Hôm 6/5, Bộ Ngoại giao Bắc Triều Tiên đã giở giọng đe dọa Mỹ, cho rằng Mỹ đã làm công chúng “hiểu sai lệch”, cố ý chọc tức Bắc Triều Tiên. Quyết định của Bắc Triều Tiên trong vấn đề từ bỏ vũ khí hạt nhân không phải là hệ quả vì bị Mỹ gây áp lực, đó là vì mong muốn hòa bình của Bắc Triều Tiên… Tại sao trong thời điểm nhạy cảm này Bắc Triều Tiên lại bất ngờ có thái độ cứng rắn với Mỹ?

Kim-Jong-un
Ông Kim Jong-un (Ảnh: Getty Images)

Công tác chuẩn bị vẫn bình thường, địa điểm dự kiến là Singapore

Trong khi cộng đồng quốc tế đang lo ngại Hội đàm Kim – Trump có thể bị biến động, ngày 07/5 truyền thông Hàn Quốc tiết lộ công tác chuẩn bị Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều Tiên vẫn đang triển khai. Hai bên có thể gặp nhau vào tháng Sáu, địa điểm dự kiến là Singapore. Thông tin cũng cho biết những ngôn từ cứng rắn của Bắc Triều Tiên không ảnh hưởng đến tiến độ thực tế của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều Tiên.

Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc dẫn lời của ông John Bolton, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump cho biết hội nghị thượng đỉnh sẽ được tổ chức vào giữa tháng Sáu, địa điểm dự kiến sẽ là Singapore.

Những nguồn tin phân tích chỉ ra, phía Mỹ đã thảo luận nội bộ và kết luận nơi thích hợp hơn để tổ chức đàm phán phải là một nước thứ ba. Mặc dù tính biểu tượng của Singapore không bằng Bàn Môn Điếm, nhưng lại có lợi thế trong công tác an ninh và truyền thông đưa tin. Trong lựa chọn địa điểm đàm phán trung lập, Singapore là nơi có triển vọng nhất.

Tuy nhiên, các nguồn tin cũng cho biết Bàn Môn Điếm cũng chưa hoàn toàn bị loại trừ, nhưng xác suất lựa chọn sẽ nhỏ hơn. Theo thông tin, nhiều quan chức cấp cao của Mỹ đã phản đối tổ chức đàm phán tại Bàn Môn Điếm. Điều này là dễ hiểu, vì con người của Kim Jong-un tính cách thất thường, phải đề phòng tối đa.

kim jong un
Ngoại trưởng mới của Nhà Trắng gần đây là Mike Pompeo đã bắt tay Kim Jong-un (Hình cắt từ video).

Kim Jong-un có thoát khỏi kìm kẹp của Trung Quốc?

Trong thời khắc quan trọng, thật bất ngờ khi Bắc Triều Tiên thay đổi giọng điệu, công khai chỉ trích Mỹ. Trả lời truyền thông hôm 6/5, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Bắc Triều Tiên đã cho biết, Mỹ không nên nghĩ lệch lạc xem thái độ yêu chuộng hòa bình của Bắc Triều Tiên như một dấu hiệu của sự yếu đuối, suy luận rằng Bắc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân là vì áp lực của lệnh cấm vận, dư luận hiểu sai là do Mỹ mà ra. Còn về vấn đề phía Mỹ từng tuyên bố sẽ không nới lỏng các biện pháp trừng phạt chống lại Bắc Triều Tiên chừng nào nước này không từ bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân, người phát ngôn của Bắc Triều Tiên cho biết, việc Mỹ cố tình khiêu khích Bắc Triều Tiên “sẽ làm cho tình hình trở về trạng thái ban đầu”.

Như chúng ta đều biết, kể từ hồi tháng Ba khi Tổng thống Mỹ Trump đồng ý gặp Kim Jong-un, thái độ của Bắc Triều Tiên khá mềm mỏng. Ngay cả khi Mỹ vẫn áp dụng biện pháp gây áp lực và trừng phạt, và để tăng cường sức mạnh quân sự Mỹ đã triển khai thêm ít nhất 8 máy bay chiến đấu F-22 đến Hàn Quốc, nhưng Bắc Triều Tiên vẫn giữ thái độ ôn hòa.

Trong quan điểm phổ biến của cộng đồng quốc tế, vì Kim Jong-un không thể chịu được áp lực quá mạnh mẽ của Mỹ nên phải thay đổi thái độ và hứa từ bỏ chương trình hạt nhân. Trump và các quan chức cấp cao của Mỹ cũng cho rằng chính sách gây áp lực mạnh của Mỹ đối với Bắc Triều Tiên, cộng với hỗ trợ của Trung Quốc là mấu chốt làm thay đổi cục diện bán đảo Triều Tiên.

Thái độ thay đổi đột ngột của Bắc Triều Tiên vào thời khắc nhạy cảm làm cộng đồng quốc tế rất ngạc nhiên. Như chúng ta đã biết, vào ngày 3/5, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị vừa có chuyến thăm Bắc Triều Tiên và gặp Kim Jong-un.

Tổng hợp những thông tin từ giới truyền thông nhà nước Trung Quốc và Bắc Triều Tiên đều cho thấy thái độ lấy lòng của Vương Nghị dành cho Kim Jong-un trong cuộc gặp. Ông Vương Nghị nói rằng Kim Jong-un mang tới bước ngoặc quan trọng cho giải pháp chính trị của bán đảo…

Chúng ta biết rằng, theo “Tuyên bố Bàn Môn Điếm” đã ký tại Hội nghị  thượng đỉnh liên Triều vừa qua, vấn đề kết thúc chiến tranh bán đảo phải qua đàm phán giữa ba hay bốn bên, trong đó vai trò của Trung Quốc là nước ở vùng biên giới có thể có mà cũng có thể không cần thiết.

Có thể tưởng tượng, nhà cầm quyền Trung Quốc thường tự cho rằng họ ở vị trí trung tâm, từng “dẫn dắt Hội đàm sáu bên”, thế mà giờ đây lại bị biến thành kẻ bên lề là điều đối với họ rất khó chấp nhận! Cho nên họ phải cố gắng hết sức để thúc đẩy tầm ảnh hưởng.

Làm thế nào để quay trở lại? Chắc chắn Mỹ không muốn, Hàn Quốc cũng không ưa, chỉ có Bắc Triều Tiên mới là mục tiêu. Nhà cầm quyền Trung Quốc đã có “giao tình” và nuôi dưỡng Bắc Triều Tiên kéo dài nhiều thập niên qua.

Chuyến viếng thăm Bắc Triều Tiên của Vương Nghị hẳn không chỉ vì một mục đích duy nhất. Bề ngoài là tìm hiểu tình hình Hội nghị thượng đỉnh Kim – Moon vừa mới kết thúc, nhưng có thể còn có các mục đích khác. Mục đích khác này có thể không chỉ là là tiền trạm cho chuyến thăm của ông Tập Cận Bình đến Bắc Triều Tiên sắp tới!

Ngoài ra, nếu Trung Quốc bị gạt sang bên lề trong vấn đề này, sức ảnh hưởng của Trung Quốc ở Đông Bắc Á sẽ bị suy giảm. Thậm chí, trong trường hợp quan hệ giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên lại phát triển thành thân thiện sẽ là một cú đánh mạnh vào nhà cầm quyền Trung Quốc. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên hiện vẫn bỏ ngỏ, thậm chí còn trong hoàn cảnh nhạy cảm và rất mong manh, và dịp này chính là thời cơ cho nhà cầm quyền Trung Quốc. Như một số phân tích chỉ ra, Bắc Kinh hy vọng rằng thông qua tăng cường giao lưu giữa giới chức cấp cao Trung Quốc và Bắc Triều Tiên để làm cho Bắc Triều Tiên không thay đổi lập trường cứng rắn với Mỹ, để đảm bảo tầm ảnh hưởng của Trung Quốc về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và đàm phán hòa bình.

Huệ Anh

Xem thêm: