Nhà chức trách Sri Lanka hôm thứ Sáu (17/6) đã thông báo đóng cửa các văn phòng chính phủ và trường học trong hai tuần vì giao thông công cộng gần như ngừng hoạt động do thiếu tiền mua nhiên liệu.

Embed from Getty Images

Bộ hành chính công của Sri Lanka đã yêu cầu tất cả các sở, cơ quan công quyền và hội đồng địa phương chỉ duy trì các dịch vụ thiết yếu nhất từ thứ Hai để đối phó với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng xăng và dầu diesel.

“Do khan hiếm phương tiện giao thông công cộng cũng như không thể bố trí phương tiện cá nhân, nên Bộ quyết định cắt giảm mạnh số lượng nhân viên đến làm việc”, lệnh của Bộ cho biết.

Sri Lanka đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi giành được độc lập vào năm 1948. Nước này đã không thể chi trả cho việc nhập khẩu các nhu yếu phẩm như thực phẩm, thuốc men và nhiên liệu kể từ cuối năm ngoái.

Nước này cũng đang đối mặt với lạm phát cao kỷ lục và tình trạng mất điện kéo dài, tất cả đều góp phần dẫn đến các cuộc biểu tình kéo dài nhiều tháng – đôi khi kèm theo bạo lực – kêu gọi Tổng thống Gotabaya Rajapaksa từ chức.

Đầu tuần này, các nhà chức trách đã tuyên bố ngày thứ Sáu là một ngày nghỉ lễ, cũng nằm trong nỗ lực tiết kiệm nhiên liệu.

Trên đường phố, những đoàn dài người vẫn tiếp tục xếp hàng bên ngoài các trạm bơm nhiên liệu, với mong mỏi được bơm đầy bình xăng sau nhiều ngày chờ đợi. 

Bộ giáo dục cho biết tất cả các trường học đã được yêu cầu đóng cửa trong hai tuần kể từ thứ Hai để chuyển sang giảng dạy trực tuyến, nếu học sinh và giáo viên có điện.

Lệnh đóng cửa được đưa ra một ngày sau khi Liên Hợp Quốc đưa ra phản ứng khẩn cấp đối với cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có trên hòn đảo bằng cách hỗ trợ cho hàng nghìn phụ nữ mang thai đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực.

Liên Hợp Quốc cho biết, 4/5 người ở Sri Lanka đã bắt đầu bỏ bữa vì họ không đủ tiền ăn, đồng thời cảnh báo về một “cuộc khủng hoảng nhân đạo thảm khốc” với hàng triệu người đang cần viện trợ.

Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cho biết họ đã bắt đầu phân phát phiếu thực phẩm cho khoảng 2.000 phụ nữ mang thai ở Colombo.

WFP đang cố gắng huy động 60 triệu USD cho nỗ lực cứu trợ lương thực từ tháng 6 đến tháng 12.

Sri Lanka đã vỡ nợ 51 tỷ USD vào tháng 4 và đang đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế để xin một gói cứu trợ.

Ngân Hà (theo AFP)