Taliban kêu gọi những phụ nữ Afghanistan hiện đang đi làm tạm thời ở yên trong nhà cho đến khi các chiến binh của nhóm khủng bố được huấn luyện về cách tôn trọng và hành xử đúng mực với phụ nữ.

Embed from Getty Images

“Lực lượng an ninh của chúng tôi không được đào tạo [về] cách đối xử với phụ nữ – cách nói chuyện với phụ nữ,” phát ngôn viên của nhóm Taliban là ông Zabihullah Mujahid nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo hôm thứ Ba (14/8) khi đề cập đến một số chiến binh trong nhóm.

“Chúng tôi đã yêu cầu họ [phụ nữ] nghỉ làm cho đến khi tình hình trở lại trật tự bình thường và các thủ tục liên quan đến phụ nữ được thực hiện. Sau đó họ có thể quay trở lại công việc của mình khi được thông báo.” Ông còn lưu ý rằng, tất cả những điều này là vì sự an toàn của chính phụ nữ Afghanistan và sẽ chỉ là ngắn hạn.

Lời kêu gọi này được đưa ra trong bối cảnh cùng ngày 24/8, bà Michelle Bachelet, cao ủy Liên Hợp Quốc (LHQ) về nhân quyền thông báo về việc bà nhận được nhiều báo cáo đáng tin cậy cho thấy phụ nữ đang bị hạn chế rất nhiều quyền lợi tại các khu vực chịu sự kiểm soát của Taliban trên khắp quốc gia Trung Đông này.

Bà Bachelet cảnh báo, việc đối xử tệ bạc với phụ nữ và trẻ em gái sẽ là “lằn ranh đỏ cơ bản” trong cuộc họp khẩn cấp với Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc đang được tổ chức theo yêu cầu của Pakistan và Tổ chức Hợp tác Hồi giáo.

Khi Taliban nắm quyền lần cuối từ năm 1996 đến 2001 trước chiến dịch quân sự do Hoa Kỳ lãnh đạo cách đây hai thập kỷ, nhóm khủng bố đã cấm phụ nữ đi làm và hầu hết toàn bộ phụ nữ đều bị giam giữ trong nhà của họ.

Họ cũng cấm phụ nữ ra khỏi nhà nếu không có nam giới đi cùng và buộc họ phải che kín toàn bộ cơ thể.

Mặc dù Taliban gần đây đã tuyên bố một lệnh ân xá chung, thể hiện rằng nhóm này sẽ ôn hòa hơn, nói rằng phụ nữ có thể đi làm, đến trường hay học đại học, nhưng các báo cáo gần đây cho thấy nhóm này lại thực hiện hoàn toàn khác.

Tháng trước, khi nhóm khủng bố đang chiếm đoạt lãnh thổ từ các lực lượng chính phủ trên khắp Afghanistan, các chiến binh Taliban đã tiến vào văn phòng của Ngân hàng Azizi ở thành phố Kandahar, miền Nam nước này và yêu cầu 9 phụ nữ làm việc ở đó rời đi.

Bà Noor Khatera, một phụ nữ 43 tuổi từng làm việc trong bộ phận kế toán của ngân hàng nói với hãng tin Reuters: “Thật kỳ lạ khi bỗng dưng tôi không được phép đi làm, nhưng bây giờ sự tình là thế. Bản thân tôi đã tự học tiếng Anh và thậm chí đã học cách vận hành máy tính, nhưng giờ tôi sẽ phải tìm một nơi làm việc mới với nhiều phụ nữ khác.”

Hai ngày sau vụ việc tại Ngân hàng Azizi, một trường hợp tương tự đã diễn ra tại một chi nhánh của một ngân hàng khác ở Afghanistan, Bank Milli, ở thành phố Herat, theo lời kể của hai nữ thu ngân.

Ba chiến binh Taliban mang theo súng tiến vào chi nhánh, chỉ trích các nữ nhân viên vì để lộ mặt ở nơi công cộng. Phụ nữ ở đó phải nghỉ việc và để những người thân của họ là nam giới đến làm thay.

Các báo cáo về bạo lực đối với phụ nữ Afghanistan là một dấu hiệu ban đầu cho thấy một số quyền mà phụ nữ giành được trong hơn 20 năm kể từ khi luật Hồi giáo cực đoan Taliban cai trị quốc gia này có thể bị đảo ngược hoàn toàn.

Tại một ngôi nhà cũ phía Tây Kabul, Rahima, 60 tuổi, người phụ nữ với 7 cô con gái cũng vừa cất đi những hy vọng cuối cùng. Khoảng 1 tháng nay, bà đã cố gắng để cưu mang rất nhiều trẻ em gái và phụ nữ từ các tỉnh xa bị Taliban chiếm chạy loạn đến Kabul.

“Tất cả chúng tôi đều biết những gì Taliban sẽ làm. Chúng tôi đã cố nuôi hy vọng nhưng có vẻ mọi thứ đã chấm hết. Tôi lo lắng cho số phận của con gái của mình và những phụ nữ ở đây. Cuộc đời tôi đã không có được hòa bình, và bây giờ có lẽ các con gái của tôi cũng sẽ chẳng bao giờ biết đến điều ấy,” bà nói.

Minh Ngọc (T/h)

Xem thêm: