Do mâu thuẫn ngày càng gia tăng với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), hôm 15/12, Litva xác nhận rằng đã triệu hồi tất cả các quan chức ngoại giao còn lại tại Trung Quốc về nước. 

Embed from Getty Images

Bắc Kinh ép bức kinh tế đối với Litva khiến cộng đồng quốc tế phản cảm. Ảnh tư liệu. (Nguồn: Getty)

Bộ Ngoại giao Litva tuyên bố rằng Đại biện lâm thời Audra Ciapiene đã rời Trung Quốc và đại sứ quán của nước này tại Trung Quốc sẽ tạm thời tiến hành “hoạt động từ xa“. Đại sứ Diana Mickeviciene của Litva đã được triệu hồi về nước vào tháng 9.

Tờ Daily Telegraph tại Anh đưa tin, hôm thứ Tư, khi tìm kiếm Đại sứ quán Litva tại Bắc Kinh trên ứng dụng bản đồ Trung Quốc Baidu, đã không cho ra kết quả nào, cơ quan kiểm duyệt Internet của ĐCSTQ đã xóa vị trí của Đại sứ quán Litva.

Tờ Daily Telegraph dẫn một nguồn tin ngoại giao cho biết, 19 người bao gồm nhân viên Đại sứ quán Litva và người nhà của họ đã rời Bắc Kinh tới Paris. Một nguồn tin ngoại giao khác nắm rõ tình hình nói rằng họ rời đi vì bị ĐCSTQ “dọa nạt”.

Theo các nguồn tin quen thuộc với tình hình, kể từ khi ĐCSTQ hạ thấp địa vị ngoại giao của quan chức Litva tại Trung Quốc, các nhân viên của nước này tại đây đã lo lắng rằng họ sẽ không còn quyền miễn trừ ngoại giao và sẽ gặp rủi ro.

Hôm thứ Tư, Ngoại trưởng Anh chỉ trích ĐCSTQ gây áp lực lên các quan chức ngoại giao Litva. “Trung Quốc (ĐCSTQ) đã gây áp lực không thể chấp nhận được đối với các quan chức ngoại giao Litva tại Bắc Kinh,” Ngoại trưởng Anh Liz Truss cho biết trên Twitter.

ĐCSTQ đã tự ý bắt giữ các cựu quan chức ngoại giao của các quốc gia khác. Ví dụ, khi ĐCSTQ và Canada tranh chấp về vụ Mạnh Vãn Châu, nhà cựu ngoại giao Canada Michael Kovrig đã bị cơ quan an ninh quốc gia của ĐCSTQ bắt giữ.

Mâu thuẫn giữa Litva và ĐCSTQ bắt đầu vào tháng 7 năm nay. Khi đó, Litva quyết định cho phép Đài Loan mở đại sứ quán tại nước này với tên gọi “Đài Loan”. ĐCSTQ đã tức giận và triệu hồi đại sứ của mình tại Vilnius, đồng thời yêu cầu Litva triệu hồi đại sứ tại Trung Quốc, và tuyên bố hạ cấp quan hệ ngoại giao với Litva.

Bất chấp căng thẳng leo thang, Litva vẫn tiếp tục có kế hoạch cho phép Đài Loan mở văn phòng đại diện, do đó Bắc Kinh đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế và chặn toàn bộ hàng hóa xuất khẩu của Litva sang Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Litva xác nhận rằng Hải quan Trung Quốc đã chặn hàng xuất khẩu của nước này, và buộc các công ty nước thứ ba không được kinh doanh với Litva.

“Họ (ĐCSTQ) đã nói với các công ty đa quốc gia rằng nếu các công ty đó sử dụng các linh kiện và hàng hóa của Litva,  thì hàng hóa của họ (các công ty) sẽ không thể xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc hoặc nhận được nguồn cung cấp từ Trung Quốc nữa,” Thứ trưởng Ngoại giao Litva Mantas Adomenas nói với Reuters.

Ngày 9/12, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết, Mỹ ủng hộ hợp tác sâu hơn nữa giữa Litva và Đài Loan, bao gồm cả việc thành lập các văn phòng đại diện chung tại thủ đô của cả hai bên.

Sau khi Litva khiếu nại với EU về hành vi bắt nạt kinh tế của ĐCSTQ, vào ngày 8/12, EU đã đưa ra đề xuất trừng phạt “chống cưỡng bức” thương mại, yêu cầu rằng khi một nước thứ ba áp đặt bất kỳ loại áp lực chính trị và các biện pháp bắt nạt nào đối với bất kỳ thành viên EU nào, thì EU sẽ thực hiện các “biện pháp đáp trả“, bao gồm áp đặt thuế quan và hạn chế nhập khẩu từ các nước có liên quan.

Đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh, ông Josep Borrell và Phó chủ tịch điều hành EU, ông Valdis Dombrovskis, đã đưa ra một tuyên bố chung vào ngày 8/12, bày tỏ sự ủng hộ của EU đối với các quốc gia thành viên. “Quan hệ song phương giữa Trung Quốc (ĐCSTQ) và các nước thành viên EU sẽ có tác động đến toàn bộ mối quan hệ EU – Trung Quốc. “

Theo Lý Hoàn Vũ, Epoch Times

Xem thêm: