Chỉ mới hơn tuần trước đó, cả thế giới còn tập trung vào “sân khấu lớn” ở Trung Quốc: người lo lắng về Thế vận hội, người chú ý cô gái trượt tuyết người Mỹ gốc Hoa, và một số quan tâm đến ‘bà mẹ 8 con bị xích cổ‘ ở Tô Châu tỉnh Giang Tô kéo theo làn sóng bàn về thảm trạng buôn bán người kéo dài 70 năm của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ)… Đúng lúc này thì trận địa pháo kích của Nga vào Ukraine đã gây chấn động thế giới!

shutterstock 2129012939
Một tòa nhà dân cư bị máy bay địch làm hư hại ở thủ đô Kiev của Ukraine ngày 25/2/2022. (Ảnh: Drop of Light / Shutterstock).

Dường như ngay tức khắc, cộng đồng quốc tế đổ dồn về Ukraine khiến tâm điểm chú ý về đại dịch COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán) giết chết 6 triệu người trên toàn thế giới và liên quan 1,5 tỷ người Trung Quốc như trở thành mối quan tâm thứ yếu. Vốn dĩ trước đó, truyền thông chính thống của Mỹ đã không còn được quan tâm nhiều vì bị mất uy tín, người ta vẫn thường nghi ngờ về các tuyên bố của họ mà không cần suy nghĩ nhiều, nhưng sau tiếng đại bác ở Ukraine đã xảy ra hiện tượng lạ khi có vẻ như mọi người không còn giữ được tinh thần nghi ngờ mà hoàn toàn tiếp thu các thông tin đằng sau cuộc chiến từ các phương tiện truyền thông chính thống một cách không cần thắc mắc.

Điều kỳ lạ hơn nữa là mọi người bỗng nhiên lên án nhau, đòi hỏi ý kiến ​​của nhau, đồng thời bôi nhọ và tránh xa những người không đồng tình với mình… Xã hội như vào trạng thái mới của chia rẽ và cô lập! Những hành vi thái quá, tức giận và phi lý trí này khiến chúng ta trở nên xa lạ, nghi ngờ nhau, khiến các mối quan hệ của chúng ta trở nên căng thẳng khác thường.

Mọi người có nhớ chỉ một tuần trước còn như thế nào không? Ngay cả những người Mỹ gốc Hoa đối lập chính trị, ủng hộ Trump và chống Trump, cánh tả và cánh hữu, những người ủng hộ Đảng Dân chủ và Cộng hòa, đều gạt quan điểm chính trị của mình sang một bên và tập trung lên án ĐCSTQ về vụ việc cô gái ở Tô Châu. Đó mới là trạng thái khiến cho nhà cầm quyền độc tài ĐCSTQ phải run sợ: khi người Trung Quốc trong và ngoài nước cùng chung chiến tuyến. Đáng buồn thay, chúng ta đang đánh mất động lực tươi đẹp ngắn ngủi này!

Cái gọi là trạng thái “phi lý trí” này là một bệnh tâm lý, do tâm lý chịu đựng kém hơn áp lực bên ngoài khiến hành vi không còn giữ được thăng bằng bình thường. Tình trạng này phổ biến ở những người thường sống trong áp lực cuộc sống quá lớn.

Tôi có một số bạn bè từ Ukraine và đồng nghiệp từ Đông Âu, họ có nhiều thành viên gia đình và bạn bè ở Ukraine và các nước Đông Âu, cũng như ở Nga. Nói chuyện với họ về việc Nga xâm lược Ukraine, họ có phẫn nộ chính đáng nhưng họ không mất kiểm soát cảm xúc, càng không có kiểu ép ai đó phải bày tỏ quan điểm và làm rõ lập trường. Họ thậm chí không hỏi tôi nghĩ gì về cuộc chiến, chúng tôi chỉ lặng lẽ trao đổi thông tin và ý kiến ​​của riêng mình. Đây chính là điều mà một người bình thường nên có, như thế mới có hy vọng thấu hiểu hình thức xung đột bề ngoài của chiến tranh để nhìn vào nguyên nhân sâu xa đằng sau, để xác định rõ ai đứng sau cuộc chiến, kẻ hưởng lợi lớn nhất trong cuộc chiến là ai, để chúng ta không bị thao túng bởi hiện tượng thay vì cần hiểu rõ bản chất. Đặc biệt là những thông điệp trên truyền thông và mạng xã hội chứa đầy nội dung sai sự thật và đủ loại định kiến, sai lệch, tuyên truyền chiến tranh và kích động nhau, thậm chí “khua nước đục thả câu”.

Nhiều người đã ví cuộc xâm lược Ukraine của Nga với nhiều cuộc chiến khác, chẳng hạn như cuộc chiến Liên Xô-Phần Lan năm 1939, hay cuộc xâm lược của Nga vào Gruzia nhiều năm trước. Theo tôi, cuộc chiến này thực sự rất giống với cuộc chiến tranh biên giới Trung-Việt năm 1979.

Nga xâm lược Ukraine vì sợ nước nhỏ giáp ranh (Ukraine) này gia nhập khối quân sự NATO mạnh hơn Nga. ĐCSTQ xâm lược Việt Nam vì ĐCSTQ sợ rằng đất nước biên giới nhỏ này (Việt Nam) sẽ tham gia vào một thế lực quân sự mạnh hơn Trung Quốc là nước Nga. Putin xâm lược không phải vì đất, mà để chống lại việc Ukraine tham gia liên minh quân sự, bên cạnh đó là vấn đề bảo vệ lực lượng ly khai Nga ở Donbass; ĐCSTQ xâm lược Việt Nam không phải vì đất mà để ngăn chặn Việt Nam xích lại gần Nga hơn và trở thành “vùng răn đe” bên cạnh, đồng thời cũng nhằm bảo vệ lực lượng cộng sản ở Campuchia, vì khi đó Việt Nam đang tấn công chế độ Pol Pot ở Campuchia đã tàn sát đồng bào Việt Nam.

Fiona Hill, một cựu quan chức cấp cao của Hội đồng An ninh Quốc gia tại Nhà Trắng, tin rằng Thế chiến thứ Ba đã thực sự nổ ra. Có lẽ vậy. Trong hai cuộc chiến là Thế chiến thứ Nhất và Thế chiến thứ Hai, ban đầu người ta không gọi như vậy, cách gọi đó là do sau này các nhà sử học đặt ra.

Thực tế, ĐCSTQ hoàn toàn có thể không ủng hộ Nga, Nga cũng có thể không xâm lược Ukraine, NATO cũng có thể tránh xung đột với Nga, và các nước phương Tây cũng có thể ngăn chặn cuộc chiến này, nhưng tại sao họ lại không làm vậy?

ĐCSTQ hoàn toàn có thể từ chối hỗ trợ Nga và tiếp tục duy trì quan hệ hữu nghị với Nga và Ukraine, xét cho cùng cả hai nước đó đều đã cung cấp cho ĐCSTQ một lượng lớn vũ khí, công nghệ quân sự và nhân tài quân sự. Vậy tại sao ĐCSTQ không làm điều đó? Đó là bởi vì ĐCSTQ biết rằng cuộc xung đột có thể chuyển hướng chú ý của thế giới vào gây áp lực đối với ĐCSTQ trong các vấn đề như truy cứu nguồn gốc COVID-19 và tình hình xâm hại nhân quyền, dù xung đột khiến ĐCSTQ mất nguồn cung vũ khí trang bị và thành trì Sáng kiến ​​“Vành đai và Con đường” tại Ukraine…

Nga cũng hoàn toàn có thể không xâm lược Ukraine, thay vào đó sử dụng các kênh ngoại giao để đàm phán giải quyết giữa Ukraine và NATO. Vậy tại sao Nga không làm thế? Vì mặc dù Nga đã thoát khỏi chủ nghĩa cộng sản, nhưng sự mở rộng lãnh thổ trong lịch sử của họ là quá ấn tượng đối với châu Âu và Mỹ, Nga và phương Tây chỉ tập trung vào các vấn đề châu Âu mà quên rằng chủ nghĩa cộng sản mới là mối nguy lớn nhất cho thế giới. Nga đã bị NATO gây sức ép và mắc bẫy xúi giục của ĐCSTQ nên mới theo hướng lao vào đối đầu phương Tây.

NATO cũng có thể tránh xung đột với Nga, nhưng NATO đã từ bỏ ý định ban đầu là chống lại chủ nghĩa cộng sản toàn cầu, không tiếp tục lập trường chống cộng, đã thất bại trong việc tái định vị mục tiêu để xác định địch thủ mới hàng đầu là ĐCSTQ chứ không phải Nga. Nếu NATO nhân nhượng hơn thì Nga có thể gia nhập NATO. Putin có thể tham muốn nguồn lực tài chính từ ĐCSTQ, nhưng lập trường của Chính phủ Nga hiện tại chống lại chủ nghĩa cộng sản và Đảng Cộng sản Nga đã được biết đến trên toàn thế giới.

Các nước phương Tây (Mỹ và NATO) cũng có thể ngăn chặn cuộc chiến này, tại sao họ không làm điều đó? Các biện pháp trừng phạt của Mỹ và NATO đối với Nga đều mang tính ngụy trang, thậm chí mỗi bên còn có những kế hoạch bí mật riêng, có những thái độ khác nhau đối với các biện pháp trừng phạt. ĐCSTQ không vội vàng hỗ trợ cho Putin, phương Tây cũng bị nghi ngờ tính kế ngư ông đắc lợi. Dù về mặt kinh tế, Mỹ và phương Tây có khả năng ngăn chặn cuộc chiến tranh này nhưng họ đã chưa đủ nỗ lực. Đức rõ ràng đã phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt tự nhiên của Nga nên bất chấp sự phản đối của thời Tổng thống Trump để xây dựng Nord Stream 2; chính phủ cánh tả của Mỹ thực sự đã cắt các đường ống dẫn dầu và thị trường năng lượng của Mỹ, đồng thời đi mua rất nhiều dầu của Nga; các nước phương Tây đe dọa và thậm chí đã thực sự loại Nga khỏi hệ thống SWIFT, nhưng chỉ loại một số ngân hàng chứ không triệt để. Khi các ngân hàng đó trao đổi và chuyển vị trí thì dòng tiền vẫn có thể chạy, chỉ là phải chịu thêm một chút rắc rối và thủ tục, nhưng Nga vẫn ở trong hệ thống. Các biện pháp trừng phạt chưa đủ mạnh, có thể nói phương Tây đã không dám đẩy Putin vào chân tường. Nhưng trong con mắt của Putin và ĐCSTQ, đó có thể chỉ là một minh chứng khác cho thấy sự yếu kém của phương Tây.

Ngày 2/3/2022, một tuần sau cuộc chiến ở Ukraine, vũ đoàn S.Lenchevs’ky đã tổ chức buổi biểu diễn “Hồ thiên nga” cuối cùng tại La Teste-de-Buch, một thành phố ở tây nam nước Pháp, dù sau đó hy vọng về nước của họ rất xa vời nhưng lại may mắn là có thể nương náu ở Pháp. Nhưng có một nữ ca sĩ kiêm nhạc trưởng người Nga lại không may mắn như vậy.  

Khối u định kiến trong xã hội phương Tây của cái gọi là “sự đúng đắn về chính trị” đã bắt đầu tận dụng cơ hội để hại người vô can. Giọng nữ cao người Nga nổi tiếng thế giới Anna Netrebko mang hai dòng máu Nga-Áo đã buộc phải rời sân khấu opera vì không lên tiếng về vấn đề Nga xâm lược Ukraine. Nhạc trưởng người Nga Valery Gergiev được quốc tế ca ngợi, người trước đây từng bị chỉ trích vì mối quan hệ thân thiết với ông Putin, hôm 1/3 đã bị Thị trưởng thành phố Munich là Dieter Reiter tuyên bố ngay lập tức bãi nhiệm chức vụ chỉ huy trưởng Đoàn nhạc Munich.

Đối với cuộc chiến ở Ukraine, như thông lệ, chúng ta đang chứng kiến ​​một loạt các tin tức sai lệch và có khi cố tình gây hiểu lầm do truyền thông chính thống có thành kiến gây ra. Ví dụ, chuyện viên phi công quỷ thần nào đó ở Kyiv, chuyện chiến sĩ hy sinh trên đảo, hay chuyện người phụ nữ súng hơi Ukraine… đã khiến người dân Ukraine rơi nước mắt. Nhưng những câu chuyện “kinh thiên động địa” quỷ quái đó đều là giả! Tổng thống Ukraine chắc chắn rất đáng khen ngợi vì đã đi đầu trên tiền tuyến, nhưng tại sao lại dùng những hình ảnh giả có từ trước để cho mọi người xem? Các phương tiện truyền thông thiên vị thậm chí còn tuyên truyền rằng Ukraine đã chống lại cuộc xâm lược bất ngờ của hàng chục ngàn quân Nga, sẵn sàng trả giá bằng sinh mạng 300 người (bao gồm cả binh lính và dân thường) để giết chết hơn 3000 binh sĩ Nga được trang bị vũ khí! Còn quân xâm lược Nga phá hủy hàng trăm sân bay quân sự và hàng nghìn trạm radar, căn cứ phòng không và các cơ sở quân sự khác ở Ukraine….

Mọi người mong chứng kiến những kẻ xâm lược bị đánh bại, mong những người bảo vệ quê hương giành chiến thắng, nhưng họ không muốn bị truyền thông lừa dối!

Chiến tranh Nga – Ukraine đã làm thay đổi tâm điểm chú ý của cộng đồng quốc tế, trong khi đáng lẽ vẫn cần tập trung vào nguy cơ lớn nhất đe dọa loài người chính là ĐCSTQ, đây có thể là cơ hội cho ĐCSTQ xâm lược Đài Loan và trở thành nguy cơ nghiêm trọng cho thế giới loài người.

Thực tế, Ukraine có thể tạm không gia nhập NATO, trong khi Nga lại có thể gia nhập NATO trước, như tác giả bài này đã từng chỉ ra rằng NATO và phương Tây đã nhầm kẻ thù, quên đi sứ mệnh của NATO, không kịp thời đặt sứ mệnh của NATO vào chống lại chủ nghĩa cộng sản toàn cầu như từng quán triệt, lại chuyển qua sa đà vào tranh chấp với Nga. Nhưng Nga không còn là một nước cộng sản nữa, có thể nước Nga vẫn còn cái bóng của Đế chế Nga hoàng ưa bành trướng lãnh thổ, nhưng bằng cách xem nguy cơ bành trướng lãnh thổ lớn hơn nguy cơ của chủ nghĩa cộng sản là đã mắc sai lầm trong xác định mục tiêu kẻ thù chính.

Nhưng cho dù kết quả của cuộc chiến Ukraine có như thế nào, ĐCSTQ chắc chắn sẽ là kẻ thua cuộc, bởi vì ĐCSTQ sẽ mất vũ khí, công nghệ và đầu tư của Ukraine cũng như địa bàn quan trọng của Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường, hoặc cũng mất điểm tựa ủng hộ mạnh mẽ là Nga.

Nhiều người trên mạng xã hội chỉ đơn giản xem một ai đó ủng hộ Ukraine hay Nga như một tiêu chí để xác định thù hay bạn. Thực tế là người Trung Quốc cần học chính trị dân chủ, nhưng càng cần hơn những yếu tố của xã hội dân chủ đó là tinh thần bao dung, độ lượng, hòa nhập. Trong tương lai khi nước Trung Quốc có được chính trị tự do thì giữa người với người vẫn sẽ không thể hết những tranh chấp về quyền lợi, tài sản, ý tưởng và địa vị, cho nên chúng ta cần học cách ứng xử với chúng.

Chúng ta nên nhìn cuộc chiến ở Ukraine như thế nào? Trước hết, chúng ta nên phản đối hành động xâm lược vũ trang và đe dọa vũ lực, vì đây là hành động vô nguyên tắc và bất nhân. Nhưng liệu tranh chấp giữa Ukraine và Nga có thể được giải quyết thông qua đàm phán? Lẽ ra là có, nhưng rõ ràng hai bên đã không nỗ lực để giải quyết bằng con đường đó. Bây giờ đàm phán trong chiến tranh vẫn có thể giải quyết được vấn đề, nhưng đã phải trả giá bằng hàng ngàn sinh mạng.

Nghe nói Giáo sư Qian Liqun (Tiền Lý Quần) của Đại học Bắc Kinh đã than thở rằng thế giới ngày nay đầy dối trá, quá bất định, không ai chịu ai! Lời này có mấy phần đạo lý. Nhiều bạn bè trên mạng xã hội hỏi tôi có ủng hộ cuộc chiến này không? Tất nhiên là tôi không ủng hộ. Trong tư cách là một người tu hành theo đạo Phật, tôi càng phải lên án các hành vi sát sinh. Nhưng sự xuất hiện của chiến tranh không dựa trên ý chí của những người có lòng từ bi mà thay đổi được, đó là loại biểu hiện của nghiệp báo. Tác giả bài này chỉ mong mọi người thoát khỏi trạng thái “mất lý trí” để có thể bình tâm suy ngẫm. Khi có thể bình tĩnh lại, hãy lấy chân thành, tử tế và khoan dung làm thước đo, hãy đo lường hành vi theo thiện lương và chính nghĩa; tìm manh mối từ tranh chấp lợi ích và lòng tham, như vậy không khó để nhận thấy chân tướng và tìm được về an tĩnh trong thế giới hỗn loạn này.

Tạ Điền
(Tiến sĩ Tạ Điền là giảng sư tại Trường Kinh doanh Aiken của Đại học Nam Carolina. Bài viết thể hiện quan điểm của cá nhân tác giả, được đăng trên Epoch Times.)