Taliban đang phải đối mặt với những thách thức về kinh tế và an ninh khi họ quay trở lại nắm quyền ở một đất nước khác xa so với vùng đất mà họ đã cai trị cách đây 20 năm.

Embed from Getty Images

Vào cuối những năm 1990, Afghanistan là một quốc gia nông nghiệp nghèo nàn. Khi đó, Taliban áp đặt luật Hồi giáo khắc nghiệt lên dân chúng vốn đã rất truyền thống và hầu hết thuần phục. Đàn ông phải để râu và phụ nữ phải mặc bộ burqa toàn thân. Các cô gái bị từ chối cơ hội giáo dục và các hoạt động giải trí như âm nhạc và truyền hình bị cấm.

Lần này, Taliban tiếp quản một xã hội phát triển hơn với tầng lớp trung lưu nhỏ, có học thức. Tuy vậy, nền kinh tế vẫn ở mức tồi tệ do chiến tranh và tham nhũng. Ngay cả trước khi Taliban chiếm Kabul vào ngày 15/8, tỷ lệ thất nghiệp là hơn 30% và hơn một nửa số người Afghanistan sống trong cảnh nghèo đói, bất chấp hai thập kỷ có sự tham gia của Hoa Kỳ và hàng tỷ đô la viện trợ.

Taliban đã tìm cách trấn an người Afghanistan rằng họ đã thay đổi. 

Tuy vậy, quá khứ ám ảnh vẫn khiến nhiều người Afghanistan lo sợ, khiến họ không quay trở lại công việc bất chấp sự đảm bảo từ Taliban. Sự lo sợ cũng đã khiến hàng nghìn người tìm cách chạy khỏi đất nước. 

Torek Farhadi, một cựu cố vấn của chính phủ cũ cho biết: “Thách thức lớn nhất của Taliban là … thu phục được người dân.”  

Ông nói thêm, một chính phủ mới chỉ có thể thành công nếu tất cả người Afghanistan, bao gồm cả phụ nữ, được đại diện.

Thách thức lớn đầu tiên của Taliban là việc thành lập một chính phủ mới. Họ đã hứa rằng nó sẽ bao gồm những người không nằm trong Taliban, nhưng không rõ liệu họ có thực sự sẵn sàng chia sẻ quyền lực hay không.

Một chính phủ hòa nhập có thể giúp giảm thiểu tỷ lệ di cư ồ ạt của người Afghanistan, đặc biệt là những người trẻ tuổi và có học thức, đồng thời tăng sức thuyết phục cho cộng đồng quốc tế để họ tiếp tục gửi viện trợ.

Tuy vậy, ngay cả giữa những người đứng đầu Taliban cũng đang có quan điểm trái ngược nhau về cách thức điều hành. Ngoài ra, các trưởng lão bộ tộc của Afghanistan là một nhóm hùng mạnh khác không thể bỏ qua.

Sau đó, còn là hàng nghìn chiến binh đã trải qua nhiều năm trên chiến trường và lâng lâng trong cảm giác chiến thắng trước một siêu cường. Để có thể thuyết phục họ thỏa hiệp vì lợi ích chung là một việc khó khăn. 

Trong quá khứ, các nhóm chiến binh Taliban cảm thấy phong trào đang phản bội lại niềm tin ban đầu của mình đã đào thoát sang nhóm Nhà nước Hồi giáo (ISIS), hiện là mối đe dọa an ninh lớn. 

Thời gian cũng không đứng về phía Taliban.

Nền kinh tế đã ở trong tình trạng ảm đạm trong nhiều năm. Nếu hòa bình đến với Afghanistan, công dân của nước này sẽ tăng nhu cầu cứu trợ kinh tế – một điều gần như không thể xảy ra nếu cộng đồng quốc tế, vốn đã tài trợ 80% cho chính phủ của cựu Tổng thống Ashraf Ghani, rút ​​lại sự ủng hộ.

Michael Kugelman, nhà phân tích tại Trung tâm Wilson, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Hoa Kỳ, cho biết một chính phủ mới phải giải quyết nhanh chóng và xoa dịu cuộc khủng hoảng kinh tế.

Nếu thất bại, “bạn phải bắt đầu suy tính khả năng xảy ra các cuộc biểu tình quy mô lớn chống lại Taliban rõ ràng sẽ là một thách thức lớn đối với Taliban khi lực lượng này cố gắng củng cố quyền lực”, ông nói.

Tuy nhiên, việc Taliban sẵn sàng thỏa hiệp bao xa để xoa dịu những lo ngại của quốc tế, đồng thời giữ vững niềm tin của chính họ, có thể làm gia tăng thêm sự chia rẽ trong giới lãnh đạo, đặc biệt là những người có tư tưởng cứng rắn hơn.

“Bạn có một chế độ không có bất kỳ kinh nghiệm nào để làm chính sách trong bối cảnh đang gặp phải một cuộc khủng hoảng chính sách lớn, rồi cộng đồng quốc tế thì đang cắt đứt khả năng tiếp cận các nguồn tài chính cho chính phủ Taliban. Như mọi khi, chính người dân Afghanistan sẽ phải chịu đựng nhiều nhất,” ông Kugelman nói.

Lê Vy (theo AP)

Xem thêm: