Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm thứ Sáu (26/1) đã có bài phát biểu quan trọng trong hội nghị của các lãnh đạo kinh tế và chính trị tinh anh toàn cầu ở Davos, Thụy Sĩ. Tại đây, ông Trump đã tiếp tục gửi thông điệp “nước Mỹ trên hết” và khẳng định Hoa Kỳ sẽ “không nhắm mắt làm ngơ” trước những điều ông coi là thực tiễn thương mại không lành mạnh.

Embed from Getty Images

Tổng thống Trump phát biểu tại WEF hôm 26/1.

Theo Reuters, đây là lần đầu tiên sau 18 năm, một tổng thống Hoa Kỳ tham gia vào phiên họp kín của những nhân vật giàu có và quyền lực nổi bật toàn cầu tại khu nghỉ dưỡng trượt tuyết ở Davos. Hơn thế nữa, ông Trump đã trình bày bài phát biểu đầy lạc quan, tuyên bố Hoa Kỳ “mở cửa cho kinh doanh”.

Bây giờ là thời điểm tốt nhất để mang tiền, công việc và hoạt động kinh doanh của quý vị tới nước Mỹ”, ông Trump nói, nhấn mạnh tới chính sách cắt giảm thuế và giảm thiểu các thủ tục hành chính nhằm thúc đẩy môi trường đầu tư.  Ông Trump khẳng định rằng: “Thế giới đang chứng kiến sự hồi sinh của một nước Mỹ mạnh mẽ và thịnh vượng”.

Ông chủ Nhà Trắng cho biết ông sẽ luôn luôn thúc đẩy chính sách “nước Mỹ trên hết”, cũng như ông hy vọng các nhà lãnh đạo thế giới khác hãy hành động nhân danh chính đất nước mình. Nhưng Tổng thống Trump cũng nói thêm rằng: “Nước Mỹ trên hết không có nghĩa là nước Mỹ một mình. Khi Hoa Kỳ phát triển thì thế giới cũng thế”.

Cũng trong bài phát biểu này, ông Trump yêu cầu thực thi nghiêm khắc hơn các luật lệ thương mại, cáo buộc một số nước (không nêu đích danh tên) đang thực thi không lành mạnh, trong đó có việc đánh cắp sở hữu trí tuệ và trợ cấp nhà nước cho ngành công nghiệp.

>>Mỹ đánh thuế lên máy giặt, pin mặt trời, Trung-Hàn tức giận

Chúng tôi sẽ thực thi luật thương mại của chúng tôi và khôi phục lại tính toàn vẹn của hệ thống thương mại. Chỉ bằng cách nhấn mạnh vào thương mại công bằng và đối ứng, chúng ta mới có thể tạo ra một hệ thống vận hành không chỉ vì Hoa Kỳ mà còn vì tất cả các quốc gia”, ông Trump nói.

Tổng thống Mỹ tuyên bố cứng rắn rằng: “Hoa Kỳ sẽ không còn làm ngơ với thực tiễn thương mại không lành mạnh. Chúng ta không thể có thương mại tự do và cởi mở nếu một số nước vẫn khai thác hệ thống này bằng cách lợi dụng các nước khác”.

Nhân dịp này, ông Trump cũng bày tỏ rằng nước Mỹ dù không coi trọng các hiệp định thương mại đa phương, vẫn sẵn sàng tìm kiếm xây dựng các hiệp định song phương với từng nước, trong đó có các nước thành viên của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Mỹ đã chính thức rút lui. Tổng thống Mỹ nói rằng ông sẽ cân nhắc việc đàm phán với các nước nếu đó là lợi ích của nước Mỹ.

Theo Reuters, bất chấp thông điệp cứng rắn về thương mại, hầu hết các nhân vật quyền lực tại cuộc họp Davos đều có đánh giá tích cực về giọng điệu lạc quan trong bài phát biểu của Tổng thống Trump. Chuyên gia kinh tế chính của IHS Markit, Nariman Behravesh cho hay: “Tôi nghĩ ông ấy đến đây không chỉ vì nước Mỹ, mà còn vì kinh doanh toàn cầu. Ông không cố gắng chuyển đổi người khác phải theo các quan điểm của mình, mà chỉ giới thiệu chúng tôi là nền kinh tế lớn, hãy đến và đầu tư vào nước Mỹ”.

Giám đốc điều hành của công ty phân bón khổng lồ Phosagro, ông Andrei Guryev nói rằng ông Trump đã phát biểu về “cách những doanh nhân lớn nên nói về chính doanh nghiệp của mình tại một diễn đàn quan trọng như này”.

Tất nhiên, bài phát biểu của ông Trump không thể làm hài lòng tất cả mọi người. Giám đốc của Oxfam International, bà Winnie Byanyima cho rằng: “Bài phát biểu của ông Trump chỉ là sự khoe khoang về thắng lợi trong việc cắt giảm hàng ngàn tỷ tiền thuế, điều mà giới nhà giàu và các tập đoàn đã làm ầm ĩ lên rồi”.

Ngoại giới đánh giá, những gì ông Trump nói và được đón nhận tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm nay là vượt xa mong đợi. Một năm trước, đã có rất nhiều lo lắng cho viễn cảnh ông Trump xuất hiện tại Davos. Bởi rằng, những chất vất của ông Trump về thương mại; rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris; rút khỏi TPP; các phát ngôn đầy tính dân tộc chủ nghĩa…hầu như không ăn nhập với sự kiện nơi tập trung hầu hết các lãnh đạo thiên về ủng hộ toàn cầu hóa như WEF.

Trước khi tới Davos, ông Trump cũng đã thông qua lệnh áp đặt mức thuế quan 30% lên mặt hàng tấm pin năng lượng mặt trời nhập khẩu – một phần trong các hạn chế thương mại đơn phương mà chính quyền Mỹ sẽ thực thi trong thời gian tới.

Yên Sơn

Xem thêm: