Sau 8 vụ đánh bom đẫm máu hôm Chủ Nhật (21/4), chính phủ Sri Lanka đã ban bố tình trạng giới nghiêm toàn quốc.

Embed from Getty Images

Một cảnh đường phố Sri Lanka vắng lặng hôm 21/4/2019 khi chính phủ ban hành lệnh giới nghiêm. (Ảnh: ISHARA S. KODIKARA/AFP/Getty Images)

Theo BBC, 8 vụ nổ nhắm vào các khách sạn hạng sang và các nhà thờ tổ chức lễ Phục sinh đã khiến hơn 200 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương. Chính phủ Sri Lanka chưa quy kết các vụ tấn công này là khủng bố.

Có những báo cáo cho thấy mạng xã hội tại Sri Lanka đã bị giới hạn lưu lượng tạm thời để tránh phát tán thông tin sai sự thật.

BBC, dẫn thông tin từ quân đội Sri Lanka, cho biết vào cuối ngày Chủ Nhật 22/4 (giờ địa phương), các sĩ quan quân đội đã phát hiện và tháo dỡ thành công một quả bom tự chế được đặt gần sân bay chính ở thủ đô Colombo.

Các vụ tấn công diễn ra thế nào?

Những vụ nổ đầu tiên được báo cáo xảy ra vào khoảng 8h45’ ngày Chủ Nhật 21/4 (giờ địa phương). Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, 6 vụ nổ đã được báo cáo.

Ba nhà thờ tại Negombo, Batticaloa và quận Kochchikade ở thủ đô Colombo bị đánh bom khi đang tổ chức lễ Phục sinh. Các khách sạn hạng sang tại Colombo gồm Shangri-La, Kingsbury và Cinnamon Grand cũng đã bị tấn công.

Trong khi cảnh sát đang săn lùng những kẻ chịu trách nhiệm trong các vụ đánh bom, thì có thêm báo cáo hai vụ nổ khác xảy ra tại gần vườn thú Dehiwala và ở quận Dematagoda, Colombo.

Cảnh sát đã bắt giữ 13 nghi phạm, nhưng chưa có kết luận lực lượng nào đứng đầu sau các vụ tấn công thảm khốc này.

Trong cuộc họp báo vào tối Chủ Nhật, Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe đã bác bỏ các tin đồn cho rằng giới chức đã nhận được thông tin tình báo trước khi các vụ tấn công xảy ra.

“Chúng tôi phải điều tra xem tại sao không thực hiện các phòng ngừa đầy đủ. Cả tôi và các Bộ trưởng đều không được thông báo,” ông Wickremesinghe nói và nhấn mạnh thêm rằng: “Cho tới nay ưu tiên hàng đầu là phải bắt được những kẻ tấn công.”

Các quan chức chính phủ cũng kêu gọi công chúng hãy giữ bình tĩnh trong khi các cuộc điều tra đang diễn ra.

Nạn nhân là những ai?

Đa số nạn nhân trong các vụ tấn công hôm Chủ Nhật là người Sri Lanka, trong đó bao gồm nhiều tín đồ Công giáo đang cầu nguyện trong lễ Phục sinh tại các nhà thờ.

Bộ Ngoại giao Sril Lanka cho biết họ đã xác định được ít nhất có 36 công dân nước ngoài bị thiệt mạng.

Những nạn nhân quốc tế bao gồm:

  • Ít nhất 5 người Anh, trong đó có 2 người có cả quốc tịch Mỹ
  • Ba công dân Đan Mạch
  • Một công dân Bồ Đào Nha và 3 người có quốc tịch Ấn Độ
  • Hai kỹ sư người Thổ Nhĩ Kỳ, theo trang tin Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ
  • Một người tới từ Hà Lan

Thế giới phản ứng ra sao?

Các lãnh đạo thế giới đã sốc và bày tỏ lời chia buồn với Sri Lanka về các vụ đánh bom đẫm máu.

Nhiều di sản nổi tiếng quốc tế, trong đó có Tháp Eiffel, trong tối Chủ Nhật đã để ánh sáng mờ hoặc các màu sắc phù hợp khác, thể hiện đoàn kết với Sri Lanka.

Trong bài phát biểu tại Vatican, Giáo hoàng Francis đã lên án các cuộc tấn công nhắm vào những tín đồ Công giáo đang tổ chức lễ Phục sinh là “bạo lực tàn nhẫn”.

Phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã nói rằng Tổng thư ký thấy “rùng mình” với các vụ tấn công và nhấn mạnh hy vọng những kẻ phạm tội sẽ “nhanh chóng bị đưa ra công lý.”

Thủ tướng Anh Theresa May đã đăng tweet chia buồn, nói rằng “những hành động bạo lực nhắm vào các nhà thờ, khách sạn tại Sri Lanka là thực sự kinh khủng.”

Tổng thống Mỹ Donald Trump đăng tweet “chân thành chia buồn” vì “những vụ tấn công khủng bố kinh hoàng.”

Thủ tướng New Zealand Jacinda Arden đã gọi các vụ nổ bom tại Sri Lanka là “tàn phá”.

“Chúng ta phải cùng nhau tìm kiếm giải pháp và câu trả lời nhằm chấm dứt hành vi bạo lực như vậy,” bà Arden nói. New Zealand tháng trước cũng vừa trải qua một vụ xả súng tại nhà thờ Hồi giáo khiến 50 người thiệt mạng, gây chấn động toàn quốc.

Sri Lanka hay bị khủng bố?

Các vụ tấn công hôm Chủ Nhật là thảm họa gây thương vong lớn nhất tại Sri Lanka kể từ khi cuộc nội chiến tại nước này kết thúc năm 2009.

Cuộc nội chiến Sri Lanka kết thúc từ 10 năm trước với sự thất bại của tổ chức Những con Hổ giải phóng Tamil. Nhóm này đã chiến đấu 26 năm để đòi độc lập cho lãnh thổ có thiểu số người Tamil sinh sống. Theo BBC, cuộc nội chiến này đã khiến khoảng 70.000 đến 80.000 người thiệt mạng.

Từ sau nội chiến, Sri Lanka ít xảy ra các vụ tấn công lớn. Vào tháng 3/2018, chính phủ đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia sau khi các thành viên của cộng đồng đa số Phật tử Sinhala đã tấn công vào các nhà thờ Hồi giáo và tài sản thuộc sở hữu của tín đồ Hồi giáo.

Phật giáo Nam Tông (Phật giáo nguyên thủy) là nhóm tôn giáo lớn nhất tại Sri Lanka, chiếm khoảng 70% dân số của quốc gia này, BBC dẫn theo số liệu điều tra dân số gần nhất của chính phủ Sri Lanka.

Phật giáo Nam Tông là tôn giáo của đa số người Sinhala. Tôn giáo này được coi là chính giáo trong các bộ luật của Sri Lanka và cũng được ghi nhận trong hiến pháp.

Tiếp theo là đạo Hindu và đạo Hồi, mỗi tôn giáo lần lượt chiếm 12,6% và 9,7% dân số Sri Lanka.

Theo số liệu năm 2012, khoảng 1,5 triệu người Sri Lanka theo Công giáo (gần 7% dân số) và đa số họ theo Công giáo La Mã.

Như Ngọc