Mỹ, Anh, Đức và 20 nước khác trong phiên họp của ủy ban nhân quyền Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm thứ Ba (29/10) đã thúc giục Trung Quốc phải chấm dứt giam giữ tùy tiện người Duy Ngô Nhĩ và các cộng đồng thiểu số Hồi giáo khác. Trung Quốc và các quốc gia ủng hộ Bắc Kinh cũng đáp trả bằng một tuyên bố phản pháo Washington.

người Duy Ngô Nhĩ, người Duy Ngô Nhĩ lưu vong
Người Duy Ngô Nhĩ, Tân Cương phải sống dưới sự giám sát chặt chẽ của ĐCSTQ. (Ảnh: ShutterStock)

Theo Reuters, Đại sứ Anh tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) Karen Pierce đã thay mặt 23 nước chuyển tuyên bố chung cho ủy ban nhân quyền Đại Hội đồng LHQ trong một cuộc họp về loại bỏ phân biệt chủng tộc hôm 29/10. Tuyên bố chung này thúc giục Trung Quốc chấm dứt giam giữ người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác tại Tân Cương, đồng thời kêu gọi các quốc gia khác không được hồi hương người tị nạn hoặc xin tị nạn về nơi họ phải đối mặt với đàn áp.

23 quốc gia ký vào tuyên bố chung nêu trên gồm:  Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Albania, Úc, Bỉ, Canada, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Iceland, Ireland, Nhật Bản, Latvia, Liechtenstein, Lithuania, Luxembourg, Hà Lan, New Zealand, Na Uy và Thụy Điển.

Tuyên bố chung có đoạn viết: “Chúng tôi kêu gọi chính quyền Trung Quốc hãy duy trì pháp luật quốc gia và các nghĩa vụ và cam kết quốc tế về tôn trọng nhân quyền, trong đó có quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng tại Tân Cương và trên khắp Trung Quốc.

Tuyên bố cũng thúc giục Trung Quốc phải “ngay lập tức” thực thi các khuyến nghị của các chuyên gia độc lập của LHQ về tình hình tại Tân Cương, “bao gồm việc phải dừng giam giữ tùy tiện người Duy Ngô Nhĩ và các thành viên của các cộng động thiểu số Hồi giáo khác”.

Chúng tôi bày tỏ quan ngại liên quan tới sự quấy rối và bắt nạt của các nhà chức trách Trung Quốc đối với các đại diện xã hội dân sự, những người dấy lên quan ngại về Tân Cương tại Liên Hiệp Quốc,” tuyên bố chung nói thêm.

Trung Quốc lâu nay đã bị quốc tế lên án mạnh mẽ vì xây dựng các trại giam giữ quy mô lớn tại Tân Cương. Bắc Kinh gọi đây là “các trung tâm đào tạo nghề” để giúp dập tắt chủ nghĩa cực đoan và dậy nghề mới cho người dân. LHQ cho biết ít nhất một triệu người Duy Ngô Nhĩ và các sắc tộc Hồi giáo khác đang bị giam giữ tại Tân Cương.

Hồi tháng Bảy, 22 quốc gia trong Hội đồng Nhân quyền LHQ cũng đã ký vào lá thư chung kêu gọi Trung Quốc dừng hoạt động giam giữ hàng loạt tại Tân Cương. Khi đó, hơn 30 nước ủng hộ Bắc Kinh, trong đó có Ả Rập Saudi và Nga, đã đáp trả bằng việc ký một lá thư khác gửi Hội đồng Nhân quyền LHQ hoan nghênh cái mà họ gọi là những thành tựu nhân quyền đáng kể của Trung Quốc.

Phản ứng trước tuyên bố chung mới nhất của Mỹ cùng 22 nước, Đại sứ Trung Quốc tại LHQ, Trương Quân (Zhang Jun) đã gọi cáo buộc của Washington và đồng minh chống lại Bắc Kinh là vô căn cứ và “can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Trung Quốc và khiêu khích có chủ ý”.

Đồng thời, Đại sứ Belarus tại LHQ Valentin Rybakov cũng đã đại diện cho 54 nước – trong đó có Trung Quốc, Pakistan, Nga, Ai Cập, Bolivia, Cộng hòa Congo, Serbia – phát biểu tại phiên họp của ủy ban nhân quyền Đại Hội đồng LHQ ủng hộ Bắc Kinh.

Ông Valentin Rybakov hoan nghênh việc Bắc Kinh tôn trọng và bảo vệ nhân quyền trong khi đối phó với chủ nghĩa khủng bố và hỗn loạn tại Tân Cương và cam kết cởi mở và minh bạch của họ bằng cách mời các nhà ngoại giao, nhà báo và quan chức quốc tế tới tham quan khu vực này.

Bây giờ an toàn và an ninh đã quay trở lại Tân Cương và quyền cơ bản của người dân của tất cả các nhóm sắc tộc ở đó đã được bảo vệ. Chúng tôi hoan nghênh các thành tựu đáng kể của Trung Quốc trong lĩnh vực nhân quyền,” ông Valentin Rybakov tuyên bố.

Trao đổi với báo giới sau phiên họp của ủy ban nhân quyền Đại Hội đồng LHQ, Đại sứ Trung Quốc Trương Quân chỉ trích Mỹ: “Thật khó để tưởng tượng rằng trong khi một tay bạn đang cố tìm kiếm một thỏa thuận thương mại, tay còn lại bạn lại tận dụng bất cứ điều gì, đặc biệt là vấn đề nhân quyền, để đổ lỗi cho những bên khác.

Ông Trương nói rằng đã có “tiến bộ” trong các cuộc đàm phán thương mại Trung – Mỹ. Nhưng ông cũng cảnh báo về việc Mỹ chỉ trích Trung Quốc tại LHQ: “Tôi không nghĩ điều đó hữu ích cho việc có được giải pháp tốt đối với vấn đề đàm phán thương mại”.

Các nhà đàm phán Mỹ – Trung đang làm việc khẩn trương để hoàn thành văn bản thỏa thuận thương mại tạm thời để Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kịp ký kết bên lề hội nghị Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) sẽ diễn ra tại Chile vào 16 và 17/11 tới đây.

Theo Reuters, một quan chức chính quyền Trump giấu tên hôm 29/10 đã nói rằng thỏa thuận thương mại Mỹ – Trung “Giai đoạn một” có thể không kịp hoàn thành để ký kết ở Chile, nhưng ông này cũng khẳng định điều đó không có nghĩa thỏa thuận này đã đổ vỡ.

Khi được hỏi liệu tuyên bố chung của Mỹ và 22 nước chỉ trích Trung Quốc có ảnh hưởng tới các cuộc đàm phán thương mại Mỹ – Trung hay không, Đại sứ Mỹ tại LHQ Kelly Craft nói: “Tôi sẽ đứng ở đây bất kể đó là Trung Quốc hay bất cứ nơi nào, bất cứ nơi đâu có vi phạm nhân quyền, chúng tôi sẽ ở đây để bảo vệ những người đang hứng chịu đau khổ.

Trung Quốc không thích bị chỉ trích công khai về nhân quyền và họ đã gặp một số phái đoàn ngoại giao các nước trước kỳ họp gần nhất của Đại Hội đồng LHQ ở New York, bắt đầu diễn ra từ tháng Chín để kêu gọi sự ủng hộ. Các học giả nhân quyền Trung Quốc cũng bảo vệ các chính sách của Bắc Kinh tại Tân Cương, Tây Tạng và Hồng Kông trong một buổi họp báo nhanh với báo chí tại Phái đoàn LHQ của Trung Quốc ở New York vào tuần trước.

Tháng trước, trong một sự kiện bên lề phiên họp toàn thể lãnh đạo các nước thành viên LHQ ở New York, Mỹ đã dẫn dắt hơn 30 nước lên án cái mà họ gọi là “chiến dịch đàn áp khủng khiếp” của Trung Quốc chống lại người Hồi giáo ở Tân Cương. Trung Quốc khi đó cũng đã lên án gay gắt sự kiện này.

Như Ngọc

Xem thêm: