Cựu cố vấn Nhà Trắng Steve Bannon nhận định, nhóm pháp lý của cựu Tổng thống Donald Trump nên tập trung vào các cáo buộc gian lận cử tri trong phiên tòa luận tội diễn ra ngày 8/2 sắp tới.

Embed from Getty Images

“Ông ấy sẽ không bị kết tội, vì vậy chúng ta phải giải quyết [vấn đề cuộc bầu cử] ngày 3/11. Và nơi tốt nhất để phân xử điều này là ‘sân nhà’ của Thượng viện Hoa Kỳ,” ông Bannon nói với Politico.

Theo đánh giá giá chung, ông Trump có khả năng sẽ được tuyên bố trắng án tại phiên tòa dự kiến ​​bắt đầu vào ngày 8/2. Có tới 45 thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã bỏ phiếu tuyên bố phiên tòa luận tội là vi hiến, vì vậy khả năng 17 thành viên Đảng Cộng hòa tham gia cùng phía Đảng Dân chủ kết tội cựu tổng thống là rất thấp.

Ông Bannon cho biết, Đảng Dân chủ sẽ xoáy vào vụ hỗn loạn ngày 6/1 tại Điện Capitol của Hoa Kỳ hòng khiến cựu tổng thống bị buộc tội và mất tư cách tiếp tục tranh cử tổng thống. Ông ủng hộ chiến lược đưa các cáo buộc gian lận cử tri, vốn đã bị các tòa án và các quan chức bầu cử tiểu bang bác bỏ, ra phiên tòa luận tội sắp tới.

Ông Bannon nói trong cuộc phỏng vấn: “Họ sẽ cố gắng kết tội ông ấy trong mắt người dân Mỹ và muốn đánh gục ông ấy vĩnh viễn.”

Dù vậy, không phải ai cũng đồng ý với nhận định của ông Bannon. Ông Alan Dershowitz, chuyên gia luật đã từng tham gia nhóm pháp lý của ông Trump trong phiên tòa luận tội đầu tiên vào năm 2020, nói với Politico rằng đưa chủ đề gian lận bầu cử ra phiên tòa “là một ý tưởng tồi tệ”.

“Ông ấy sẽ mất [tín nhiệm] của các thượng nghị sĩ nếu như biện hộ cho các tuyên bố về cuộc bầu cử hoặc bảo vệ bài phát biểu của mình,” ông Dershowitz nói. “Sẽ tốt hơn nếu ông ấy cho phép các luật sư của mình đưa ra các lập luận hiến pháp theo Tu chính án thứ nhất và những hạn chế của Thượng viện trong việc kết tội bất kỳ ai không còn tại vị.”

Bản thân luật sư Bruce Castor trong nhóm pháp lý của ông Trump cũng nói trong cuộc phỏng vấn trên KYW Newsradio Philadelphia: “Có rất nhiều nghi vấn về kết quả cuộc bầu cử trên khắp đất nước, nhưng đó là dành cho cuộc tranh luận khác, và tôi không tin rằng đó là điều quan trọng để tiến hành tranh tụng trong phiên tòa ở Thượng viện sắp tới.”

Mặc dù Hạ viện mới chỉ luận tội về một điều khoản, đó là bài phát biểu của ông Trump đã kích động một cuộc bạo loạn, nhưng các đồng minh của cựu Tổng thống lo ngại đối thủ sẽ tập trung vụ bạo loạn trong ngày 6/1 dẫn đến bốn người biểu tình và một cảnh sát Capitol bị chết ngay tại hiện trường, ngoài ra còn có 2 sĩ quan và một người biểu tình tử vong sau đó.

Ngày 2/2, nhóm pháp lý của ông Trump đã đệ trình các bản ghi chú phiên tòa nhằm phác thảo sơ bộ hướng lập luận của họ, kiên trì rằng phiên tòa luận tội đã vi phạm Hiến pháp Hoa Kỳ, vì ông Trump hiện không còn là tổng thống của nước Mỹ.

Ngoài ra, họ cũng khẳng định, bài phát biểu của ông ngày 6/1 được bảo vệ bởi Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp. “Không thể khẳng định rằng Tổng thống Trump đã kích động đám đông tham gia vào hành vi phá hoại.”

Mới đây, ngày 4/2, ông Jason Miller đã nói trên Newsmax TV rằng ông Trump sẽ không khai chứng trong phiên tòa luận tội ông sắp tới, bất chấp việc các quan chức điều hành luận tội đại diện cho Hạ viện đã yêu cầu ông khai chứng có tuyên thệ trước hoặc trong phiên tòa về “hành vi của ông” trong ngày xảy ra sự kiện xâm nhập vào Điện Capitol.

Nhóm pháp lý của ông Trump đã gọi yêu cầu của Quản lý trưởng về luận tội của Hạ viện, Dân biểu Dân chủ Jamie Raskin về khai chứng là “chiêu trò thu hút sự chú ý của công chúng” và cho biết phe Dân chủ “không thể chứng minh” các cáo buộc chống lại ông Trump.

Minh Ngọc (T/h)

Xem thêm: