Từ lâu Donald Trump nói ông xem Trung Quốc “không phải là bạn ta”, rồi ông lại trở thành “bạn thân thiết” của Tập Cận Bình và ông rất cảm ơn Trung Quốc vì giúp Mỹ trong vấn đề Triều Tiên. Nhưng cuối cùng, Trump vẫn khai hỏa cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc và giới lãnh đạo ở Bắc Kinh thì vừa bất ngờ vừa đau đầu không biết xử lý ra sao.

trump xi 2
Donald Trump và Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, 9/11/2017 (Ảnh: Thomas Peter/Getty)

Yếu điểm của chế độ độc đảng

Theo Nam Hoa Tảo Báo (SCMP), có các nguồn tin và nhà phân tích chỉ ra rằng Bắc Kinh đã hoàn toàn bất ngờ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thực sự áp thuế lên hàng nhập khẩu Trung Quốc và qua đó khơi mào cuộc chiến thương mại giữa hai nước. Giới lãnh đạo Trung Quốc đã cho rằng ông Trump chỉ “nói khoác” và hoàn toàn đánh giá thấp làn sóng chống Trung Quốc trong giới tinh hoa Hoa Kỳ.

Vào tháng 6/2018, khi Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross thăm Bắc Kinh, giới lãnh đạo ở đây vẫn hy vọng có thể thuyết phục Washington không tiến hành áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc.

Nhưng Trump không bị thuyết phục. Ngày 6/7, ông áp thuế 25% lên loạt hàng hóa đầu tiên trị giá 34 tỷ USD của Trung Quốc; Bắc Kinh bị buộc phải đáp trả tương tự lên hàng Mỹ. Washington lên kế hoạch đánh thuế lên 200 tỷ USD hàng hóa tiếp theo và ông Trump khẳng định ông sẵn sàng áp thuế lên toàn bộ hơn 500 tỷ USD hàng Trung Quốc.

“Họ [lãnh đạo Trung Quốc] không nhận ra tình hình ở đây nghiêm trọng như thế nào. Họ nghĩ Trump chỉ nói quá lên, và họ vẫn nghĩ như vậy”, một cựu cố vấn chính sách Mỹ nói với SCMP trong điều kiện giấu tên.

“Họ nói đây là về cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ và mọi thứ sẽ thay đổi sau đó. Họ đang rất sai lầm và hoàn toàn hiểu sai tình hình. Tôi cảm thấy lý do có thể là vì họ quá cách biệt, và không có ai dám nói với Bắc Kinh rằng họ đã sai”.

Các nhà quan sát nói với SCMP rằng vấn đề nằm ở chỗ Bắc Kinh luôn luôn có nhu cầu phải củng cố quyền lực chính đáng của Đảng đã xa cách hay cấm túc những nhà tư vấn chính sách mà dám nói sự thật, dám nói Bắc Kinh đã sai và qua đó giúp họ hiểu được các động thái từ Washington. Điều này đã khiến Bắc Kinh thiếu một chiến lược toàn diện để đối phó với chính quyền Trump, ít nhất là về mặt thương mại, trong thời điểm căng thẳng và đối đầu dâng cao như hiện nay.

6 năm trước, khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ diệt ruồi”, Bắc Kinh đưa ra một loạt các yêu cầu để chặn chi tiêu quá đà, trong đó có việc giới hạn các quan chức chính phủ và học giả đi nước ngoài.

Cùng thời gian đó, Bắc Kinh cũng thắt chặt kiểm soát về ý thức hệ cộng sản lên toàn bộ xã hội. Các trường đại học và viện nghiên cứu cũng nằm trong số đó. Việc thảo luận chính sách của chính quyền trung ương bị coi là “không phù hợp với định hướng của Đảng”. Điều này đã gây áp lực khiến các nhà tư vấn Trung Quốc cũng như khiến các nhà ngoại giao phương Tây lo ngại rằng ý kiến của họ sẽ bị sàng lọc trước khi tới được các quan chức cấp cao để đảm bảo tính đúng đắn định hướng.

Một cựu quan chức Hoa Kỳ thường tới Trung Quốc nói rằng những nhà tư vấn và quan chức Trung Quốc trước đây từng có phát ngôn mạnh mẽ bây giờ đều nín tiếng, thậm chí ở các buổi nói chuyện riêng tư không chính thức.

Ngày càng khó biết được họ đang nghĩ gì bởi họ chỉ lặp lại những gì chính phủ và đảng nói”, vị quan chức nói. “Điều này sẽ dẫn tới nguy cơ ra quyết định sai lầm cao hơn, thậm chí là sai lầm chết người”.

Việc Bắc Kinh phụ thuộc vào cách kênh tư vấn “cửa sau” cũ của mình cũng làm cho họ rối mù hơn. Theo cựu tư vấn gia người Mỹ, Bắc Kinh phụ thuộc quá nhiều vào Wall Street và một số người thuộc giới tinh hoa chính trị Mỹ, trong đó có hai nhà ngoại giao kỳ cựu là Henry Paulson và Henry Kissinger để hiểu về chính trị Mỹ. Nhưng đây là những người không thân cận, không hiểu và cũng không có ảnh hưởng gì tới ông Trump.

“Ông Trump không nghe hay nói chuyện với họ. Tôi nghĩ rằng giới lãnh đạo Trung Quốc đã đánh giá thấp tình hình”.

Trước đó, Bắc Kinh từng trông chờ vào con gái Ivanka Trump và con rể Jared Kushner để xây dựng mối quan hệ gần gũi với Washington. Nhưng lối tiếp cận này sớm chết yểu do lo ngại phụ thuộc vào quan hệ với gia đình Trump có thể làm tổn hại đến hình tượng của Trung Quốc, và chính con rể Kushner cũng đang dính mắc vào các rắc rối liên quan tới Nga.

Đối phó vào phút chót

Với việc chiến tranh thương mại đã bắt đầu, Bộ Tài chính Trung Quốc đang cấp bách thành lập các cơ quan để bổ khuyết để nghiên cứu và tư vấn các vấn đề với Mỹ. Tuần trước, nước này lập một liên hiệp gồm 20 think tank (viện nghiên cứu hoặc nhóm chuyên gia) chỉ để làm việc này. Một trong những mục tiêu lớn nhất của liên hiệp này được tuyên bố là để “tiến hành nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu chính sách và nghiên cứu triển vọng”.

Theo SCMP các nhà nghiên cứu trong liên hiệp này nói rằng Bắc Kinh hiện tại không có đủ nỗ lực để tìm hiểu về Mỹ và càng không chuẩn bị đầy đủ cho căng thẳng thương mại hiện tại.

Thậm chí trước khi lên nắm quyền, ông Trump đã liên tục nói rằng ông muốn Mỹ phải cứng rắn chống lại Trung Quốc và liệt Trung Quốc vào danh sách các nước thao túng tiền tệ. Nhưng với Bắc Kinh, các kế hoạch để đối phó Trump đều bị động và vụng về vào phút chót, theo một nguồn tin thường xuyên liên hệ với các quan chức cấp cao Trung Quốc.

Nguồn tin này nêu ví dụ sau khi ông Tập tới gặp Trump hồi tháng 4 năm ngoái, Mỹ-Trung đã đồng thuận bản kế hoạch 100 ngày cải thiện quan hệ thương mại hai bên, nhưng Bắc Kinh lại không làm gì để hiện thực hóa nó và bỏ qua cơ hội này.

Khi mà căng thẳng thương mại tồi tệ hơn, Bắc Kinh đã gửi Phó Thủ tướng Lưu Hạc tới Washington vào tháng 2 và một lần nữa vào tháng 3 để đề nghị mua thêm hàng hóa Mỹ nhằm tháo ngòi căng thẳng. Tuy nhiên danh sách sản phẩm được chuẩn bị một cách rất “vội vàng”, theo nguồn tin của SCMP.

“Những việc thế này nên phải được thực hiện sớm hơn nhiều, phải có một chiến lược toàn diện chứ không phải vẽ ra trong một đêm hay vài ngày trước một chuyến công du quan trọng”, nguồn tin nói.

Hồi tháng 4, một kinh tế gia nổi tiếng của Trung Quốc đã đi Mỹ công du phát biểu tại đại học Thanh Hoa Trung Quốc rằng cách xử lý tình huống căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc hoàn toàn khác nhau.

Tới giai đoạn này, kinh tế gia nói, các nhà nghiên cứu và cơ quan hoạch định tại Washington đã gần như hoàn thành kế hoạch hành động thương mại để chống lại Bắc Kinh và đạt được đồng thuận “không phải với câu hỏi liệu sẽ có xung đột thương mại với Trung Quốc hay không mà là về nhu cầu cần quan sát xem Trung Quốc sẽ phản ứng thế nào”.

“Nhưng từ những gì mà truyền thông trong nước nói và các bình luận công khai của quan chức Trung Quốc trước khi chúng tôi rời Bắc Kinh tới Mỹ, dường như Trung Quốc không chuẩn bị trước cho cuộc đối đầu thương mại sắp tới. Suy nghĩ mà họ vẫn giữ là quan hệ song phương với Mỹ vẫn trong tầm kiểm soát và tiến triển bình thường”, nhà kinh tế nói.

Một vấn đề khác của Trung Quốc là họ thiếu dữ liệu khi phân tích tình hình tại Mỹ hay tác động của chính sách của Mỹ đối với nền kinh tế Trung Quốc.

“Rất nhiều công trình nghiên cứu về Mỹ lại thực hiện ở Trung Quốc, chúng ta không có các phân tích chi tiết và sâu sắc. Rất nhiều thứ chỉ là bề mặt”, một chuyên gia trong liên hiệp think tank nói.

Để so sánh, ông Trump sau khi đắc cử đã ra lệnh cho cơ quan cấp dưới tiến hành điều tra theo Điều 301 luật Thương mại. Sau 1 năm tiến hành, báo cáo điều tra của họ đã thu thập hơn 3.000 ghi chú, tiến hành nhiều nghiên cứu trường hợp và thu thập dữ liệu về hoạt động đánh cắp công nghệ của Trung Quốc, từ đó đề xuất các hành động ứng phó thích hợp cho Tổng thống Trump.

Wang Huiyao, chủ tịch Trung Tâm Trung Quốc và Toàn Cầu Hóa, một thành viên trong liên hiệp nói rằng Bắc Kinh đang rất cần có nghiên cứu và dữ liệu để có hiểu biết tốt hơn về bức tranh toàn cảnh trong cuộc đối đầu với Mỹ.

“Ngoài quan hệ ngoại giao song phương, Trung Quốc phải nghiên cứu nhiều hơn về số liệu thương mại Mỹ-Trung, về luật pháp Mỹ và các ngành kinh tế Mỹ”, ông Wang nói.

Một vấn đề khác là nhiều nhà nghiên cứu Trung Quốc được cử đi Mỹ quan tâm nhiều hơn tới danh vọng tiền bạc và các cơ hội mới hơn là tập trung vào mục đích quốc gia.

“Trung Quốc đã gửi các học giả, nhà nghiên cứu tới Mỹ trong hàng chục năm qua, thế nhưng rốt cuộc họ lại theo đuổi tư lợi bởi vì họ có áp lực phải đăng được các bài viết lên tờ báo hay tạp chí nào đó càng sớm càng tốt – hoặc họ bận rộn nộp hồ sơ xin các dự án có trợ cấp ngân sách. Thực sự có rất ít người Trung Quốc thực sự ở ngoài thực địa và tiến hành nghiên cứu sâu về văn hóa, xã hội và chính trị Mỹ”, một nhà nghiên cứu từ Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nói.

Trọng Đạt

Xem thêm: