên cạnh những người biểu tình, trừ khi quân đội kiềm chế bạo lực.

Các cuộc biểu tình hàng ngày trên khắp Myanmar của những người biểu tình không có vũ khí đã phải đối mặt với hơi cay, đạn cao su và đạn thật.

Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP) cho biết họ đã xác nhận tổng cộng 521 thường dân thiệt mạng vào tối muộn thứ Ba (30/3), nhưng cảnh báo con số thực sự có thể cao hơn đáng kể.

Hôm thứ Ba, những người biểu tình ở Yangon đã vứt các túi rác trên đường phố để phản kháng.

8 người đã thiệt mạng hôm thứ Ba, bao gồm một người biểu tình 35 tuổi ở thị trấn Muse ở bang Shan. Cũng có người thiệt mạng khác tại Myitkyina ở bang Kachin cũng như Mandalay và Bago, AAPP cho biết.

Truyền thông nhà nước cũng đưa tin một người biểu tình thiệt mạng ở Nam Dagon, Yangon, trong khi nhà chức trách đang điều tra vụ nổ bom tại một đồn cảnh sát ở thành phố Bago khiến một số sĩ quan bị thương.

Theo Liên minh Quốc gia Karen (KNU), một trong những nhóm vũ trang lớn nhất nước này, các cuộc không kích do quân đội chính phủ phát động cũng khiến 6 người thiệt mạng ở bang Karen.

Cảnh báo của nhóm phiến quân dân tộc

Ba trong số vô số nhóm dân tộc nổi dậy có vũ trang của đất nước – Quân đội Giải phóng Quốc gia Ta’ang, Quân đội Liên minh Dân chủ Dân tộc Myanmar và Quân đội Arakan (AA) – đã ra tuyên bố chung sẽ đe dọa trả đũa.

“Nếu họ không dừng lại, và tiếp tục giết người dân, chúng tôi sẽ hợp tác với những người biểu tình và chống trả”, tuyên bố viết.

Liên đoàn Quốc tế về Nhân quyền (FIDH) cảnh báo rằng tình hình ở Myanmar có thể biến thành nội chiến.

Hai chục cuộc nổi dậy của các nhóm dân tộc thiểu số đã bùng lên ở Myanmar kể từ khi nước này giành độc lập khỏi sự cai trị của thực dân Anh năm 1948. Các cuộc nổi dậy thường nhằm tranh giành quyền tự trị, ma túy và tài nguyên thiên nhiên.

Quân đội đã tìm cách cắt giảm các giao dịch với một số nhóm vũ trang, và đầu tháng này đã đưa AA ra khỏi danh sách các tổ chức khủng bố.

Nhưng cuối tuần qua, quân đội đã tiến hành các cuộc không kích ở bang Karen – lần đầu tiên như vậy trong 20 năm – nhằm vào KNU sau khi nhóm này chiếm một căn cứ quân sự.

Các cuộc tấn công tiếp theo đã được phát động vào thứ Ba. Padoh Saw Taw Nee, người đứng đầu bộ phận đối ngoại của KNU, cho biết họ sẽ tiếp tục lập trường “ủng hộ mạnh mẽ phong trào của người dân chống lại cuộc đảo chính quân sự”.

Gần 3.000 người đã chạy trốn trong rừng và tìm cách đến biên giới ở Thái Lan.

Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết vào cuối ngày thứ Ba, khoảng 2.300 người đã trở về Myanmar và khoảng 550 người còn lại ở Thái Lan.

Hsa Moo, một nhà hoạt động nhân quyền ở Karen, nói với AFP rằng chính quyền Thái Lan đã từ chối người tị nạn và cáo buộc Thái Lan đã đuổi các quan chức tị nạn của Liên Hợp Quốc ra khỏi khu vực.

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha khẳng định “không có dòng người tị nạn” và chính quyền Vương quốc Thái đã không “khiến họ sợ hãi bằng súng hoặc gậy gộc”.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Guterres nói rằng cuộc đàn áp là “hoàn toàn không thể chấp nhận được” và kêu gọi chính quyền Myanmar thực hiện một “quá trình chuyển đổi dân chủ nghiêm túc”.

Chính quyền Joe Biden hôm thứ Hai đã thông báo rằng Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư năm 2013 sẽ bị đình chỉ cho đến khi nền dân chủ được khôi phục.

Các nguồn tin ngoại giao cho biết, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ họp vào thứ Tư (31/3) để thảo luận về tình hình sau khi Anh kêu gọi đàm phán khẩn cấp.

Trong khi đó, Trung Quốc “kêu gọi sự kiềm chế từ tất cả các bên.”

Mỹ, Anh và EU đều đã áp đặt các biện pháp trừng phạt để đáp trả cuộc đảo chính và đàn áp, nhưng cho đến nay áp lực ngoại giao vẫn không khiến các tướng lĩnh chùn bước.

Lê Xuân (theo CNA)

Xem thêm: