Hội nghị Thượng đỉnh vì Dân chủ do Hoa Kỳ tổ chức vào ngày 9/12, được tính là vòng thứ 3 trong cuộc chiến ngoại giao giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ kể từ tháng 11. (Vòng đầu tiên là Hội nghị Thượng đỉnh về Khí hậu, vòng thứ 2 là tẩy chay ngoại giao Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh).

(Bài viết của nhà kinh tế học người gốc Hoa tại Mỹ, bà Hà Thanh Liên – He Qinglian, thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.)

Janet Yellen scaled
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen. (Ảnh: flickr/Federalreserve)

Chiêu nặng ký lần này của Hoa Kỳ không phải là “chống chủ nghĩa độc tài”, mà là bài phát biểu của bà Janet Yellen, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ, trong cuộc thảo luận “Phòng ngừa và chống tham nhũng.” Bà nói rằng Bộ đã thành lập một quỹ chống tham nhũng, để thưởng cho những người tố cáo cung cấp thông tin về việc tham nhũng của các nhà lãnh đạo nước ngoài, nhằm che giấu “tiền bất chính” tại Hoa Kỳ.

Nhiều nhà bình luận tỏ ra hào hứng với điều đó và tin rằng điều này đang giúp Trung Quốc chống tham nhũng. Trong nhiều năm qua, Hoa Kỳ vẫn luôn dẫn đầu về việc chống rửa tiền trong cộng đồng quốc tế. Thiên đường trốn thuế như đất nước Panama từ lâu đã bị Liên đoàn Nhà báo Điều tra Quốc tế phanh phui. Tác giả vẫn luôn theo dõi tin tức về phương diện này. Bài viết này muốn thảo luận về 2 điểm:

Chính phủ Hoa Kỳ có cần người tố cáo mới có thể tìm hiểu về những người gửi vàng ra nước ngoài ở Hoa Kỳ không?

Bà Yellen nói: “Nước Mỹ có quá nhiều điểm tối về tài chính để che giấu, bảo hộ cho nạn tham nhũng, và chúng ta phải tập trung vào những người này.”

Với khả năng của Hoa Kỳ, tôi tin rằng nếu Chính phủ Hoa Kỳ muốn áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một lãnh đạo cụ thể của một quốc gia nào đó, họ hoàn toàn có thể thực hiện được điều này.

Trong các hoạt động chống rửa tiền trên toàn cầu, Hoa Kỳ vẫn luôn là quốc gia đi đầu và đã xây dựng các bộ luật tương đối hoàn chỉnh. Ngay từ năm 2016, trong bài viết “Tiết lộ tài liệu Panama là một trận chiến cam go chống lại các thiên đường trốn thuế”, tôi đã trình bày chi tiết về sự phát triển kéo dài hàng thập kỷ của Hoa Kỳ, về 3 phương diện lập pháp, hành pháp và tư pháp chống rửa tiền.

Điều cốt lõi của luật chống rửa tiền hiện hành của Hoa Kỳ có thể được tóm tắt đơn giản là “1 tìm hiểu và 2 báo cáo.” “1 tìm hiểu” chính là tìm hiểu khách hàng của bạn, “2 báo cáo” là gửi “Báo cáo Giao dịch Tiền tệ” “Báo cáo Hoạt động Đáng ngờ” cho các cơ quan thực thi pháp luật. Sự hình thành của hệ thống này đã được cải thiện thông qua việc ban hành và sửa đổi một số luật chính.

Hoạt động chống rửa tiền của Hoa Kỳ đối với các giao dịch ma túy ban đầu nhắm vào các giao dịch ma túy. Nó bắt đầu với các ngân hàng và thông qua luật buộc các ngân hàng phải hoạt động như những thám tử chống rửa tiền.

Nói ra cũng khá thú vị, các ngân hàng được yêu cầu gửi báo cáo về những khoản giao dịch tiền mặt vượt quá 10.000 USD. Họ phải gửi các báo cáo liên quan đến việc gửi tiền, rút ​​tiền, trao đổi tiền mặt hoặc các khoản thanh toán hay chuyển khoản khác cho các cơ quan hữu quan. Quy định này vẫn có hiệu lực kể từ “Đạo luật Bảo mật Ngân hàng năm 1970″ (BSA).

Đây là bộ luật chống rửa tiền đầu tiên của Hoa Kỳ, thậm chí là đầu tiên trên thế giới. Nhưng thực tế lại không giống như cái tên của nó. Rõ ràng đây là luật yêu cầu các ngân hàng phải “tiết lộ” thông tin khách hàng cho các cơ quan thực thi pháp luật cụ thể của Hoa Kỳ, nhưng lại được gọi là “Đạo luật bảo mật.”

“Đạo luật Kiểm soát Rửa tiền” năm 1986 mới là đạo luật chống rửa tiền thực sự. Theo đạo luật này, rửa tiền có thể được chia thành 4 tội danh:

  1. Tội rửa tiền trong các giao dịch tài chính;
  2. Tội rửa tiền với các phương tiện vận chuyển tiền tệ;
  3. Tội rửa tiền được điều tra bằng phương thức bí mật;
  4. Tội rửa tiền trong giao dịch tiền tệ, còn được gọi là tội phạm rửa tiền xuyên biên giới.

Kể từ đó, luật chống rửa tiền liên tục được bổ sung thêm: Năm 1988, Quốc hội thông qua “Đạo luật Cải thiện Truy tố Rửa tiền” (MLPIA), mở rộng định nghĩa về “các tổ chức tài chính”. Các nhà phân phối ô tô, máy bay, tàu thủy, những người hoạt động trong lĩnh vực bất động sản và dịch vụ bưu chính, cũng được đưa vào phạm vi của các tổ chức tài chính này.

Điều này đã khiến khối lượng công việc gia tăng. Vì lý do này, Hoa Kỳ đã ban hành “Đạo luật Trấn áp Rửa tiền” năm 1994, bổ sung nội dung giảm gánh nặng cho ngân hàng. Đồng thời yêu cầu Bộ Tài chính miễn trừ các giao dịch giữa các tổ chức tài chính để giảm bớt gánh nặng báo cáo giao dịch tiền tệ.

Năm 1999, Hoa Kỳ cho ra đời “Chiến lược Quốc gia về Chống rửa tiền” đầu tiên, đánh dấu sự chuyển hướng chiến lược chống rửa tiền của Hoa Kỳ từ chống ma túy sang chống khủng bố.

Kể từ đó hàng năm, Chính phủ Hoa Kỳ sẽ công bố “Chiến lược Quốc gia về Chống rửa tiền.” Những chiến lược này không phải là luật, nhưng chúng có vai trò định hướng quan trọng đối với các hoạt động lập pháp và hành pháp về chống rửa tiền ở Hoa Kỳ.

Sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, nhằm tăng cường chống khủng bố, ngày 24/10 Thượng viện và Hạ viện Hoa Kỳ đã nhất trí thông qua “Đạo luật Cung cấp các Phương tiện Thích hợp để Đánh chặn và Ngăn chặn Chủ nghĩa Khủng bố nhằm đoàn kết và củng cố nước Mỹ”. Chữ cái tiếng Anh đầu tiên của mỗi từ trong tên của đạo luật này ghép lại với nhau là “USA PATRIOT ACT”, vì vậy nó còn được gọi là “Đạo luật Yêu nước.”

“Đạo luật Yêu nước” có 10 chương và 156 phần, gồm 3 nội dung. Trong đó, phần 3 là “Đạo luật quốc tế về chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố năm 2001”, nhắm mục tiêu cụ thể đến việc tài trợ cho các hoạt động khủng bố.

Mục đích của nó là ngăn chặn, xác định và truy tố hoạt động rửa tiền quốc tế và tài trợ cho các tổ chức khủng bố. Dự luật này rất cần thiết để ngăn chặn việc tài trợ cho các tổ chức khủng bố và các cuộc tấn công khủng bố trên khắp thế giới. Dự luật này có các tiêu chuẩn nhận dạng khách hàng chặt chẽ hơn. Đặc biệt là cấm các ngân hàng Hoa Kỳ duy trì liên hệ kinh doanh với các ngân hàng mang vỏ bọc nước ngoài, nhằm ngăn chặn rửa tiền.

Hiểu được tình trạng lập pháp chống rửa tiền của Hoa Kỳ, chúng ta có thể hiểu rằng trong hầu hết các trường hợp, thông qua các báo cáo liên quan trong hệ thống tài chính của nước này, Chính phủ Hoa Kỳ hoàn toàn có thể nắm được thông tin người gửi tiền. Bà Yellen kêu gọi những người trong cuộc tố cáo, chủ yếu là muốn tạo một cuộc chiến dư luận. Điều này mới là “sự thật”.

Bao nhiêu quan chức tham nhũng Trung Quốc giấu vàng ở Mỹ?

Tất nhiên, nhiều quan chức tham nhũng ở Trung Quốc ẩn thân và cất giấu vàng ở Mỹ. Mỹ, Canada và Úc luôn là nơi ẩn náu hàng đầu của các quan chức tham nhũng Trung Quốc, bởi 3 quốc gia này là những quốc gia có truyền thống nhập cư, chất lượng cuộc sống và trình độ học vấn đều rất hấp dẫn.

Quan trọng hơn là không có thỏa thuận dẫn độ nào giữa Trung Quốc và 3 nước trên. Hệ thống tư pháp của họ khác với Trung Quốc, điều này thường dẫn đến các cuộc đàm phán dẫn độ kéo dài.

Kể từ khi Trung Quốc phát động “Cuộc săn cáo năm 2014”, khó khăn lớn nhất là làm thế nào để Mỹ chịu hợp tác và trục xuất các quan chức tham nhũng. Năm 2015, khi đưa tin về “Cuộc săn cáo” của Trung Quốc, Đài Phát thanh Công cộng Quốc gia Hoa Kỳ (NPR) đã phân tích và nhìn nhận thực tế như sau: Mỹ là nơi lựa chọn hàng đầu để các quan chức tham nhũng của Trung Quốc bỏ trốn.

Những người đào tẩu chọn Hoa Kỳ vì họ biết rằng không có hiệp định dẫn độ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Hơn nữa Hoa Kỳ cũng cảnh giác với việc đưa những kẻ đào tẩu trở lại Trung Quốc. Họ lo ngại rằng Chính phủ Trung Quốc sẽ coi các tù nhân chính trị như những phần tử tham nhũng và bắt giữ họ.

Những lo ngại này không phải là không có căn cứ. Tháng 10/2020, ông Christopher Asher Wray, Giám đốc FBI, đã công bố cáo buộc với 8 bị cáo gồm Chu Dũng (Zhu Yong), Hồng Như Tiến (Hongru Jin) và Michael McMahon. Những người này bị buộc tội âm mưu quấy rối và gây áp lực, buộc những người bất đồng chính kiến ​​và những người đào tẩu khỏi Trung Quốc phải trở về nước này xét xử.

Tuy nhiên, trong năm 2014, khoảng 2 – 3 năm sau, quan hệ Trung-Mỹ vẫn là “đối tác chiến lược”. Vì vậy Mỹ sẵn sàng tìm kiếm các phương thức hợp tác thay thế với Trung Quốc.

Tháng 11/2014, Hội nghị APEC Bắc Kinh ra “Tuyên bố Bắc Kinh chống tham nhũng.” Trung Quốc đã ký Tuyên bố với Hoa Kỳ và các nước chưa ký hiệp ước dẫn độ.

Các kênh “thay thế” mà Hoa Kỳ tìm ra chủ yếu gồm: Truy tố các quan chức Trung Quốc tham nhũng về các tội danh phổ biến như gian lận nhập cư và rửa tiền; thúc giục tòa án nhập cư Hoa Kỳ trục xuất họ. Tất nhiên, Trung Quốc cũng có thể chọn theo đuổi các vụ truy tố ở những nơi khác và đệ đơn kiện các quan chức tham nhũng ở Hoa Kỳ.

Cách làm này rất thực tế, bởi hầu hết các quan chức tham nhũng này khó thoát khỏi các tội danh như gian lận nhập cư và rửa tiền. Vì khi giải quyết tình trạng lưu trú tại Hoa Kỳ, dù sau khi thị thực hết hạn, các quan chức tham nhũng không về nước thì cũng lọt vào danh sách đen. Hoặc họ dùng tiền ăn cắp được để lấy thẻ xanh nhập cư đầu tư. Hoặc gian lận xin thẻ xanh để tị nạn chính trị, thông qua những lý do giả như đàn áp tôn giáo, từ chối sinh một con. Tất cả đều liên quan đến tội phạm nhập cư.

Bằng cách này, Trung Quốc đã bắt được hơn 10 người gồm bà Dương Tú Châu (Yang Xiuzhu) và ông Dư Chấn Đông. Nhưng đối với ông Lệnh Hoàn Thành (Ling Wancheng), Quách Văn Quý và những người khác, mặc dù Bắc Kinh hy vọng đưa họ về Trung Quốc, nhưng Mỹ đã không hợp tác.

Lời kêu gọi của bà Yellen chủ yếu là để làm nhục Bắc Kinh

Lời kêu gọi của bà Yellen chủ yếu nhằm tạo ra một cuộc chiến dư luận mang tính sỉ ​​nhục chống lại Bắc Kinh. Bởi lẽ, ông Tập Cận Bình sẽ không quan tâm nhiều đến các quan chức dưới cấp ủy viên Bộ Chính trị, ngay cả khi Mỹ tiết lộ tài sản người nhà của họ ở Mỹ.

Chiến dịch chống tham nhũng của Trung Quốc bắt đầu từ năm 2013, chủ yếu tập trung vào cấp lãnh đạo của đảng, chính phủ và quân đội, cũng như quan chức cấp tỉnh, cấp bộ. Chiến dịch chống tham nhũng bắt đầu vào năm 2018 lại đi sâu vào các tỉnh, thành phố, quận và thị trấn.

Nếu Hoa Kỳ thực sự tiết lộ tình trạng tiền gửi hoặc tài sản của các quan chức Trung Quốc ở Hoa Kỳ, thì ông Tập Cận Bình sẽ nghĩ cách chống tham nhũng trong nước. Chỉ là ông ấy sẽ không hành động ngay lập tức mà thôi.

Về tài sản của những thành viên trong gia đình của các Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, những khoản tiền mà họ cất giấu ở nước ngoài, dưới dạng biệt thự, tiền mặt, hàng hóa đầu tư, v.v., còn có thể “sống sót”. Những tài sản do các “găng tay trắng” như ông Tiêu Kiến Hoa, Vương Kiện Lâm, Jack Ma nắm giữ v.v., ước tính chính quyền Trung Quốc sớm đã điều tra rõ. Họ đã hoặc đang cố gắng quốc hữu hóa chúng.

Năm đó, sau khi các tài liệu Panama được tiết lộ, hầu hết những người có liên quan bị tiết lộ, có lẽ sẽ bị chính quyền Bắc Kinh “chú ý”.

Trung Quốc là một quốc gia tham nhũng lớn. Ngay cả khi ông Tập Cận Bình có “bàn tay sắt chống tham nhũng” thì các vụ tham nhũng lớn liên tiếp vẫn nổi lên.

Theo số liệu từ trang web của Ủy ban Giám sát Nhà nước thuộc Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, năm 2020 tổng cộng có 18 cán bộ trực thuộc Ủy ban Kiểm tra Trung ương bị điều tra. Trong số 18 người này, có 3 người giữ chức vụ quan trọng ở các bộ và ủy ban, 13 người là lãnh đạo đảng và chính quyền địa phương, 2 người còn lại là lãnh đạo các doanh nghiệp trung ương.

Số tiền nhận hối lộ tổng cộng hơn 1,788 tỷ NDT (khoảng 280,7 triệu USD). Trong đó, vụ án tham nhũng của ông Lại Tiểu Dân (Lai Xiaomin) trị giá gần 1,8 tỷ NDT (khoảng 282,6 triệu USD), phá kỷ lục tham nhũng của Trung Quốc.

Do đó, ngoài việc ông Tập Cận Bình và gia đình thân cận của ông ấy có một lượng lớn tiền gửi và những ngôi nhà sang trọng ở Hoa Kỳ ra, việc công bố tài sản của bất kỳ ai ở Hoa Kỳ cũng không phải là một đòn giáng trực tiếp vào ông Tập. Vấn đề đặt ra là: Liệu Hoa Kỳ có tiếp cận được những thông tin như vậy về ông Tập và sẵn sàng công bố nó hay không. Điều này mới là “hư cấu”.

Kết luận của tôi là: Bất kể quan hệ Mỹ – Trung theo chiều hướng nào, thì giai đoạn hiện tại chủ yếu là khẩu chiến. Cả hai bên vẫn có chỗ cho sự thỏa hiệp. Các nước trên thế giới cũng đang theo dõi xu hướng này.

Hà Thanh Liên / Vision Times
(Bài viết chỉ thể hiện quan điểm ​​cá nhân của tác giả.)

Xem thêm bài cùng tác giả: