Ngày 1/8, Sri Lanka đã khẩn cấp kêu gọi sự hỗ trợ nhằm giải quyết tình trạng suy dinh dưỡng đang lan rộng nhanh chóng ở trẻ em, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế của nước này khiến 90% dân số phụ thuộc vào cứu trợ của nhà nước.

shutterstock 1035544480

(Ảnh minh họa: SabrinaTenTricarico / Shutterstock)

Bộ Các vấn đề Phụ nữ và Trẻ em cho hay, cơ quan này đang tìm kiếm các nguồn tài trợ tư nhân để hỗ trợ lương thực cho khoảng vài trăm nghìn trẻ suy dinh dưỡng do thiếu ăn. 

Đây là cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất của Sri Lanka kể từ khi độc lập, đã không thể duy trì phúc lợi cho người dân.

Phát biểu trước báo giới tại Colombo, Bộ trưởng Neil Bandara Hapuhinne bày tỏ: “Khi đại dịch COVID-19 ở đỉnh điểm, tình huống đã rất tồi tệ, nhưng đến nay, cùng với cuộc khủng hoảng kinh tế, tình hình càng tồi tệ hơn nhiều.”

Ông Hapuhinne cho biết, cơ quan chức năng đã thống kê được 127.000 trẻ em bị suy dinh dưỡng trong tổng số 570.000 bé gái và bé trai dưới 5 tuổi vào giữa năm 2021.

Kể từ thời điểm đó, ông ước tính con số này sẽ còn tăng gấp vài lần do tác động toàn diện của lạm phát cũng như tình trạng thiếu lương thực và các nhu yếu phẩm khác. 

Ngoài ra, số người nhận cứu trợ trực tiếp của nhà nước đã tăng gần gấp đôi trong năm qua, với trên 90% dân số đang trông cậy vào nguồn hỗ trợ tài chính của chính phủ. Trong số này bao gồm khoảng 1,6 triệu viên chức nhà nước.

Lạm phát của Sri Lanka đã chạm mức 60,8% trong tháng 7/2022. Tuy nhiên, các nhà kinh tế học tư nhân nhận định, con số thực tế còn cao hơn 100%, chỉ đứng sau Zimbabwe. 

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cũng đưa ra lời kêu gọi tài trợ, nhấn mạnh rằng trẻ em tại Sri Lanka đang chịu ảnh hưởng lớn do cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng hiện nay. 

Sri Lanka hiện đã cạn kiệt ngoại hối để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu vào cuối năm ngoái, và Colombo cũng đã vỡ nợ 51 tỷ USD vào giữa tháng 4.

Dưới sự điều hành của Tổng thống mới Ranil Wickremesinghe, chính phủ hiện đang đàm phán cứu trợ với Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Quốc gia 22 triệu dân này phải chịu đựng tình trạng cắt điện kéo dài hàng ngày, xếp hàng dài để mua nhiên liệu, đáng chú ý vấn nạn thiếu lương thực và thuốc thiết yếu ở một quốc gia từng có các chỉ số xã hội tốt nhất Nam Á.

Tháng trước, Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đã chạy trốn khỏi đất nước và từ chức sau khi hàng nghìn người biểu tình giận dữ xông vào dinh thự chính thức của ông, do hệ quả của khủng hoảng kinh tế.

Minh Ngọc (Theo AFP)