Tin đồn và các báo cáo khác nhau liên quan tới cuộc khủng hoảng sức khỏe của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã khiến thế giới chú ý, phần nào phân tán sự tập trung vốn chỉ dành cho virus corona trong vài tháng vừa qua. 

Embed from Getty Images

Diễn biến tin đồn về cuộc khủng hoảng sức khỏe của Kim Jong-un

Nhà lãnh đạo Triều Tiên được cho là xuất hiện lần cuối trên báo chí nhà nước hôm 11/4 khi tham dự hội nghị của Bộ Chính trị Đảng Lao động cầm quyền.

Hôm 18/4, Tổng thống Trump cho biết ông vừa nhận được “bức thư tốt đẹp” từ Kim Jong-un và khẳng định mối quan hệ giữa 2 nhà lãnh đạo vẫn tốt, theo hãng tin Yonhap. Tuy nhiên, nội dung bức thư không được công bố.

Hôm 21/4, tin đồn về tình hình sức khỏe Kim Jong-un được đẩy lên truyền thông quốc tế. Báo mạng Daily NK có trụ sở tại Hàn Quốc đưa tin nhà lãnh đạo Triều Tiên đã trải qua một cuộc phẫu thuật tim mạch hôm 12/4 và hiện đang nghỉ ngơi lại một dinh thự ở phía Bắc Bình Nhưỡng. Còn hãng CNN dẫn lời một quan chức thạo tin ở Mỹ cho biết “thông tin tình báo” nói rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên đang “trong tình trạng nguy kịch” sau khi trải qua cuộc phẫu thuật. 

Những tin đồn này bắt nguồn từ việc ông Kim Jong-un không tham dự chuyến thăm thường niên đến Cung điện Mặt Trời hôm 15/4 nhân dịp kỷ niệm ngày sinh của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành và cũng là ông nội của Kim Jong-un.

Hôm 23/4, Reuters dẫn một số nguồn tin cho hay Trung Quốc đã cử một đoàn cán bộ gồm chuyên gia y tế tới tư vấn cho lãnh đạo Triều Tiên. Tin tức rò rỉ ra sau đó ở Nhật Bản qua một nguồn tin Trung Quốc cho thấy nhà lãnh đạo Triều Tiên “đã rơi vào trạng thái thực vật” sau khi không được đặt stent tim kịp thời.

Cũng vào cùng ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông nghĩ rằng thông tin Kim Jong-un đang gặp vấn đề sức khỏe nghiêm trọng là “không chính xác”, nhưng từ chối bình luận khi được hỏi ông đã liên lạc với các quan chức Triều Tiên hay chưa.

Đến ngày 24/4, một nguồn tin Hàn Quốc nói với Reuters thông tin tình báo của họ chỉ ra rằng ông Kim vẫn khỏe và sẽ sớm xuất hiện trước công chúng.

Hôm 26/4, truyền thông Triều Tiên Rodong Sinmun đưa bản tin cho biết nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vừa gửi một bức thư cảm ơn và động viên tới các công nhân đang làm nhiệm vụ xây dựng và phát triển thành phố Samjiyon.

Đến ngày 27/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định ông biết “khá rõ” tình trạng của nhà lãnh đạo Triều Tiên nhưng “không thể nói lúc này” và chúc Kim Jong-un khỏe mạnh.

Hôm 28/4, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Kim Yeon-chul cho biết các kế hoạch của ông Kim Jong-un vẫn thường xuyên được cập nhật, dấu hiệu cho thấy ông vẫn đang giải quyết các vấn đề quốc gia một cách bình thường. Ông Kim Yeon-chul cho rằng sự vắng mặt của nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể là do đang áp dụng các biện pháp phòng dịch COVID-19.

TT Trump gửi thiệp chúc mừng sinh nhật ông Kim Jong-un

Những suy đoán trước thông tin Kim Jong-un nguy kịch

Hàng chục năm ảnh hưởng đã khiến Bắc Kinh thâm nhập sâu rộng vào nội tình Triều Tiên, thao túng và cài cắm nhiều vị trí chủ chốt trong chính quyền, đồng thời sử dụng nước này như một công cụ ngoại giao để ‘mặc cả’ với phương Tây.

Tuy vậy, đến thời Kim Jong-un, giới quan sát đã nhận thấy một vài chỉ dấu mờ nhạt của sự nổi loạn, bất quy phục đối với chính quyền trung ương Trung Quốc, thể hiện qua việc Kim Jong-un thanh trừng một số quan chức “thân Trung,” đồng thời phát triển mối quan hệ tốt đẹp hơn với Mỹ.

Kim và ông Trump gặp trực diện nhau vài lần, thậm chí ông Trump còn đặt chân sang lãnh thổ Triều Tiên, một điều chưa người tiền nhiệm nào của ông làm được. Mặc dù các cuộc gặp thượng đỉnh chưa có kết quả, nhưng hai bên thi thoảng gửi thư riêng cho nhau, và Kim có những hành động ‘ngầm’ ủng hộ ông Trump tái đắc cử. Đó là những điều tối kỵ với Bắc Kinh.

Nhìn lại diễn biến vụ việc lần này, có thể thấy ngay sau khi ông Trump khoe rằng Kim Jong-un vừa gửi cho ông một bức thư “tốt đẹp”, vài ngày sau tin đồn về Kim bị bệnh nặng được dấy lên. Lưu ý rằng, tin đồn Kim “rơi vào trạng thái thực vật” mà một tuần báo của Nhật Bản nhận được là từ một nguồn tin ở Trung Quốc, trong khi đó tin đồn “chết não … trong tình trạng nguy kịch” mà CNN trích dẫn từ “nguồn tình báo Mỹ” cũng không rõ ràng (ông Trump đã bày tỏ sự hoài nghi về tin tức này do CNN đưa).

Một sự “tốt đẹp” giữa Mỹ và Triều Tiên xảy ra trong khi Trung Quốc đang rối ren với hàng loạt vấn đề: dịch bệnh, biển Đông, Đài Loan, thương chiến, các nước đồng loạt đòi điều tra, đòi kiện và tẩy chay … là điều Bắc Kinh sẽ không thể chấp nhận. 

Vì vậy, điều này có thể dẫn đến việc Trung Quốc cố tình tung tin đồn về tình trạng nguy kịch của Kim Jong-un như một cách hù dọa nhà lãnh đạo trẻ Triều Tiên nếu nước này có ý định “phản bội” và về phe với Mỹ.

Trung Quốc sau đó liên tiếp đưa đoàn công tác sang Triều Tiên, dừng tàu liên vận, đưa xe tăng tới biên giới, giống như sẵn sàng chuẩn bị cho một cuộc chuyển giao quyền lực, nhưng có thể là để gửi thông điệp tới Kim Jong-un “hãy ngồi im.”

Tuy vậy, tất cả những điều trên chỉ dừng lại ở suy đoán.

Cũng có thể sự việc chỉ đơn giản giống như nhiều vụ thử tên lửa khác, là một màn muốn gây sự chú ý của Triều Tiên khi cả thế giới bận rộn tập trung chống dịch. Điều thú vị là, Kim Jong-un có thể “tương kế tựu kế”, nhân cơ hội này gia tăng quan sát phản ứng trong nội bộ và trên trường quốc tế để nhìn nhận rõ hơn về “kẻ thù thực sự” của mình.

Lê Xuân

Xem thêm: