Iran hiện là quốc gia có tỷ lệ tử vong do virus corona chủng mới gây ra cao nhất bên ngoài Trung Quốc đại lục, làm dấy lên nghi vấn về cách thức chính phủ Iran xử lý cuộc khủng hoảng dịch bệnh, và đặt ra câu hỏi liệu chế độ này có đang minh bạch hoàn toàn về mức độ bùng phát dịch bệnh hay không.

shutterstock 656515273
Tại sao số ca tử vong do COVID-19 tại Iran lại cao hơn các nước khác? (Ảnh minh hoạ: Shutterstock)

Một quan chức hàng đầu của Iran, bà Masoumeh Ebtekar, Phó Tổng thống phụ trách các vấn đề phụ nữ và gia đình, đã xét nghiệm dương tính với virus corona. Bà Ebtekar còn được thấy trong bức ảnh tham dự một cuộc họp với Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngay trước khi bà được xác nhận nhiễm bệnh.

Ít nhất 23 thành viên của quốc hội Iran cũng đã bị nhiễm virus, cùng với Thứ trưởng Bộ Y tế Iran và nhiều quan chức khác, gồm cả giám đốc cơ quan y tế khẩn cấp.

Trước đó, hãng BBC tại Ba Tư đã công bố số liệu thu thập được từ các bệnh viện, cho biết số ca tử vong ở Iran là hơn 200, cao hơn nhiều so với con số 34 mà cơ quan y tế nhà nước công bố. Bộ Y tế Iran ngay lập tức phủ nhận thông tin này.

Một mô hình toán học của các nhà khoa học tại Đại học Toronto, Canada, cũng đã ước tính có ít nhất khoảng 23.000 ca nhiễm virus tại Iran với độ tin cậy khoảng 95%.

Những người chỉ trích chính quyền Iran cả trong và ngoài nước đang đặt chất vấn liệu các quan chức ở Tehran có đưa ra bức tranh toàn diện và chính xác về sự bùng phát hay không. 

Trên thực tế, Iran đã trở thành tâm điểm bùng phát dịch bệnh trên khắp Trung Đông đã xảy ra với hàng loạt quốc gia trong khu vực thông báo có ca nhiễm bệnh, đa số đều bắt nguồn từ Iran.  

“Khi một quốc gia ‘xuất khẩu’ các ca nhiễm bệnh đến địa điểm khác, rất có thể việc lây nhiễm ở quốc gia đó đã ở mức đáng kể”, ông Issac Bogoch, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Toronto, nhận định.

Bốn bác sĩ Iran, gồm hai người làm việc tại các bệnh viện điều trị các bệnh nhân nhiễm bệnh, nói với phóng viên hãng tin NBC tại New York rằng tổng số người bị nhiễm bệnh có khả năng cao hơn con số giới chức y tế nước này tiết lộ.

Tiến sĩ Mike Ryan, giám đốc điều hành chương trình khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới, hôm 27/2 cho rằng nguồn gốc của dịch bệnh tại Iran chưa được làm rõ, vì thế mức độ lây nhiễm có thể rộng hơn.

Nhưng các quan chức Iran đã lên tiếng bác bỏ các cáo buộc cho rằng họ đã giảm nhẹ tầm quan trọng của đại dịch. 

Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Y học ở Qom, ông Mohammad Reza Ghadir, nói trên truyền hình quốc gia rằng Bộ Y tế đã cấm công bố các con số về dịch bệnh trong thành phố.

Khi được hỏi có bao nhiêu nhiều người bị cách ly, ông Ghadir nói, “Bộ Y tế nói với chúng tôi không công khai bất cứ một con số mới nào.” 

Ông Ghadir cũng nói rằng “Phần lớn các xét nghiệm được làm ở Tehran, và Tehran sẽ thông báo.” Bình luận của ông gợi ý rằng các xét nghiệm chẩn đoán chủ yếu được làm ở thủ đô.

Các chuyên gia y tế bên ngoài cho rằng báo cáo về tổng số các ca nhiễm bệnh ở Iran dường như không ăn nhập với số các ca tử vong. Có thể vì chính quyền Iran để lỡ các ca không quá nặng bởi cách họ làm xét nghiệm và chẩn đoán bệnh nhân, hoặc bởi cách chia sẻ thông tin hoặc bởi thiếu thiết bị y tế.

“Đây dường như là vấn đề về báo cáo,” ông Yanzhong Huang, giám đốc trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe toàn cầu tại Đại học Seton Hall và là một thành viên viên cao cấp về y tế toàn cầu tại Uỷ ban Đối ngoại, nói.

Không rõ liệu Iran có đủ khả năng để tìm ra bao nhiêu người đã nhiễm bệnh, bởi điều này đòi hỏi chính phủ phải tới các thành phố và làng mạc làm các xét nghiệm, chứ không chỉ đơn giản chỉ dựa vào những người có triệu chứng nghiêm trọng đến khám tại các bệnh viện lớn, theo Tiến sĩ William Schaffner, giáo sư Y học dự phòng và các bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt. 

Ông Schaffner nói trong một cuộc phỏng vấn rằng, “cần phải thực sự xông xáo để tìm ra những người mắc bệnh. Tôi không biết liệu họ có năng lực không. Nhiều nước không có và họ không có kiểu truyền thống đó trong hệ thống y tế công của họ. Đây là một việc làm  rất mới đối với họ.”

Cũng có khả năng bệnh nhân đa phần là những người già, thuộc nhóm dễ tổn thương hơn. “Một nhóm cư dân lớn tuổi và thường có một bệnh nền cơ bản nào đó có thể giải thích cho tỉ lệ tử vong cao,” ông Schaffner nói.

Một khả năng ít xảy ra hơn là Iran thiếu bệnh viện và người bệnh không nhận được chăm sóc y tế cần thiết, ông Schaffner nói, nhưng cho biết ông nghi ngờ khả năng này vì Iran có một hệ thống chăm sóc sức khoẻ tương đối hiện đại.

Tiến sĩ John Torres, phóng viên y tế hãng tin NBC, nói rằng không có chứng cứ nào về việc virus biến đổi gen, vì vậy nguyên nhân của tỉ lệ tử vong cao ở Iran có thể liên quan tới việc Iran thống kê con số nhiễm bệnh như thế nào. 

Iran vốn đã bị mất điểm trong cuộc khủng hoảng liên quan tới việc máy bay dân sự của Ukraine bị bắn hạ. Giới chức quân sự Iran phải mất 3 ngày mới thừa nhận rằng chiếc máy bay đã bị bắn rơi bởi một tên lửa của Iran do nhầm lẫn.

Vì vậy, dịch bệnh diễn ra đã làm dấy lên những câu hỏi về cách Iran xử lý cuộc khủng hoảng này. 

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã phát biểu trong một cuộc họp báo hôm 25/2 rằng “nước Mỹ rất quan tâm với thông tin cho rằng chế độ Iran có thể đang giữ kín những chi tiết quan trọng về tình hình dịch bệnh trong nước.”

“Tất cả các quốc gia, gồm cả Iran, cần nói sự thật về virus corona và hợp tác với các tổ chức cứu trợ quốc tế,” ông Pompeo bổ sung.

Lê Vy (tổng hợp)

Xem thêm: