Những số liệu thương mại cho thấy Nga vẫn nhận được các mặt hàng thiết yếu cho hoạt động quân sự —bất chấp hàng loạt các lệnh trừng phạt và cấm vận do chiến tranh ở Ukraine— nhờ các kênh cung ứng mà phương Tây không kiểm soát được, chủ yếu từ các công ty quốc phòng Trung Quốc, theo Tạp chí Phố Wall (WSJ) đưa tin 4/2.

shutterstock 634594754
Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Hàng Châu, 2016. (Ảnh: plavevski / Shutterstock)

Hồ sơ hải quan Nga, mà Tạp chí Phố Wall có được, chỉ ra rằng các thiết bị định vị, công nghệ gây nhiễu, và một số bộ phận của máy bay chiến đấu cùng một số thứ khác —các mặt hàng nằm trong danh sách cấm vận— đã được các công ty quốc phòng thuộc khối nhà nước của Trung Quốc cung cấp cho Nga.

Còn phải kể đến khoảng 84.000 lô hàng gồm các loại “lưỡng dụng” —tức là loại sản phẩm dùng cả trong dân sự và quân sự— mà Nga vẫn tiếp tục nhập khẩu trong khi chiến tranh ở Ukraine đã gần tròn 1 năm, trong đó hầu hết đến từ Trung Quốc, theo các con số của C4ADS. C4ADS được xem là tổ chức tư vấn về an ninh và chiến tranh, trụ sở tại Washington DC.

“Nga có đủ tiềm lực công nghệ để đảm bảo cho an ninh và chiến dịch quân sự đặc biệt. Và tiềm lực này này đang không ngừng được cải thiện,” phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố. “Chiến dịch quân sự đặc biệt” nghĩa là chiến tranh ở Ukraine theo cách gọi của truyền thông phe Nga.

Tuy nhiên, Tạp chí Phố Wall cho rằng Nga đúng là đã đầy đủ khả năng sản xuất các vũ khí và khí tài cơ bản phục vụ chiến tranh, nhưng họ vẫn phụ thuộc rất lớn vào nhập khẩu một số mặt hàng thiết yếu cho các vũ khí tối tân hơn, ví như một số bộ phận máy bay và công nghệ điện tử hoặc vi mạch.

Dự tính ban đầu, theo các quan chức phương Tây, các lệnh trừng phạt và cấm vận liên tiếp được đưa ra ngay sau khi chiến tranh Ukraine nổ ra, lẽ ra đã đủ đánh một đòn nặng vào cỗ máy chiến tranh của Moscow.

Nhưng các con số thương mại cho thấy đòn đánh này đã không đạt mục đích, khi các mặt hàng thiết yếu vẫn chảy đều vào Nga, chủ yếu là qua Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).

Các quan chức phương Tây đã cáo buộc các quốc gia này coi thường lệnh trừng phạt và cấm vận. Thổ Nhĩ Kỳ cho biết lệnh trừng phạt là vô hiệu, và Ankara cần đóng vai trò làm phe trung lập đối thoại với Nga. Tuy nhiên dưới áp lực sau đó của Hoa Kỳ, thì Thổ Nhĩ Kỳ đã tạm ngưng một số quan hệ tài chính và kinh doanh với Nga.

Trung Quốc bị Hoa Kỳ và các nước phương Tây nhiều lần yêu cầu tuân thủ các lệnh trừng phạt và cấm vận Nga. Một số công ty thuộc ngành công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc đã bị cáo buộc vi phạm các hạn chế này. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nói với Tạp chí Phố Wall rằng các cáo buộc đó “hoàn toàn là suy đoán và cố tình nghiêm trọng hóa vấn đề.”

Theo một nghĩa nào đó, Trung Quốc đã đặt bản thân mình vào vị trí liên minh gượng ép với Nga để chống lại vị thế bá chủ của Hoa Kỳ. Việc cung ứng vật tư sao cho Nga có thể duy trì cuộc chiến tranh đối đầu với Hoa Kỳ và các đồng minh phương Tây, khi Hoa Kỳ và các đồng minh đang đổ hàng chục tỷ đô la vào chiến trường Ukraine để đạt được mục đích của chính họ, thì Trung Quốc đang khiến quan hệ Mỹ-Trung ngày càng rạn nứt, theo bình luận của Tạp chí Phố Wall.

Video của Sky News: 2 chiến đấu cơ phản lực F-22 bay tới một cách điệu nghệ và chỉ cần 1 phát tên lửa (missile) đã bắn rụng khinh khí cầu do thám của Trung Quốc với kích thước gấp 3 một chiếc xe buýt đang bay ở tầm cao 60.000–65.000 feet (18.000—20.000 m) vào trưa thứ Bảy (4/2) ở bờ biển Nam Carolina. Dường như Không lực Hoa Kỳ đã chuẩn bị kỹ lưỡng để có được màn diễn ngoạn mục này. Các mảnh vỡ rơi xuống vùng biển khá cạn, đúng như dự định, và các tàu đã ra khơi để vớt chúng mang về điều tra. Trong video này, Elbridge Colby, một cựu quan chức của Lầu Năm Góc phân tích rằng mục đích của khinh khí cầu là Trung Quốc đang tìm cách “thăm dò phản ứng” của Hoa Kỳ, còn khả năng nó là “khinh khí cầu thời tiết” bay lạc đường chỉ dưới 1%.

 

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã hoãn vô thời hạn chuyến công du tới Bắc Kinh vốn đã diễn ra vào thứ Sáu (3/2), với lý do là khinh khí cầu của Trung Quốc đang do thám Hoa Kỳ. Mặc dù Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định rằng đó chỉ là khinh khí cầu thời tiết và không có ý nghĩa quân sự hay gián điệp.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mã Chiêu Húc cho biết rằng quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh ở mức thấp lịch sử. Trung Quốc và Nga đã tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác. Trong khi đó, Hoa Kỳ đã đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt bổ sung. Hôm thứ Tư (1/2) Hoa Kỳ đưa vào danh sách đen thêm gần hai chục cá nhân và tổ chức do bị cáo buộc giúp Nga có được công nghệ quân sự.

Thiên Đức