Những người biểu tình Myanmar đã tổ chức lễ thắp nến tưởng niệm trong đêm sau khi một nhóm vận động cho biết lực lượng an ninh hiện đã giết chết tổng cộng hơn 500 người kể từ cuộc đảo chính ngày 1/2. Hôm 30/3, các nhà hoạt động cũng đã phát động một chiến dịch bất tuân dân sự mới bằng cách vứt rác ra đường.

Embed from Getty Images

Lực lượng an ninh Myanmar đã giết chết ít nhất 510 dân thường trong gần hai tháng tìm cách ngăn chặn các cuộc biểu tình phản đối vụ đảo chính vào ngày 1/2, Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP) cho biết hôm thứ Hai, khi hàng nghìn người dân Myanmar tiếp tục xuống đường trở lại bất chấp số lượng thương vong ngày càng gia tăng.

Trong số 14 thường dân thiệt mạng ở Myanmar hôm thứ Hai (29/3), có ít nhất 8 nạn nhân bị giết hại ở quận Nam Dagon của Yangon.

Các nhân chứng cho biết, lực lượng an ninh trong khu vực đã bắn một loại vũ khí hạng nặng hơn bình thường hôm 29/3 để giải tỏa rào chắn làm bằng bao cát. Hiện vẫn chưa rõ loại vũ khí nào đã được sử dụng.

Trong khi đó, truyền hình nhà nước đưa tin rằng lực lượng an ninh đã sử dụng “vũ khí chống bạo động” để giải tán một đám đông “những kẻ khủng bố bạo lực” đang phá hủy vỉa hè và một người đàn ông đã bị thương.

Một người dân Nam Dagon hôm 29/3 cho biết có thể nghe thấy nhiều tiếng súng hơn trong khu vực này đêm qua, làm gia tăng lo ngại về nhiều thương vong.

Trong một chiến thuật mới, những người biểu tình đã tìm cách đẩy mạnh một chiến dịch bất tuân dân sự vào thứ Ba bằng cách kêu gọi người dân vứt rác xuống đường tại các giao lộ trọng điểm.

“Cuộc đình công rác này là để phản đối chính quyền”, một bài đăng trên mạng xã hội viết.

Động thái này được đưa ra bất chấp những lời kêu gọi được phát qua loa phát thanh tại một số khu vực lân cận của Yangon hôm thứ Hai, kêu gọi người dân vứt rác đúng chỗ.

Một trong những nhóm chính đứng sau các cuộc biểu tình, Ủy ban Tổng đình công Quốc gia, hôm thứ Hai đã kêu gọi các lực lượng dân tộc thiểu số giúp đỡ chống lại “sự áp bức bất công” của quân đội.

Ngay sau đó, ba nhóm dân tộc gồm Quân đội Liên minh Dân chủ Quốc gia Myanmar, Quân đội Arakan và Quân đội Giải phóng Quốc gia Ta’ang, đã cảnh cáo quân đội nếu không hợp tác, họ “sẽ phối hợp với tất cả các bang đang tham gia cuộc cách mạng mùa xuân của Myanmar để tự vệ.”

Quân nổi dậy từ các nhóm dân tộc khác nhau đã chiến đấu với chính quyền trung ương trong nhiều thập kỷ để giành thêm nhiều quyền tự chủ hơn. Mặc dù nhiều nhóm đã đồng ý ngừng bắn, giao tranh vẫn bùng phát trong những ngày gần đây giữa quân đội và các lực lượng ở cả phía đông và phía bắc.

Các cuộc đụng độ nghiêm trọng đã nổ ra vào cuối tuần gần biên giới Thái Lan giữa quân đội và các chiến binh thuộc lực lượng dân tộc thiểu số lâu đời nhất của Myanmar, Liên minh Quốc gia Karen (KNU).

Khoảng 3.000 dân làng đã bỏ chạy sang Thái Lan khi máy bay phản lực quân sự ném bom khu vực KNU, sau khi lực lượng KNU tràn qua một tiền đồn quân đội và giết chết 10 binh sĩ, một nhóm hoạt động và truyền thông cho biết.

Các nhà chức trách Thái Lan phủ nhận cáo buộc của các nhóm hoạt động rằng hơn 2.000 người tị nạn đã bị buộc phải trở lại Myanmar. Một quan chức Thái Lan cho biết chính sách của chính phủ cho phép quân đội chặn họ ở biên giới và từ chối các nhóm viện trợ bên ngoài được tiếp cận.

“Hành động vô lương tâm và bất hợp pháp của Thái Lan phải chấm dứt ngay bây giờ”, Sunai Phasuk, nhà nghiên cứu cấp cao của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Thái Lan, viết trên Twitter.

Trước đó, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha cho biết ông muốn các vấn đề của Myanmar do Myanmar tự giải quyết, đồng thời bác bỏ cáo buộc Thái Lan hậu thuẫn chính quyền quân sự.

“Chúng tôi không muốn có một cuộc di cư, di tản vào lãnh thổ của chúng tôi nhưng chúng tôi sẽ bảo vệ nhân quyền,” ông Prayuth nói với các phóng viên ở Bangkok.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi các tướng lĩnh của Myanmar dừng các vụ giết người và đàn áp các cuộc biểu tình.

Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai cho biết Hoa Kỳ đang đình chỉ tất cả các giao dịch thương mại với Myanmar cho đến khi có sự trở lại của một chính phủ được bầu cử dân chủ.

Tuy nhiên, những lời chỉ trích của nước ngoài và các lệnh trừng phạt của phương Tây đã không lay chuyển được các tướng lĩnh.

Trung Quốc và Ấn Độ đã từ chối lên án cuộc đảo chính, trong khi Nga vẫn duy trì quan hệ chặt chẽ với quân đội Myanmar khi Thứ trưởng Quốc phòng Alexander Fomin đến xem duyệt binh và cam kết tăng cường quan hệ quân sự. Điện Kremlin cho biết mối quan hệ lâu dài và mang tính xây dựng của Nga với Myanmar không có nghĩa là nước này đồng tình với “các sự kiện bi thảm” ở đó.

Lê Xuân (tổng hợp theo Reuters)

Xem thêm: