Ngày 15/4, quan chức ngoại giao cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là Giám đốc Văn phòng Đối ngoại Vương Nghị đã gặp Ngoại trưởng  Đức Annalena Baerbock. Ông Vương Nghị bày tỏ Trung Quốc từng ủng hộ nước Đức thống nhất, hy vọng Đức cũng ủng hộ sự nghiệp vĩ đại “thống nhất hòa bình” của Trung Quốc. Cựu Cố vấn Chính sách Trung Quốc của Ngoại trưởng Mỹ là ông Dư Mậu Xuân (Miles Maochun Yu) đã chỉ ra sơ xuất trong phát ngôn của ông Vương Nghị.

GettyImages 1247225675
Ngày 17/2/2023. Giám đốc Văn phòng Đối ngoại của ĐCSTQ Vương Nghị gặp Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock trong Hội nghị An ninh Munich (MSC) ở Munich miền nam nước Đức (SVEN HOPPE/POOL/AFP qua Getty).

Theo trang web Bộ Ngoại giao ĐCSTQ, vào ngày 15/4 ở Bắc Kinh, Giám đốc Văn phòng Đối ngoại Vương Nghị của ĐCSTQ đã gặp Ngoại trưởng Đức Baerbock. Trong thời gian này, ông Vương Nghị đã giới thiệu chi tiết về chính sách đối ngoại của ĐCSTQ với bà Baerbock. Về vấn đề Đài Loan, ông Vương Nghị nói rằng Trung Quốc đã từng ủng hộ việc thống nhất nước Đức, “hy vọng và tin tưởng rằng Đức cũng sẽ ủng hộ Trung Quốc với đại nghiệp vĩ đại hòa bình thống nhất”. Ông Vương Nghị cũng nói: “Việc Đài Loan trở về Trung Quốc là một phần quan trọng của trật tự quốc tế sau Thế chiến II”.

Về phát biểu của Vương Nghị, ông Dư Mậu Xuân – Giám đốc Trung tâm Trung Quốc của Viện Hudson (tổ chức chuyên gia tư vấn của Mỹ) và cựu Cố vấn Chính sách Trung Quốc của Ngoại trưởng Mỹ, đã chỉ ra những sơ hở đồng thời cho thấy bản chất trí trá trong chính sách ngoại giao của ĐCSTQ.

Ông Dư Mậu Xuân tweet trước đây ĐCSTQ từng ủng hộ sự cùng tồn tại của Đông và Tây Đức chứ không phải thống nhất nước Đức: “Trung Quốc (ĐCSTQ) ủng hộ cùng tồn tại của Đông và Tây Đức, đều công nhận ngoại giao [với cả hai]”.

Không giống như mong muốn thống nhất Đài Loan bằng vũ lực của ĐCSTQ hiện nay, ông Dư Mậu Xuân nhấn mạnh: “Việc thống nhất nước Đức đã được người dân hai nước chấp thuận một cách dân chủ, không bên nào kiêu ngạo hay đe dọa nhau bằng vũ lực”; “Ngày nay Trung Quốc (ĐCSTQ) vẫn phải thừa nhận chủ quyền bình đẳng giữa hai thể chế chính trị rất khác nhau là Triều Tiên và Hàn Quốc… Từ đây có thể thấy bản chất trí trá trong cách ngoại giao của ĐCSTQ”.

Trước đây ông Dư Mậu Xuân đã viết chi tiết phân tích bản chất trí trá sau quyết tâm chiếm Đài Loan của ĐCSTQ. Ông nói rằng ĐCSTQ giả vờ rằng việc thống nhất Đài Loan là nguyên tắc tuyệt đối của họ, nhưng thực tế không như vậy bởi vì chính sách ngoại giao của ĐCSTQ thường không có nguyên tắc nào cả.

Ông Dư Mậu Xuân nói trong vấn đề giải quyết tranh chấp chủ quyền quốc gia giữa hai thực thể có chung di sản văn hóa và lịch sử, nhưng khác biệt về chính trị và ý thức hệ này [ĐCSTQ và Đài Loan], ĐCSTQ phản đối giải pháp “một Trung Quốc, một Đài Loan” của phương Tây. Nhưng trong trường hợp Triều Tiên và Hàn Quốc, vào năm 1992 ĐCSTQ đã phản bội đồng minh Triều Tiên khi công nhận chính sách “Một Bình Nhưỡng, Một Seoul” của Hàn Quốc. Tương tự, trong khi ĐCSTQ công nhận Tây Đức về mặt ngoại giao, họ cũng duy trì quan hệ chính thức với Đông Đức dưới sự cai trị của Cộng sản.

Cuối cùng ông kết luận: “Trong các vấn đề đối ngoại, ĐCSTQ luôn theo chủ nghĩa cơ hội hơn là theo nguyên tắc”.

Phát biểu của ông Vương Nghị cũng làm dấy lên bình luận từ cư dân mạng Twitter:

“Vương Nghị nói thế này có phải ông ấy đang công khai yêu cầu Đức ủng hộ Đài Loan phản công Trung Quốc, ủng hộ Nguyên tắc Tam dân [của Tôn Trung Sơn gồm: Dân tộc độc lập, Dân quyền tự do, Dân sinh hạnh phúc] để thống nhất Trung Quốc?”;

“Vương Nghị không dám nói: cuối cùng chính Tây Đức dân chủ đã thống nhất Đông Đức theo chủ nghĩa Mác-Lênin!”;

“Nói hay lắm, Tây Đức dân chủ đã thống nhất Đông Đức xã hội chủ nghĩa, vậy thì Vương Nghị có ủng hộ cho Đài Loan thống nhất Trung Quốc không?”;

“Vương Nghị có hy vọng người Trung Quốc sẽ lật đổ Cộng sản giống như người Đức để thống nhất từ nền dân chủ [mà không phải nền toàn trị]?”

Đồng thời, khi Ngoại trưởng Đức Baerbock gặp Ngoại trưởng ĐCSTQ Tần Cương vào ngày 14/4, bà đã kêu gọi ĐCSTQ không sử dụng vũ lực đối với Đài Loan, bà chỉ ra rằng tình hình leo thang quân sự ở eo biển Đài Loan là “kịch bản khủng khiếp” cho toàn thế giới. Ngoại trưởng Đức nhấn mạnh “thay đổi hiện trạng một cách đơn phương và bạo lực” là không thể chấp nhận được đối với người châu Âu.

Về lập trường cứng rắn của bà Baerbock trong bảo vệ chủ quyền Đài Loan, vào ngày 15/4 Bộ Ngoại giao Đài Loan đã phản hồi trên trang web bày tỏ khẳng định và cảm ơn các quan chức cấp cao của nhiều nước như Đức đã cho thấy tình đoàn kết với người Đài Loan.