Một cuộc điều tra gần đây cho thấy Bắc Triều Tiên có thể đang buôn lậu than trực tiếp vào Trung Quốc. Theo nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, các quốc gia thành viên bị cấm nhập khẩu than của Bắc Triều Tiên, trong khi Trung Quốc là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an, do đó Chính phủ Trung Quốc (Đảng Cộng sản Trung Quốc) có khả năng vi phạm quy định này.

p2839971a895098453
(Ảnh minh họa: Pixabay)

Ngày 29/6, tờ Nikkei đưa tin đã thu được dữ liệu về khoảng 180 con tàu có quan hệ chặt chẽ với Bắc Triều Tiên từ 2 công ty thông tin tàu biển, đồng thời theo dõi hướng di chuyển của chúng trong 18 tháng từ tháng 1/2021 đến nay.

Cuộc điều tra cho thấy, trong thời gian này, có ít nhất 50 tàu nữa đã cập cảng Trung Quốc. Trong đó có 37 tàu đã ở lại cảng Long Khẩu (tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc) vài ngày, đồng thời truyền dữ liệu Hệ thống nhận dạng tàu tự động (AIS); ngoài ra, ít nhất 20 tàu đã cập cảng ở các tỉnh Liêu Ninh và Hà Bắc, những cảng này là nơi xử lý một lượng lớn than.

Tờ Nikkei đưa tin, ngày 8/8/2021, một tàu chở hàng đã cập bến chất đầy than tại cảng Nampo, Bắc Triều Tiên. Ba chuyên gia xác nhận rằng bố cục và đặc trưng của con tàu phù hợp với tàu “Tae Phyong 2” do Bắc Triều Tiên đăng ký. Dữ liệu AIS của con tàu này được sử dụng để điều tra các chuyển động tiếp theo của nó.

Vào ngày 9/8/2021, tín hiệu của con tàu được phát hiện ở Hoàng Hải gần Nanpo. Sau đó, nó di chuyển về phía tây đến khu vực ven biển của tỉnh Sơn Đông. Lúc 3:00 sáng ngày 13/8, con tàu này vào cảng Long Khẩu, tỉnh Sơn Đông và lưu lại đó cho đến ngày 26/8. Trong khoảng thời gian này, tín hiệu AIS cho thấy tàu vẫn ở bến nơi than thường được bốc dỡ, sau đó mới di chuyển sang bến lân cận.

Vào tháng 3/2022, ban chuyên gia của Ủy ban trừng phạt Bắc Triều Tiên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng đã đề cập đến các hoạt động của “Tae Phyong 2” ở Trung Quốc trong một báo cáo. Khi nhóm chuyên gia yêu cầu ĐCSTQ tiết lộ thông tin về con tàu, ĐCSTQ trả lời rằng “Tae Phyong 2” đã vào Cảng Yên Đài vào tháng 3 và 8/2021, và rời đi cùng với phân bón và các vật tư nông nghiệp khác trong cùng tháng.

Tuy nhiên, bức ảnh ngày 8/8/2021 do Nikkei thu được đã làm dấy lên nghi ngờ về câu trả lời của Bắc Kinh.

“Con tàu tiến đến cảng than Trung Quốc vào ngày hôm sau (9/8), vì vậy thật khó tưởng tượng được nó đã dỡ than của Bắc Triều Tiên xuống cảng đó”, một cựu thành viên ban hội thẩm Liên Hợp Quốc cho biết. “Có lý do để cho rằng con tàu này chuyển than đến Trung Quốc, sau đó chở một lô hàng hóa khác trên đường trở về.”

Báo cáo cho biết, các hoạt động đáng ngờ tương tự vẫn tiếp tục trong năm nay. Các tàu của Bắc Triều Tiên trước đó cũng đã từng cắt đường truyền AIS để nó không thể bị theo dõi và giao dịch vào ban đêm. Các nhà quan sát thường ghi nhận việc Bắc Triều Tiên sử dụng dịch vụ chuyển hàng từ tàu sang tàu để bỏ qua các kênh phân phối thông thường, nhưng giờ đây dường như họ không còn cố gắng che giấu hàng hóa vi phạm lệnh trừng phạt nữa.

Báo cáo của Nikkei cho biết: “Rất có thể Trung Quốc, 1 trong số 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an, có liên quan đến hoạt động buôn lậu. Điều này cho thấy các biện pháp trừng phạt mà Liên Hợp Quốc đưa ra nhằm ngăn chặn Bình Nhưỡng có được nguồn tài trợ cho nghiên cứu và phát triển tên lửa đã không được thực thi đầy đủ.”

Vào tháng 11/2016, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã hạn chế xuất khẩu than của Bắc Triều Tiên; vào ngày 5/8/2017, họ đã thông qua một nghị quyết cấm hoàn toàn việc xuất khẩu than của Bắc Triều Tiên để cắt nguồn ngoại hối quan trọng tài trợ cho chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa của Bình Nhưỡng. 

Năm 2021, bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau như công suất khai thác than trong nước, biến động điện gió và nhu cầu kinh tế tăng cao, Trung Quốc rơi vào tình thế khó khăn do thiếu than và điện trầm trọng.

Trong một bản tin hồi tháng 10/2021 của Đài Á Châu Tự Do (RFA) có nói, các công ty thương mại liên kết với các cơ quan đảng, chính phủ và quân đội của Bắc Triều Tiên thường xuyên buôn lậu than sang Trung Quốc thông qua trung chuyển trên vùng biển quốc tế. Để tránh bị vệ tinh Mỹ theo dõi, các tàu buôn lậu cần di chuyển trên biển trong đêm tối. Các nguồn tin nói với RFA rằng sở dĩ Bắc Triều Tiên đột ngột gia tăng hoạt động buôn lậu than vào Trung Quốc là do tình trạng thiếu than ở Trung Quốc vào thời điểm đó và nhu cầu tăng đột biến.

Trong một bản tin hồi tháng 2/2020, Kyodo News của Nhật Bản cho biết, từ tháng 1 đến tháng 8/2019, Bắc Triều Tiên đã xuất khẩu 3,7 triệu tấn than sang Trung Quốc bất chấp các nghị quyết trừng phạt của Liên Hợp Quốc. Trong đó hơn 70% được buôn lậu đến Trung Quốc thông qua phương thức chuyển hàng từ tàu sang tàu để vận chuyển.

Việc chuyển hàng hóa từ tàu sang tàu của Bắc Triều Tiên đã bị chỉ trích là một cách để trốn tránh các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Bắc Triều Tiên.