Gần đây, sau khi Cục Hàng hải của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thông báo về việc thực hiện cái gọi là “Luật An toàn Giao thông Hàng hải” vào ngày 1/9, thì vào ngày 8/9, Hải quân Mỹ đã thực hiện hoạt động tự do hàng hải tại Biển Đông trong phạm vi 12 hải lý của Đá Vành Khăn. Liệu luật này của ĐCSTQ có thể tiếp tục được không? Liệu nó có làm leo thang khủng hoảng Biển Đông không? Vision Times đã phỏng vấn Tiến sĩ Tạ Điền thuộc Đại học Nam Carolina ở Mỹ để tìm hiểu vấn đề này.

p2935501a315053506
Các tàu chiến của Úc đã cùng với hạm đội Mỹ và Nhật Bản tiến hành các cuộc tập trận quân sự trên Biển Đông. (Ảnh: Hải quân Hoa Kỳ)

Theo VOA Mỹ (tiếng Trung), Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ đã ra tuyên bố cho biết, quyền tự do hàng hải do tàu khu trục Benfold thực hiện lần này là một phần trong các hoạt động thường xuyên của quân đội Mỹ ở Biển Đông và toàn bộ khu vực, là thực hiện quyền tự do hàng hải phù hợp với luật pháp quốc tế. Có thông tin cho rằng mặc dù trang web của Bộ Quốc phòng ĐCSTQ gọi Mỹ là “xâm nhập trái phép” và đưa ra cảnh báo, nhưng Mỹ vẫn án binh bất động.

Luật An toàn Giao thông Hàng hải của ĐCSTQ nhắm vào Mỹ

Tiến sĩ Tạ Điền: “Tại sao thời điểm này ĐCSTQ lại đưa ra luật an toàn giao thông hàng hải? Rõ ràng là ĐCSTQ đang phản ứng với chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ. Chúng ta biết thực tế vào thời Tổng thống Trump thì Mỹ đã chuyển chiến lược châu Á – Thái Bình Dương sang chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, bao quát toàn bộ Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Về cơ bản Mỹ không chỉ có chiến lược chuỗi đảo thứ nhất và chuỗi đảo thứ hai, hiện đã thống nhất lực lượng của toàn bộ khu vực châu Á – Thái Bình Dương để bao vây ĐCSTQ bao gồm liên kết cùng Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, phía tây bắc đến Ấn Độ, nên đương nhiên ĐCSTQ đã ý thức rất rõ ràng.

Chúng ta đã thấy Hải quân Mỹ, Hạm đội Thái Bình Dương và Hạm đội 7 liên tục tuần tra hoặc đi qua Biển Đông và eo biển Đài Loan, bởi vì Mỹ tin rằng họ đang thực hiện quyền tự do hàng hải của mình trong các vùng biển quốc tế, vì đây là vùng biển quốc tế nên ĐCSTQ không được phép can thiệp. Rõ ràng điều này làm ĐCSTQ khó chịu, vì ĐCSTQ thấy bị Mỹ thách thức trên toàn Biển Đông, Biển Hoa Đông, eo biển Đài Loan. Đây là lý do ĐCSTQ đưa ra “Luật An toàn Giao thông Hàng hải”.

Ở đây, bạn thấy những yêu cầu đó hoàn toàn nhằm vào Mỹ. ĐCSTQ yêu cầu đối với 5 loại tàu đi vào lãnh hải của Trung Quốc cần thông báo cho Cục Hàng hải Trung Quốc về nhiều thông tin khác nhau như tên tàu, biển báo và số Tổ chức Hàng hải Quốc tế. Có 5 loại tàu được đề cập ở đây: tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, tàu chở chất phóng xạ, tàu chở dầu, chở hóa chất độc hại, và các loại tàu khác có thể gây nguy hiểm cho an toàn giao thông hàng hải của Trung Quốc theo quy định của ĐCSTQ.

Những tuyên bố như tàu chở dầu và hóa chất độc hại chỉ là làm màu, còn chủ yếu nhắm vào tàu ngầm và tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân. Tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân là nhằm vào Mỹ. Pháp cũng có nhưng chỉ có một chiếc, còn lại không nước nào có tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân. Mỹ có hàng không mẫu hạm chạy bằng năng lượng hạt nhân và tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Như vậy tương đương với việc gọi tàu chiến Mỹ, tàu ngầm Mỹ và hàng không mẫu hạm Mỹ khi đi qua eo biển Đài Loan hoặc trên Biển Đông, đi ngang qua các đảo mà ĐCSTQ tuyên bố chủ quyền và cái gọi là lãnh hải của Trung Quốc thì phải báo cáo, nếu không ĐCSTQ có quyền truy đuổi. Quyền truy đuổi nghĩa là ĐCSTQ cho rằng nếu thấy một tàu nước ngoài vi phạm Đạo luật An ninh Hàng hải của ĐCSTQ thì họ có thể truy đuổi, và tàu chiến của Mỹ cũng không ngoại lệ, đuổi qua vùng biển chung hoặc bắt giữ, hoặc thậm chí đưa đến các cảng của Trung Quốc. Quan điểm này thật khôi hài.

Tôi nghĩ rằng ĐCSTQ thực sự đang bị Hải quân Mỹ chèn ép từng bước, hoặc những hoạt động tự do của Mỹ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông khiến ĐCSTQ thấy rất áp lực. Có lẽ ĐCSTQ cũng đã phải chịu một số áp lực ở trong nước, và ngay cả trong nội bộ ĐCSTQ, có thể chịu áp lực từ những người theo đường lối cứng rắn cho rằng Trung Quốc quá yếu trước Mỹ và bây giờ phải cứng rắn hơn.”

Mỹ và phương Tây không thể chấp nhận kiểu phân chia vùng biển của ĐCSTQ

Tiến sĩ Tạ Điền cho rằng vấn đề này buộc người ta liên tưởng đến lãnh hải của Trung Quốc là gì? “Khi bạn đi vào eo biển Đài Loan, bạn có tính là đi vào lãnh hải của Trung Quốc không? ĐCSTQ cho rằng Đài Loan vẫn là một phần của Trung Quốc, tức là eo biển Đài Loan không phải là vùng biển chung, nếu Mỹ đi vào thì thực sự là đi vào lãnh hải của Trung Quốc, và ĐCSTQ xác định chủ quyền các đảo đá ngầm này ở Biển Đông nên đã xây dựng nhiều căn cứ trên các bãi đá ngầm, bao quanh vùng này là cái gọi là lãnh hải của Trung Quốc. Nhưng tàu chiến Mỹ đã nhiều lần tự do đi qua trong phạm vi 12 hải lý của các rạn san hô và đảo này. Theo tuyên bố hiện tại của ĐCSTQ thì vậy là đã vi phạm luật của ĐCSTQ.

Hiện nay, ĐCSTQ đã ban hành một ‘luật’ như vậy để tăng cường kiểm soát các vùng biển này ở Biển Đông. Và điều này không chỉ có Mỹ không thể chấp nhận mà hầu như tất cả các nước trên thế giới đều không thể chấp nhận. Mỹ đã thực hiện quyền tự do hàng hải ở Biển Đông và họ đã làm như vậy, khiến ĐCSTQ cảm thấy bị đe dọa. Trong bước tiếp theo, tôi tin rằng Hải quân Mỹ, cũng như hải quân các nước khác, sẽ tiếp tục thực hiện quyền tự do tại các tuyến đường này.”

ĐCSTQ đã lao vào chân tường một cách ngu ngốc

Truyền thông quốc tế đưa tin, gần đây người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố Mỹ xác định chắc chắn các nước dù lớn hay nhỏ nên tuân theo các quy tắc được quốc tế về lãnh hải, Mỹ sẽ đoàn kết với bạn bè quốc tế chống lại tuyên bố chủ quyền lãnh đạo bất hợp pháp của Trung Quốc. Phía Úc cũng trả lời rằng Hải quân Úc sẽ không bị ràng buộc bởi luật mới của Trung Quốc và sẽ tiếp tục thực hiện quyền tự do hàng hải phù hợp với luật pháp quốc tế.

Tiến sĩ Tạ Điền: “Chúng ta biết rằng hải quân nhiều nước gồm Anh, Pháp, Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và thậm chí cả Hàn Quốc đã tham gia đi lại trên Biển Đông, phớt lờ ‘luật’ của ĐCSTQ. Tôi nghĩ thực ra là có xu hướng tiếp cận thế cuộc giữa ĐCSTQ và Mỹ. Vì vậy, sự việc này có thể có nghĩa là vấn đề Biển Đông và cuộc khủng hoảng Biển Đông có thể leo thang, tôi nghĩ khả năng xảy ra xung đột ở Biển Đông cũng đang tăng lên.

Bước tiếp theo là xem ĐCSTQ thực thi luật của mình như thế nào. ĐCSTQ muốn thực hiện ‘Luật An toàn Giao thông Hàng hải’ và có thể làm như vậy theo cách tương tự như của Cảnh sát biển Trung Quốc, sẽ không quan tâm tàu chiến của các nước này. Như vậy thì phải xử lý thế nào? ĐCSTQ sẽ không nói rằng bạn đã xâm phạm lãnh hải của tôi thì đâu có lý gì phải ra tay? Vì nếu ĐCSTQ điều động hải quân [gây hấn], tôi nghĩ rằng ĐCSTQ có thể bị sập bẫy của Mỹ.

Vì vậy, tôi nghĩ rằng việc ĐCSTQ đưa ra loại luật này thực sự là một điều rất ngu ngốc. Nếu họ thực sự thách thức Mỹ ở Biển Đông, nếu để xảy ra xung đột thì hải quân của ĐCSTQ sẽ nhanh chóng bị tấn công hoặc thậm chí bị tiêu diệt. Từ một góc độ khác, một khi hải quân của ĐCSTQ và các đảo tranh chấp ở Biển Đông bị tấn công, tôi nghĩ điều này cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chế độ của ĐCSTQ.”

Nếu ĐCSTQ vẫn tiếp tục “thực thi luật” gây leo thang khủng hoảng Biển Đông?

Tiến sĩ Tạ Điền đề cập thêm rằng Trung Quốc đã ký “Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển” (UNCLOS). “Lãnh hải 12 hải lý và còn có phạm vi 200 hải lý là vùng đặc quyền kinh tế của ĐCSTQ. Nhưng chúng ta biết rằng đối với Biển Đông nếu dùng 200 hải lý để chia ranh giới thì thực tế có nhiều nước ranh giới chồng lấn lên nhau. Do vậy Mỹ đã không ký công ước này. Lập trường của Mỹ là ‘Công ước về Luật Biển chung’ có thể nguy hại cho một số tàu hay hoạt động thương mại của Mỹ, vi phạm nguyên tắc hoạt động kinh tế tự do của Mỹ. Ngoài ra, từ trước đây Mỹ nhận thấy vấn đề này có thể có lợi cho Liên Xô (cũ), vì vậy Mỹ không ký.  

Nhưng Mỹ tuyên bố rằng họ tuân thủ nhiều điều khoản khác và tôn trọng UNCLOS. Vấn đề này đã là thời điểm của Chiến tranh Lạnh trước đây. Sau đó năm 1994, Tổng thống Clinton đã đồng ý tham gia Công ước này và nhắc nhở thượng nghị sĩ Mỹ phê chuẩn, tuy nhiên thượng nghị sĩ Mỹ vẫn chưa phê chuẩn, điều này có nghĩa là Mỹ vẫn chưa tham gia. Nhưng Mỹ giữ lập trường không thay đổi tôn trọng hầu hết các điều khoản.

Vấn đề mấu chốt thực sự liên quan đến việc phân chia lãnh hải. Ở Biển Đông hiện nay ĐCSTQ chia thành đường 9 đoạn, nhưng các nước không thể công nhận nên hải quân các nước vẫn tiếp tục đi lại tự do. Nếu ĐCSTQ cho rằng họ đã bị thách thức nhưng không có động thái gì thì điều đó tương đương với việc ĐCSTQ ngầm chấp nhận, hoặc từ bỏ kiểu phân định của họ. Như vậy ĐCSTQ không thể quay đầu trở lại.

Do đó, vì thể hiện nên ĐCSTQ cũng phải tuyên bố kiên quyết thực hiện luật pháp của họ, nhưng nó lại không được các nước khác công nhận, Mỹ vẫn thực hiện quyền tự do hàng hải tại đây. Điều này có nghĩa là bản thân ĐCSTQ đã thành một vấn đề rất lớn. Họ khăng khăng rằng đây là lãnh hải của họ, nếu vậy có thể dùng tàu chiến để thực thi luật của họ, điều này sẽ kéo theo khả năng leo thang xung đột, thậm chí chiến tranh hải quân trên biển.”

Có thông tin cuối tháng Bảy năm nay, một tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường của hải quân Mỹ đã đi qua eo biển Đài Loan bất chấp phản đối của ĐCSTQ. Theo Đài VOA của Mỹ, cùng thời điểm đó Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ cũng đưa ra tuyên bố rằng tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Burke USS Benfold “đã đi qua eo biển Đài Loan theo luật pháp quốc tế”. Hành động này của tàu Mỹ “thể hiện cam kết của Mỹ về một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.

Tiến sĩ Tạ Điền nói: “Eo biển Đài Loan thực sự là vùng biển chung quốc tế. Mỹ cũng đã nhận thấy hoặc nhận ra rằng chỉ có một Trung Quốc ở hai bên eo biển. Nhưng đó là Trung Quốc nào? Mỹ không công nhận Đài Loan là một phần của Trung Quốc (ĐCSTQ). Mỹ xác định Trung Hoa Dân Quốc không phải một phần của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Do đó cộng đồng quốc tế xác định eo biển Đài Loan là một vùng biển quốc tế. Mỹ thường đi lại trong các vùng biển quốc tế. Nếu ĐCSTQ coi Đài Loan là một bộ phận của nó, thì eo biển Đài Loan không thuộc vùng biển chung mà đã trở thành lãnh hải của Trung Quốc, như vậy mâu thuẫn với quan điểm của Mỹ và các nước phương Tây. Ngoài ra còn có Biển Đông, Đường 9 đoạn do ĐCSTQ vẽ ra và các vùng biển xung quanh các đảo và đá ngầm đó đều bị chiếm đóng, và theo ĐCSTQ thì Mỹ đã xâm phạm lãnh hải của Trung Quốc. Bây giờ ĐCSTQ đã tung ra luật an ninh này, điều đó cũng có nghĩa là Mỹ đã tiến vào lãnh hải của Trung Quốc và xâm lược Trung Quốc. Nếu thế thì Hải quân ĐCSTQ có thể khai chiến hay không? Họ đã tự đề ra luật này, vì vậy tôi nghĩ rằng ĐCSTQ thực sự đã tự đẩy mình vào chân tường, đến khả năng phải khai chiến với Hải quân Mỹ”.

Tĩnh Nhữ, Vision Times

Xem thêm: