Vào thứ Hai (25/7), hai ứng cử viên lãnh đạo Đảng Bảo thủ Anh đã có cuộc tranh luận trực tiếp quan trọng trên truyền hình. Cả ông Rishi Sunak và bà Liz Truss đều cho biết lập trường cứng rắn đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nếu trở thành Thủ tướng tiếp theo của Vương quốc Anh.

Liz Truss Rishi Sunak
Ngày 20/7/2022, Ngoại trưởng Liz Truss (trái) và cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Rishi Sunak trở thành 2 ứng viên cuối cùng cho cuộc bầu cử lãnh đạo Đảng Bảo thủ. (Ảnh ghép: Crown và Wikimedia)

Cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Sunak nói rằng ĐCSTQ là “mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh và thịnh vượng của Vương quốc Anh và thế giới trong thế kỷ này”, qua đó đề xuất một loạt các biện pháp nhằm làm suy yếu ảnh hưởng của ĐCSTQ ở Anh.

Ông Sunak cho biết ông sẽ cấm tất cả 30 chi nhánh của Viện Khổng Tử ở Anh, cho rằng cái gọi là tổ chức văn hóa và giáo dục đó trên thực tế đã được ĐCSTQ sử dụng để thúc đẩy quyền lực mềm trong các trường đại học ở Vương quốc Anh.

Sunak cáo buộc ĐCSTQ “đánh cắp công nghệ của chúng tôi và xâm nhập vào các trường Đại học của chúng tôi”, đã “ủng hộ cuộc xâm lược Ukraine của phát xít Putin”, chèn ép Đài Loan, vi phạm nhân quyền ở Tân Cương và Hồng Kông, đồng thời hạ giá đồng tiền của họ để “liên tục thao túng nền kinh tế toàn cầu làm lợi cho họ”.

Ông cũng hứa sẽ áp dụng chặt chẽ hơn luật an ninh quốc gia mới của Anh để bảo vệ các công ty khởi nghiệp công nghệ của Anh khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc, sẽ xây dựng mới một liên minh quốc tế “kiểu NATO” để đối phó với các mối đe dọa mạng Internet từ Trung Quốc.

Ngài George Iain Duncan Smith (bị ĐCSTQ đưa vào danh sách chế tài) ủng hộ Ngoại trưởng đương nhiệm Truss. Ông nói, “Tuyên bố ‘cứng rắn với Trung Quốc’ của Sunak thật đáng ngạc nhiên”.

Bà Ngoại trưởng Truss thì khẳng định bà sẵn sàng đứng lên chống ĐCSTQ mạnh mẽ hơn so với cựu Thủ tướng.

Người phát ngôn của bà Truss nói rằng kể từ khi bà ấy trở thành Ngoại trưởng, bà ấy đã “củng cố lập trường của Vương quốc Anh đối với ĐCSTQ” và “giúp dẫn đầu phản ứng quốc tế trước sự hung hăng ngày càng tăng của ĐCSTQ”. Điều đó sẽ tiếp tục nếu bà ấy là thủ tướng.

Bộ trưởng Giáo dục James Cleverly nói với Times Radio rằng “đã từ rất lâu bà Truss luôn nói về những vấn đề đó của ĐCSTQ”.

Người phát ngôn cũng cho biết bà Truss đã thúc đẩy các dự án như nhà máy điện hạt nhân Sizewell C ở Suffolk không phụ thuộc vào nguồn lực từ Trung Quốc, đồng thời nói thêm rằng nếu bà là thủ tướng, bà sẽ tập trung vào việc giải quyết hành vi xâm lược của Nga.

Đội của Truss đã cung cấp một danh sách những gì bà ấy đã nói về những nỗ lực của ĐCSTQ nhằm gây ảnh hưởng đến các nước khác và “thực trạng cưỡng ép kinh tế” của họ.

Trong khi đó cựu Ngoại trưởng Jeremy Hunt ủng hộ Sunak nói với Sky News rằng ông tin rằng kế hoạch cấm các Viện Khổng Tử của Sunak là “đúng đắn” và các trường Đại học cần có “tự do ngôn luận hoàn toàn”.

Ông Sunak cũng cam kết sẽ xem xét tất cả các quan hệ đối tác nghiên cứu giữa Anh và Trung Quốc có thể giúp ĐCSTQ về mặt kỹ thuật hoặc có mục đích sử dụng quân sự, cũng như mở rộng phạm vi hoạt động của MI5 và hỗ trợ nhiều hơn cho các doanh nghiệp và trường Đại học của Anh để chống lại hoạt động gián điệp từ Trung Quốc.

Ông cho biết sẽ xem xét liệu có cần thiết phải chặn ĐCSTQ mua lại các tài sản quan trọng của Anh để giải quyết những lo ngại về quy mô đầu tư của ĐCSTQ vào các ngành công nghiệp chủ chốt hay không. Ông nói: “Tôi sẽ ngăn Trung Quốc (ĐCSTQ) tiếp quản các trường Đại học của chúng ta và cung cấp cho các công ty và tổ chức công của Anh quyền an ninh mạng mà họ cần. Tôi sẽ làm việc với Tổng thống Biden và các nhà lãnh đạo thế giới khác để thay đổi khả năng phục hồi của phương Tây trước mối nguy cơ từ ĐCSTQ”.

Sunak và Truss đang tranh giành sự ủng hộ của khoảng 160.000 thành viên Đảng Bảo thủ, những người sẽ bắt đầu bỏ phiếu vào đầu tháng Tám để chọn nhà lãnh đạo tiếp theo của họ. Với tư cách là lãnh đạo của đảng cầm quyền, người chiến thắng sẽ nghiễm nhiên trở thành Thủ tướng tiếp theo của Vương quốc Anh.

Người chiến thắng cuối cùng sẽ được công bố vào ngày 5/9 đúng thời điểm các nhà lập pháp trở về sau kỳ nghỉ hè của họ.

Cuộc tranh luận đầu tiên trên truyền hình vào thứ Hai giữa hai ứng viên được Đài BBC chủ trì.