Một quan chức hàng đầu của Taliban tuyên bố, nhóm cầm quyền Afghanistan sẽ tái áp đặt các lệnh hành quyết và hình phạt nghiêm khắc, chẳng hạn như cắt cụt tay chân.

Phát biểu với hãng tin Associated Press (AP), ông Mullah Nooruddin Turabi đã bác bỏ những lời chỉ trích đối với sự cai trị trước đây của tổ chức này tại Afghanistan từ năm 1996-2001, thời điểm công khai các vụ hành quyết, đánh bằng roi, ném đá, và cắt cụt chân tay. Ông Turabi, đã mất một mắt và một chân khi chiến đấu chống lại quân xâm lược Liên Xô vào những năm 1980, hiện là người đứng đầu Bộ Tuyên truyền Đạo đức và Ngăn ngừa Thói xấu, đồng thời chịu trách nhiệm thực thi các hình phạt.

Tờ AP ngày 23/9 cho hay, ông Turabi bày tỏ: “Mọi người đều chỉ trích chúng tôi về các hình phạt thực hiện tại sân vận động, nhưng chúng tôi chưa bao giờ nói bất kỳ điều gì về luật pháp và các hình phạt của họ. Đừng ai nói với chúng tôi rằng luật của chúng tôi phải như thế nào. Chúng tôi sẽ tuân theo đạo Hồi và chúng tôi sẽ đưa ra luật dựa trên kinh Quran.”

Hơn 20 năm trước, trong thời gian Taliban cai trị Afghanistan, những kẻ sát nhân bị kết án đã bị hành quyết bằng một phát súng duy nhất vào đầu và thường do người nhà của nạn nhân thực hiện, đôi khi diễn ra tại sân vận động hoặc các khu vực công cộng khác. Những tên trộm bị kết án phải đối mặt với hình phạt bị cắt cụt bàn tay của họ. Đối với những người bị kết án đầu cơ trục lợi, họ sẽ cắt bỏ một bàn chân và một bàn tay.

Có một sự thay đổi so với quy định trước đây của Taliban. Ông Turabi tiết lộ với hãng tin AP, các thẩm phán nữ giờ đây sẽ có thể xét xử các vụ án. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, nền tảng cho luật pháp của quốc gia Nam Á này sẽ được diễn giải theo kinh Quran.

Ông giải thích thêm: “Hình phạt cắt bỏ bàn tay là rất cần thiết để đảm bảo an ninh,” và lưu ý hình phạt còn có tác dụng răn đe. Không rõ hình phạt này có được thực hiện ở nơi công cộng hay không, nhưng chính phủ Afghanistan đang nghiên cứu việc này và sẽ “đưa ra một chính sách”.

Bảo vệ sự cai trị trước đây của Taliban, vốn cho phép chứa chấp các mạng lưới khủng bố bao gồm cả al-Qaeda, ông Turabi tự hào nói với AP: “Chúng tôi đã có sự an toàn tuyệt đối ở mọi nơi trên đất nước này.” Ông nêu rõ các phương pháp trừng phạt công khai của tổ chức này và khẳng định chúng có tác dụng ngăn chặn tội phạm. 

Tuy nhiên, các tổ chức nhân quyền như Tổ chức Ân xá Quốc tế đã chỉ trích Taliban đang “dần dần phá bỏ” các thành quả nhân quyền đạt được trong suốt 20 năm qua ở nước này.

Hôm thứ Ba (21/9), Tổ chức Ân xá Quốc tế chỉ ra, điều đó bao gồm “các vụ giết hại nhắm vào dân thường và binh lính đã đầu hàng, cũng như việc ngăn chặn việc cung cấp nhân đạo tại Thung lũng Panjshir, vốn cấu thành tội ác theo luật pháp quốc tế. Các biện pháp hạn chế cũng đã được áp đặt trở lại đối với phụ nữ, quyền tự do ngôn luận, và xã hội dân sự.”

Taliban đã chiếm được Afghanistan chỉ trong vài ngày sau một cuộc tiến công dồn dập. Việc Taliban nắm quyền kiểm soát Afghanistan trước khi Hoa Kỳ rút toàn bộ quân đội ra khỏi nước này, đã dẫn đến một cuộc sơ tán vội vã và hỗn loạn trong bối cảnh hàng nghìn người Mỹ và công dân Afghanistan ra khỏi quốc gia Nam Á này bằng máy bay.

Một số thượng nghị sĩ Hoa Kỳ còn lo ngại Taliban có thể đã chiếm giữ các khí tài quân sự trị giá hàng tỷ đô la của Hoa Kỳ bao gồm máy bay trực thăng Black Hawk, vũ khí và các công nghệ khác.

Nhật Minh (Theo The Epoch Times)

Xem thêm: