Taliban đã giải tán hai ủy ban bầu cử ở Afghanistan vào Chủ nhật, động thái bị các cựu quan chức nước này lên án.

Bilal Karimi, phó phát ngôn viên của chính phủ do Taliban điều hành ở Afghanistan, đã thông báo về việc giải tán Ủy ban Bầu cử Độc lập (IEC) và Ủy ban đại biểu cử tri vào Chủ nhật, AP đưa tin. Đây là hai ủy ban quản lý và giám sát các cuộc bầu cử tổng thống, quốc hội và hội đồng cấp tỉnh của Afghanistan.

Ông Karimi nói rằng các ủy ban là “không cần thiết đối với tình hình hiện tại ở Afghanistan”, đồng thời nói thêm rằng Taliban có thể tái khởi động chúng nếu có nhu cầu.

Quyết định này sẽ có “hậu quả rất lớn”, cựu chủ tịch IEC Aurangzeb nói với AFP. 

“Nếu các ủy ban này không tồn tại nữa, tôi chắc chắn 100% rằng các vấn đề của Afghanistan sẽ không bao giờ được giải quyết vì sẽ không có bất kỳ cuộc bầu cử nào”, ông Aurangzeb nói với hãng tin.

Halm Fidai, người từng là thống đốc 4 tỉnh của Afghanistan, nói với AFP rằng quyết định này cho thấy Taliban “không tin vào nền dân chủ”.

“Họ chống lại tất cả các thể chế dân chủ. Họ có được quyền lực thông qua những viên đạn chứ không phải lá phiếu”, ông Fidai nói.

Cũng trong ngày Chủ nhật, phát ngôn viên Taliban thông báo đóng cửa Bộ Nhà nước vì hòa bình và các vấn đề của Quốc hội, nói nó là không cần thiết trong cấu trúc hiện tại của chính phủ Afghanistan, AP đưa tin.

Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh cộng đồng quốc tế vẫn còn hoài nghi về chính phủ do Taliban điều hành. Việc nhóm này trở lại nắm quyền vào tháng 8 đã làm dấy lên lo ngại về việc quốc gia này sẽ quay trở lại chế độ cai trị tàn bạo của triều đại đầu tiên của Taliban.

Trong thời kỳ chính phủ mới của Afghanistan do Mỹ hậu thuẫn sau đó, quốc gia này đã đạt được nhiều tiến bộ, bao gồm cả quyền phụ nữ. Dưới thời Taliban, phụ nữ bị cấm tham gia cuộc sống công cộng và không được học hành.

Kể từ khi nắm chính quyền, Taliban đã đưa ra nhiều quyết định làm gia tăng mối lo ngại về nhân quyền ở quốc gia này.

Vào tháng 9 – chỉ vài tuần sau khi lên nắm quyền – Taliban đã giải tán Bộ các vấn đề phụ nữ và thay thế nó bằng Bộ “truyền bá đức tính và phòng chống tội phạm”. Nhiều nhà quan sát quốc tế coi quyết định này là một tín hiệu cho thấy Taliban sẽ lại hạn chế quyền của phụ nữ.

Ngoài ra, còn xuất hiện một số cáo buộc binh lính Taliban trả thù người của chính phủ cũ. Các chiến binh Taliban được cho là đã bắt cóc và giết chết hơn 100 cựu cảnh sát và nhân viên tình báo kể từ khi lên nắm quyền, theo báo cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền hồi tháng 11.

Lê Vy (theo Newsweek)

Xem thêm: