Vào ngày 17 tháng 4 năm 1975, Pol Pot đã dẫn đầu những lực lượng cộng sản Khơ-me Đỏ vào thủ đô Phnom Penh, bắt đầu một chính quyền độc ác kéo dài 4 năm ở Campuchia. Hơn 1 triệu người đã bị giết chết, tương đương với 1/7 dân số của Campuchia theo những ước tính thận trọng, trong một đất nước không lớn hơn bang Missouri tại Hoa Kỳ. Hầu hết trong số họ bị chết vì đói, suy dinh dưỡng và bệnh tật được chẩn đoán hay điều trị sai. 200.000 người nữa bị hành quyết như là những kẻ thù của nhà nước. Điều này đã diễn ra như thế nào?

Khơ-me Đỏ đang tiến vào Phnom Penh
Khơ-me Đỏ đang tiến vào Phnom Penh

Bối cảnh

Vào tháng 11 năm 1954, Campuchia được hoàn toàn độc lập sau khi là một nhà nước bảo hộ của Pháp kể từ năm 1863. Điều này đã đánh dấu sự bắt đầu của 16 năm cầm quyền của Hoàng thân Norodom Sihanouk.  Hoàng thân Sihanouk đã chấm dứt một chương trình viện trợ của Hoa Kỳ vào năm 1963 và mối quan hệ giữa Campuchia và Hoa Kỳ đã bị cắt đứt hoàn toàn vào tháng 5 năm 1965.

Trong khi đó, một người tên là Saloth Sar đã trở lại Campuchia sau khi bị ám ảnh nặng bởi chủ nghĩa Mác-xít trong thời gian đi học ở nước ngoài. Ông này lấy một cái tên giả là Pol Pot và tham gia phong trào hoạt động cộng sản ngầm. Vào khoảng năm 1962, Pol Pot đang lãnh đạo Đảng Cộng sản Campuchia, chạy vào rừng để thoát khỏi cơn thịnh nộ của Hoàng thân Norodom Sihanouk. Trong khi ở trong rừng, Pol Pot đã tổ chức các lực lượng vũ trang được biết với cái tên Khơ-me Đỏ và bắt đầu tiến hành cuộc chiến tranh du kích chống lại chính quyền Sihanouk.

Vào năm 1970, Hoàng thân Sihanouk bị các lực lượng quân sự cánh hữu được Mỹ ủng hộ lật đổ nên đã trả đũa bằng cách tham gia với Pol Pot để chống lại chính quyền quân sự mới. Cùng năm này, Hoa Kỳ đã tiến quân vào Campuchia để tìm cách quét sạch quân Bắc Việt ra khỏi những doanh trại quân đội dọc theo biên giới hai nước. Điều này chỉ khiến cho quân Bắc Việt tiến sâu hơn vào Campuchia nơi họ đã liên kết với Khơ-me Đỏ.

Hoa Kỳ bất ngờ đánh bom những nơi ẩn náu của quân Bắc Việt ở miền đông Campuchia từ năm 1969 đến năm 1973, gây ra cái chết của tới 150.000 nông dân Campuchia. Do mối đe dọa này, hàng trăm ngàn nông dân đã rời bỏ vùng nông thôn để định cư ở thủ đô Phnom Penh của Campuchia.

Sự kết hợp của những sự kiện này đã gây ra sự suy thoái kinh tế và quân sự ở Campuchia và dẫn tới việc dân chúng ủng hộ Pol Pot.

Sự bắt đầu của nước Cộng hòa Dân chủ Campuchia

Hoa Kỳ đã rút binh lính của mình khỏi Việt Nam vào năm 1975 và chính quyền ở Campuchia cũng mất sự hỗ trợ quân sự của Mỹ. Pol Pot đã lợi dụng cơ hội này và dẫn quân đội Khơ-me Đỏ của ông ta, chủ yếu bao gồm lính du kích vốn là thanh thiếu niên nông dân dưới 20 tuổi, vào Phnom Penh. Vào ngày 17 tháng 4, Khơ-me Đổ đã thành công trong việc chiếm quyền kiểm soát Campuchia.

Pol Pot, được truyền cảm hứng bởi cuộc Cách mạng Văn hóa của Mao Trạch Đông ở Trung Quốc cộng sản, sau đó đã cố gắng xây dựng xã hội nông nghiệp không tưởng của chính mình ở Campuchia, mà ông ta đã đổi tên thành Cộng hòa Dân chủ Campuchia.

Pol Pot tuyên bố bắt đầu năm số 0 và bắt đầu cuộc “thanh lọc” xã hội ghê gớm. Để hỗ trợ cho một hình thức cực đoan của chủ nghĩa cộng sản nông dân, những ảnh hưởng của phương tây như chủ nghĩa tư bản và cuộc sống đô thị bị tiêu huỷ, chấm dứt và tiêu diệt.  Tôn giáo và tất cả những người nước ngoài đều bị cấm. Các đại sứ quán bị đóng cửa, và ngay cả việc sử dụng các thứ tiếng nước ngoài ở Campuchia cũng bị cấm. Các nguồn truyền thông và tin tức không còn được phép nữa và việc liên lạc qua thư từ hay điện thoại bị giới hạn. Tất cả các doanh nghiệp đều bị đóng cửa, giáo dục cũng bị dừng lại, chăm sóc y tế biến mất, và quyền hạn của cha mẹ bị hủy bỏ. Bất cứ sự trợ giúp nào của nước ngoài về kinh tế hay y tế cũng bị khước từ.  Vì thế, Campuchia trở nên bị phong kín khỏi thế giới bên ngoài.

Tất cả các thành phố ở Campuchia đều bị cưỡng chế di tản. Hai triệu người dân ở Phnom Penh đã phải đi bộ rời khỏi thành phố đến vùng nông thôn dưới họng súng. Ước tính rằng khoảng 20.000 người đã bị chết trên đường đi.

Hàng triệu người dân thành phố ở Campuchia giờ bị bắt phải lao động chân tay như nô lệ ở các vùng nông thôn. Vì 2 ngày họ mới được chia một khẩu phần cơm khoảng 180 gam, họ đã nhanh chóng bắt đầu chết vì bệnh tật hay vì phải làm việc quá sức và bị thiếu dinh dưỡng. Đó là lý do tại sao lại có những “cánh đồng giết người”.

Pol Pot dẫn đầu quân lính Khơ-me Đỏ
Pol Pot dẫn đầu quân lính Khơ-me Đỏ

 “Những gì thối rữa phải bị vứt bỏ”.

Trên khắp Campuchia, các cuộc thanh lọc chết người đã được thực hiện để phá bỏ tất cả những gì còn lại của “xã hội cũ”. Người ta bị hành quyết chỉ bởi vì họ được giáo dục hay có của cải, hay là bị giết dựa trên nghề nghiệp của họ, như cảnh sát, bác sĩ, luật sư, giáo viên, và các quan chức chính quyền cũ. Những người lính chế độ cũ bị giết chết cùng với cả nhà vợ con. Bắt cứ ai bị nghi ngờ là không trung thành với Pol Pot, mà cuối cùng bao gồm cả nhiều lãnh đạo trong chính lực lượng Khơ-me Đỏ, đều bị giết chết.

Ba dân tộc thiểu số đông nhất – người Việt, người Hoa và Hồi giáo Chàm – là đối tượng của cuộc thanh lọc này, cũng như hai mươi nhóm người nhỏ hơn khác. Trong số 425.000 người Hoa sống ở Campuchia năm 1975, một nửa đã bị giết chết. Khơ-me Đỏ đã thực hiện nhiều điều tàn bạo đối với những nhóm người thiểu số này, bao gồm việc ép buộc người Hồi giáo ăn thịt lợn và bắn chết những ai từ chối.

Tại sao?

Khơ-me Đỏ coi thành phố, đô thị là trái tim của chủ nghĩa tư bản và vì vậy phải bị nhổ tận gốc. Quân lính Khơ-me Đỏ gọi Phnom Penh là “con điếm lớn của Mekong”. (theo tác giả Chandler, sách Bi kịch của Lịch sử Campuchia, trang 247). Những người dân thường bị đuổi ra khỏi thành phố để sống và lao động ở nông thôn như những người nông dân nhằm để tạo ra một xã hội cộng sản lý tưởng. Mục đích của việc biến tất cả mọi người thành nông dân là do thực tế là giai cấp này được tin là “đơn giản, không được giáo dục, chăm làm và không có xu hướng bóc lột những người khác”. Họ đã phải sống như vậy trong nhiều năm và luôn luôn phải cố gắng sống cho qua ngày. Vì lý do này, Khơ-me Đỏ gọi những người nông dân là “những người cũ” và coi họ như những người cộng sản lý tưởng cho nhà nước Campuchia mới.

cambodians evacuating city
Người dân thành thị Campuchia bị ép phải di tản về nông thôn

Những người sống ở các thành phố bị coi là “những người mới” và bị Khơ-me Đỏ xem như “gốc rễ của mọi cái xấu của chủ nghĩa tư bản”. Những người mới là tinh hoa của chủ nghĩa tư bản và vì thế là kẻ thù của chế độ Pol-Pot.  Bất kể nghề nghiệp của họ là gì – giáo viên, thợ may, công chức hay hòa thượng – đều không quan trọng. Theo Khơ-me Đỏ, những người mới này đã quyết định sống ở thành phố, chứng tỏ họ trung thành với chủ nghĩa tư bản. Vì thế, hàng trăm ngàn người Campuchia đã tự động bị gán mác là kẻ thù của nhà nước cộng sản mới và bị giết chết.

Khi kế hoạch xây dựng xã hội thiên đường của Pol Pot không thành công, ông ta không chịu nhận sai lầm hay quy tội cho đồng chí của mình hay cho chính bản thân kế hoạch đó. Ông ta đã quyết định rằng có những kẻ thù trong hàng ngũ cũng như trong cái mà ông ta coi là một phe ủng hộ Việt Nam đang nổi lên ở bên trong Đảng Cộng sản Campuchia. Một phần khác của sự đổ tội là tầng lớp cao của xã hội, là những người vẫn còn lại từ chế độ trước. Kết quả là, ông ta đã loại bỏ khỏi đảng của mình những thành viên ủng hộ Việt Nam và kết án tử hình họ, bao gồm cả một số đồng sự lâu năm nhất của ông ta. Giống như bàn tay sắt Stalin, Pol Pot trở nên hoang tưởng hơn bao giờ hết và bắt đầu tin rằng xung quanh ông ta là những kẻ thù khi Campuchia có dấu hiệu tan rã.  Điều này đã tăng số lượng những vụ giết người và bắt bớ và biến đảng này thành một triều đại tàn bạo đến kinh hoàng tồn tại cho đến khi Việt Nam tiến đánh quân Pol-pot vào tháng 1 năm 1979.

Theo www.mtholyoke.edu

Nhật Minh dịch

Xem thêm: