Taliban ở Pakistan có thể phải chịu trách nhiệm về cuộc tấn công xe buýt tuần trước làm 13 người chết, trong đó có 9 công dân Trung Quốc, các nhà phân tích an ninh cho biết.

Embed from Getty Images

Cả Pakistan và Trung Quốc đều xếp vụ nổ tại tỉnh Khyber Pakhtunkhwa ở phía tây bắc là một vụ tấn công khủng bố, nhưng cho đến nay chưa có nhóm nào đứng ra nhận trách nhiệm.

Các nhà phân tích an ninh cho rằng dựa trên thông tin có sẵn và vị trí, có thể có liên quan đến nhóm Taliban (Pakistan).

“Vị trí này là khu vực mà Taliban ở Pakistan hoạt động, và ở đó cũng có một số nhóm bộ lạc có vũ trang,” Li Weim – một chuyên gia chống khủng bố thuộc Học viện Quan hệ Quốc tế Đương đại của Trung Quốc ở Bắc Kinh, nói. “Tôi nghĩ họ là hai nghi phạm hàng đầu của cuộc tấn công. “Taliban ở Pakistan không phải là một nhóm tập trung các chiến binh chống chính phủ, mà là một liên minh của nhiều nhóm bộ lạc.”

Li đề cập đến Tehrik-i-Taliban ở Pakistan, còn được gọi là TTP hoặc Taliban Pakistan. 

Vụ nổ xảy ra hôm thứ Tư tuần trước (14/7) khi chiếc xe buýt đang chở khoảng 40 kỹ sư, nhân viên khảo sát và nhân viên cơ khí Trung Quốc tới công trường xây dựng đập thuỷ điện ở Dasu.

Trong một cuộc điện đàm khẩn cấp với Bộ trưởng Nội vụ Pakistan Sheikh Rasheed Ahmad hôm thứ Bảy (17/7), Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Zhao Kezhi, gọi vụ việc xảy ra là một “cuộc tấn công khủng bố”. Ông nói thêm rằng Chủ tịch Tập Cận Bình đã gửi đi một thông điệp bằng văn bản về tình hình cho Pakistan, nhưng không tiết lộ chi tiết.

Zhao cho biết, phía Trung Quốc đã gửi một nhóm chuyên gia điều tra hình sự tới Pakistan. Cuối hôm thứ Bảy, Ahmad nói với các nhà báo ở Islamabad rằng cuộc điều tra đang ở “những giai đoạn cuối cùng”, với sự tham gia của 15 điều tra viên Trung Quốc.

Tập đoàn Gezhouba của Trung Quốc, công ty thầu xây dựng dự án Dasu, cho biết hôm thứ Bảy họ đã đình chỉ công việc tại dự án vô thời hạn.

Ngoài 13 người chết, hàng chục người đã bị thương trong vụ việc. Ban đầu, Pakistan cho là do xe buýt hỏng hóc. Sau đó, họ nói rằng đó là một cuộc tấn công khủng bố sau khi phát hiện nhiều dấu vết của chất nổ trên xe.

 

Hôm thứ Hai (19/7), Tổng tư lệnh quân đội Pakistan Javed Bajwa đã gặp đặc phái viên Trung Quốc Nong Rong; cam kết bảo đảm an ninh cho người Trung Quốc đang làm việc tại đất nước.

Trước đó, đã có nhiều vụ tấn công nhằm vào các công dân Trung Quốc ở Pakistan, bao gồm một vụ tự sát liều chết hồi tháng Tư tại một khách sạn sang trọng tại Balochistan ở phía tây nam.

Yin Gang, một nhà nghiên cứu các vấn đề Trung Đông thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Trung Quốc, nói rằng đập thuỷ điện sẽ có ảnh hưởng tới các khu vực hạ lưu tại Afghanistan, bao gồm gần một khu vực do Nhà nước Hồi giáo (IS) kiểm soát, nhưng IS không có năng lực để lên kế hoạch tấn công.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đã nói rằng cần có sự phân biệt giữa  Taliban ở Pakistan và Taliban ở Afghanistan – một nhóm mà Bắc Kinh cho biết có thể đối thoại về bảo đảm an ninh trong nước sau khi quân đội Mỹ rút lui.

Phía Trung Quốc nói Taliban Pakistan bị liệt là một nhóm khủng bố, trong khi Taliban Afghan thì không. 

Zhu Yongbiao, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Lanzhou, nói rằng rủi ro về an ninh mà người Trung Quốc ở Pakistan phải đối mặt có thể leo thang cùng với việc gia tăng đầu tư của Trung Quốc ở đó. 

“Một chút oán giận (đối với Trung Quốc) có thể đã tích tụ trong bảy, tám năm qua, và hiện đang phun trào,” ông nói.

Ông nói cuộc tấn công gần đây nhất, tiếp sau các cuộc tấn công trong những năm gần đây, có thể khiến Trung Quốc nỗ lực hơn để khẳng định sự hiện diện an ninh của họ ở Pakistan.

“Trung Quốc phản ứng với điều này như thế nào với điều này? Rất khó dự đoán. Nhưng tôi cho rằng sẽ có nhiều sức ép hơn lên Islamabad để chấp nhận sự hiện diện của các lực lượng an ninh Trung Quốc trên lãnh thổ của họ,” ông cho biết.

Nhật Minh (theo SCMP)

Xem thêm: