Vào ngày 15/2/2021, tạp chí thời sự Knack của Bỉ đã thực hiện một cuộc phỏng vấn với bà Elke Van den Brande, giám đốc chi nhánh quốc gia Bỉ, Hà Lan và Luxembourg của Liên minh Quốc tế về Chấm dứt Lạm dụng Ghép tạng tại Trung Quốc (ETAC). Bài viết có tiêu đề “Thi thể của một người bị hại chết chẳng thể nào được trưng bày với lòng tôn kính” đã nêu bật những vấn đề bên trong các thi thể được trưng bày tại triển lãm thi thể người “Real Bodies” ở thành phố Antwerp, Bỉ. Trong cuộc phỏng vấn với Knack, bà Elke Van den Brande cũng thay mặt ETAC cảnh báo những người đến tham quan triển lãm thi thể người rằng “các thi thể nhựa hóa mà bạn thấy tại triển lãm Real Bodies ở nhà thi đấu Sportpaleis của Antwerp đến từ các tù nhân tại Trung Quốc, những người đã bị tra tấn và hành quyết”.

Tạp chí Bỉ phỏng vấn chuyên gia ETAC về triển lãm thi thể người
Bài báo trên Knack.be.

Triển lãm cơ thể người là các triển lãm sử dụng thi thể người thật, được bảo quản bằng công nghệ nhựa hóa do ông Gunther von Hagens sáng chế ra. Từ khi xuất hiện, các triển lãm thi thể người này đã gặp phải rất nhiều nghi ngờ về nguồn gốc của các thi thể do hầu hết các thi thể này đều đến từ Trung Quốc. Năm 2018, một triển lãm tương tự mang tên “Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người” (Mystery Of Human Body) đã bị đóng cửa tại Việt Nam do vấp phải ý kiến của công chúng, đồng thời có nhiều sai phạm về đạo đức và pháp luật. Cùng với Việt Nam, một số quốc gia và khu vực đã cấm các triển lãm này, như Hawaii, Pháp, Seattle và Israel. (Xem thêm: Nguồn gốc thi thể nhựa hóa: Hé mở từ hộp sọ bị đạn xuyên thủng)

Trien lam thi the nguoi Real Bodies 01
Triển lãm thi thể người Real Bodies tại (Ảnh: Marti Bug Catcher/Shutterstock, Royalty-free stock photo)

Khi được yêu cầu bình luận về nguồn gốc của các thi thể trong triển lãm, nhà tổ chức Real Bodies là Imagine Exhibitions đã đưa ra tuyên bố:

“Các mẫu vật là thi thể vô thừa nhận được hiến tặng cho các trường đại học y khoa ở Trung Quốc bởi các cơ quan chức năng thích hợp. Các bản sao được trưng bày tại triển lãm đã được hiến tặng hợp pháp. Những người này chưa bao giờ là tù nhân, không có dấu hiệu chấn thương hay thương tích, không mắc bệnh truyền nhiễm và đã chết vì các nguyên nhân tự nhiên.”

Dưới đây là phần trả lời của bà Elke Van den Brande liên quan đến vấn đề này được đăng tải trên Knack.be.

Tạp chí Bỉ phỏng vấn chuyên gia ETAC về triển lãm thi thể người
Bà Elke Van den Brande. (Ảnh: ETAC)

Tại sao bà nghi ngờ câu trả lời của ban tổ chức?

Có những dấu hiệu cho thấy các thi thể được sử dụng để làm mẫu vật không phải từ hiến tặng, cũng không phải từ các thi thể vô thừa nhận. Việc hiến tặng là rất hiếm ở Trung Quốc vì lý do văn hóa. Bác sĩ Gunther von Hagens (người phát minh ra kỹ thuật nhựa hóa) cho biết: “Ở Trung Quốc, được hiến tặng thi thể là điều bất khả thi”. Chỉ từ những năm 2010-2014, một dự án thí điểm về hiến tặng tình nguyện mới được triển khai. Ngoài ra, Quốc hội Vương quốc Anh gần đây đã kết luận rằng các thi thể trong triển lãm Real Bodies được trưng bày ở Birmingham vào năm 2018 “có thể đến từ các tù nhân bị hành quyết tại Trung Quốc”. Chủ đề được nêu ra trong bối cảnh Dự luật Thuốc và Thiết bị Y tế mới của Anh yêu cầu tất cả các mô và tế bào của con người được nhập khẩu vào Anh cho các mục đích y tế và khoa học phải có sự đồng ý của người hiến. (Xem bài: Anh chính thức ra luật chống đồng lõa với tội ác mổ cướp tạng của ĐCSTQ)

Có nên cấm triển lãm Real Bodies ở Bỉ, hay ít nhất là đưa ra một lời cảnh báo?

Ở New York vào năm 2008, một nhà tổ chức triển lãm tương tự là Premier Exhibitions đã bị Bộ trưởng Tư pháp bắt buộc phải dán một thông báo trước cổng vào rằng họ không thể xác minh một cách độc lập rằng các mẫu vật không có nguồn gốc từ các cá nhân bị giam giữ tại các nhà tù của Trung Quốc. Hơn nữa, chúng tôi thấy rằng sẽ phù hợp hơn nếu, lấy ví dụ, việc nhập khẩu các mô nhựa hóa được sản xuất tại các quốc gia có án tử hình nên bị cấm vì lý do đạo đức. Các cuộc triển lãm với mẫu vật từ Trung Quốc đang dần bị cấm, như trường hợp tại Pháp, Cộng hòa Séc, Israel, Hawaii và nhiều thành phố khác ở Mỹ.

Bà nghĩ gì về lập luận của các bác sĩ như Luc Beaucourt, Lieven Maesschalck và Pedro Brugada, những người ủng hộ triển lãm, rằng “khía cạnh giáo dục là vô cùng có giá trị” và rằng các thi thể được “trưng bày với lòng tôn kính”?

Thi thể của một người bị giết hại mà/hoặc không phải do hiến tặng, chẳng thể nào được trưng bày với lòng tôn kính. Giáo dục chỉ có thể có giá trị nếu nó không phạm pháp. Hơn bao giờ hết, các tài liệu giáo khoa cải tiến khác luôn có sẵn để học về giải phẫu và bệnh học, cho cả giáo dục và hiểu biết đại trà, mà không cần đến dạng thực tiễn đáng chỉ trích này. Chúng ta đã có mô phỏng kỹ thuật số.

Trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc đã bị cáo buộc sát hại các tù nhân lương tâm vô tội để bán nội tạng của họ cho cấy ghép. Quy mô thu hoạch nội tạng là như thế nào?

Cả hai ngành công nghiệp nhựa hóa và cấy ghép tạng đều phụ thuộc vào một nguồn cung lớn là ‘người hiến’. Việc cấy ghép nội tạng đòi hỏi sự tương thích giữa người nhận và người cho. Các nhà máy nhựa hóa cố gắng đáp ứng nhu cầu của các trường học, trường đại học và triển lãm trên toàn thế giới. Trong năm 2000-2001 ước tính có khoảng 500.000 đến 1.000.000 tù nhân Pháp Luân Công. Cảnh sát hỗ trợ cả hai ngành công nghiệp nhựa hóa và cấy ghép. Một số bằng chứng cho thấy có những cơ quan phục vụ cho cả hai mục đích. Ví dụ, một email được chặn và thu thập có nội dung: “Sáng nay, hai thi thể tươi mới, chất lượng hàng đầu đã đến nhà máy. Các lá gan chỉ mới được gỡ bỏ cách đây vài giờ”. Điều đáng chú ý là cũng có những thi thể được trưng bày bị thiếu gan và thận.

(Số liệu bổ sung thêm sau khi Knack công bố phỏng vấn: Bằng chứng về khối lượng cấy ghép ở Trung Quốc được công bố vào năm 2016 cho thấy Trung Quốc đang thực hiện 60.000-100.000 ca cấy ghép mỗi năm, trái ngược với con số nhỏ hơn nhiều 10.000-20.000 được báo cáo chính thức).

Năm 2015, Trung Quốc tuyên bố ngừng thu hoạch và buôn bán nội tạng bất hợp pháp. Điều đó có thật không?

Không. Trung Quốc đã công bố dữ liệu chính thức về cấy ghép nội tạng từ năm 2015, tuyên bố rằng tất cả nội tạng đều đến từ những người hiến tặng tự nguyện. Tuy nhiên, vào năm 2019, một phân tích thống kê chi tiết cho thấy dữ liệu bị làm sai lệch một cách có hệ thống. Kể từ năm 2006, các nhà nghiên cứu đã gọi điện đến các bệnh viện Trung Quốc và đóng vai một bệnh nhân cần nội tạng. Các bác sĩ thừa nhận rằng họ đã sử dụng người tập Pháp Luân Công làm nguồn nội tạng. Các cuộc điện thoại gần đây vào năm 2018 và 2019 cũng cho thấy nội tạng được cung cấp ngay lập tức và chúng đến từ những người trẻ khỏe mạnh. Giám đốc Bệnh viện Yên Đài Dục Hoàng Đính xác nhận vào năm 2017 rằng ông ta đã phớt lờ hệ thống phân phối nội tạng chính thức, thực hiện hàng trăm ca cấy ghép và có các kênh riêng để tìm nội tạng. Tòa án Trung Quốc, một tòa án nhân dân độc lập ở London, đã kết luận vào năm 2019 rằng việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng đã và đang diễn ra trên quy mô lớn khắp Trung Quốc trong nhiều năm cho đến ngày nay và người tập Pháp Luân Công có thể là nguồn nội tạng chính. (Xem bài: Tòa án: Trung Quốc thu hoạch nội tạng, phạm tội ác Chống lại loài người)

Có dấu hiệu nào cho thấy người Duy Ngô Nhĩ đang ở trong các ‘trại cải tạo’, là nạn nhân của nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng không?

Hiện có hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ bị nhốt trong các nhà tù và trại lao động của Trung Quốc. Họ buộc phải trải qua các cuộc kiểm tra y tế. Những cuộc kiểm tra này cho thấy các cơ sở này đang [tìm tạng phù hợp] chuẩn bị cho việc cấy ghép nội tạng và các cuộc kiểm tra đó chỉ được thực hiện đối với các tù nhân lương tâm.

Minh Nhật biên tập

Xem thêm: Bác sĩ tị nạn Duy Ngô Nhĩ: Phá thai, giết trẻ sơ sinh, cắt bỏ tử cung tại Tân Cương

Mời xem video: