Theo báo cáo của The Telegraph, các nhà khoa học từ ít nhất 33 trường đại học ở Vương quốc Anh đã làm việc với các nhà nghiên cứu quân sự Trung Quốc về việc phát triển vũ khí hạt nhân.

Embed from Getty Images

Các học giả hàng đầu, bao gồm cả những nhà khoa học tại các trường đại học Cambridge, Edinburgh và Manchester, được cho là đã làm việc cùng với các nhà nghiên cứu tại cơ quan nghiên cứu vũ khí hạt nhân hàng đầu của Trung Quốc, Học viện Vật lý Kỹ thuật Trung Quốc (CAEP).

Theo The Telegraph, các học giả từ ít nhất 33 trường đại học ở Vương quốc Anh đã xuất bản các bài báo cùng với các nhà nghiên cứu Trung Quốc tại CAEP hoặc các công ty con của nó. Một số nhà khoa học Anh được cho là thậm chí đã nhận các vị trí tại tổ chức này của Trung Quốc.

CAEP và các tổ chức dưới quyền đều bị Mỹ đưa vào danh sách trừng phạt vì liên quan đến việc phát triển kho vũ khí hạt nhân và các công nghệ vũ khí tiên tiến của chế độ cộng sản. CAEP và các công ty con hiện chịu sự giám sát của Hội đồng Quân sự Trung ương Trung Quốc, do ông Tập Cận Bình làm chủ tịch.

Báo cáo khẳng định rằng người đóng thuế Anh trên thực tế có thể đang vô tình tài trợ cho các chương trình vũ khí của Bắc Kinh, vì nhiều dự án chung giữa các nhà nghiên cứu Anh và Trung Quốc đã tận dụng các khoản tài trợ của chính phủ Anh và các cơ sở do người đóng thuế tài trợ.

Việc này bao gồm việc sử dụng siêu máy tính quốc gia của Vương quốc Anh, được gọi là ARCHER, cũng như Nguồn sáng kim cương, một máy gia tốc hạt trị giá 260 triệu bảng Anh.

Báo cáo tuyên bố rằng các học giả tại Đại học Edinburgh, Đại học Queen Mary London và Đại học Cambridge đều gắn bó với phòng thí nghiệm CAEP để nghiên cứu “sóng xung kích và kích nổ trong vật lý”.

Viện Chính sách Chiến lược Úc cho biết bốn mục tiêu chính của CAEP là “vũ khí hạt nhân; nghiên cứu vi sóng và laser để đánh lửa nhiệt hạch và vũ khí năng lượng định hướng; nghiên cứu các công nghệ liên quan đến vũ khí thông thường; và làm sâu sắc thêm sự hợp nhất quân sự-dân sự.”

Nhóm nghiên cứu quốc phòng của Úc tuyên bố rằng CAEP đang tìm cách mở rộng “sự hiện diện quốc tế của mình để thu hút những nhân tài hàng đầu nhằm hỗ trợ Trung Quốc phát triển vũ khí hạt nhân”.

Các trường đại học đều nói rằng nghiên cứu của họ phù hợp với luật pháp của Vương quốc Anh và các dự án này không dùng cho quân sự.

Tuy nhiên, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Charles Parton cho biết: “Hợp tác với một viện phát triển vũ khí hạt nhân là một ý tưởng cực kỳ tồi tệ”.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Anh, Tom Tugendhat cho biết: “Một số trường đại học rõ ràng là không tìm hiểu đủ về đối tác của họ, khiến họ có thể bị buộc tội thông đồng với các quốc gia thù địch, vi phạm nhân quyền và phá hoại an ninh của Vương quốc Anh.”

“Rõ ràng họ cần nhận thức được trách nhiệm của mình, nhưng Chính phủ cũng có vai trò thiết yếu trong việc đảm bảo rằng họ nhận thức được những hậu quả phát sinh từ các mối quan hệ đối tác này”.

Các trường đại học của Anh đang bị giám sát ngày càng chặt chẽ về mối quan hệ của họ với Đảng Cộng sản Trung Quốc, với MI6 (Cục tình báo mật) được cho là đang điều tra “một số trường đại học danh tiếng nhất trong nước” vì có khả năng vi phạm luật an ninh quốc gia thông qua hợp tác của họ với các nhà phát triển vũ khí Trung Quốc.

Khoảng 200 học giả Anh cũng bị điều tra vì cáo buộc chia sẻ công nghệ quân sự với chế độ cộng sản.

Một trong những giáo sư có tên trong cuộc điều tra mới nhất là có liên quan đến CAEP là Giáo sư Simon Redfern, cựu trưởng khoa Khoa học Trái đất tại Đại học Cambridge, hiện đang ở tại Singapore.

Năm 2016, ông Redfern đảm nhận vai trò giáo sư thỉnh giảng với công ty con của CAEP có tên là “HPSTAR”, tiếp tục xuất bản 15 bài báo với các nhà nghiên cứu Trung Quốc, trong khi ông vẫn đang phục vụ cho hai cơ quan khoa học của chính phủ Anh và nhận tài trợ công cho công việc của mình.

Giáo sư Redfern cũng được trao giải thưởng từ kế hoạch “Nghìn nhân tài” của Trung Quốc, một chương trình gắn liền với việc đánh cắp các công nghệ nhạy cảm trên khắp thế giới, đặc biệt là ở Mỹ.

Tại Mỹ, năm ngoái, cựu Giáo sư Harvard Charles Lieber đã bị truy tố vì không tiết lộ mối quan hệ tài chính của mình với Đại học Công nghệ Vũ Hán, thuộc một phần của kế hoạch “Nghìn nhân tài”.

Tác giả của báo cáo từ Civitas về mối quan hệ giữa các trường đại học Anh và nhà nước Trung Quốc, Radomir Tylecote, đã mô tả những phát hiện mới nhất là một “vụ bê bối quốc gia lớn” và tiếp tục kêu gọi chính phủ Anh lập một danh sách trừng phạt kiểu Mỹ để ngăn quan hệ đối tác tiếp tục trong tương lai.

Lê Vy (theo Telegraph)

Xem thêm: