Tiểu bang Texas đã chính thức thông qua một nghị quyết lên án chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) giết chết các tù nhân lương tâm để mổ cướp nội tạng của họ một cách có hệ thống. 

diễu hành phản mổ cướp nội tạng học viên Pháp Luân công
Diễu hành phản đối mổ cướp nội tạng học viên Pháp Luân công (Ảnh Minghui.org)

Mỗi năm, hàng nghìn người đang bị bệnh hiểm nghèo từ khắp nơi trên thế giới sẽ mua vé máy bay đến Trung Quốc, và tại đây họ có thể được tiến hành phẫu thuật cấy ghép nội tạng chỉ trong vòng 2 tuần.

Nghị quyết được đưa ra nhằm mục đích cảnh báo người dân Texas không nên tham gia vào hoạt động du lịch ghép tạng. Nghị quyết nêu rõ, khi làm như vậy, họ có thể “vô tình tham gia vào tội giết người dưới hình thức cưỡng bức thu hoạch nội tạng”

Có tên là TX SCR3, bản nghị quyết cũng thúc giục Quốc hội và tổng thống Mỹ áp dụng các biện pháp truy tố những người chịu trách nhiệm về hành vi đàn áp nhân quyền, cấm họ nhập cảnh vào Mỹ, cũng như cấm các công ty y tế và dược phẩm của Hoa Kỳ hợp tác với bất kỳ đối tác nào đồng lõa với Trung Quốc.

Nghị quyết đã được lưỡng viện của cơ quan lập pháp tiểu bang nhất trí thông qua. Thống đốc Texa Greg Abbott cũng đã ký thông qua nghị quyết này vào ngày 7/6.

Dân biểu Texas Matt Shaheen, cũng là nhà bảo trợ chính của dự luật nói với Đài truyền hình NTD: “[Nghị quyết truyền tải] một thông điệp quan trọng thay mặt cho 29 triệu người dân Texas, rằng chúng tôi lên án hành vi của chính phủ Trung Quốc và nạn buôn người của họ ở mức cao nhất.”

Ông cho biết thêm: “Số tiền thuế của 29 triệu người dân Texas sẽ không bao giờ được dùng để hỗ trợ cho hành vi tàn bạo và vi phạm nhân quyền khủng khiếp như vậy.”

Lần đầu tiên Dân biểu Shaheen biết đến vấn nạn này này vào khoảng 3 năm trước, khi các học viên Pháp Luân Công – nạn nhân chính bị cưỡng bức mổ cướp nội tạng ở Trung Quốc – đến gặp ông đề nghị giúp đỡ. Ông cho hay, một số người trong số họ đã không còn nghe được tin tức gì từ các thành viên gia đình bị giam giữ của họ trong nhiều năm qua.

“[Đó là] những cuộc gặp gỡ mà tôi sẽ không bao giờ quên.” Ông nói thêm rằng, ông cảm thấy “kinh hoàng” khi được nghe về “những gì chính quyền Trung Quốc đang làm”.

Môn tu luyện thiền tịnh Pháp Luân Công đã được phổ biến rộng rãi ở Trung Quốc trong những năm 1990. Theo ước tính của nhà nước Trung Quốc, có khoảng từ 70 triệu đến 100 triệu người đã tu luyện pháp môn này vào năm 1999. Đến tháng 7/1999, chính quyền Trung Quốc, do Giang Trạch Dân lãnh đạo lúc bấy giờ tin rằng quyền lực của mình đang bị đe dọa bởi sự phổ biến của Pháp Luân Công. Tho đó, ĐCSTQ đã phát động một chiến dịch đàn áp trên toàn quốc nhằm tiêu diệt pháp môn này. Do đó, các học viên Pháp Luân Công đã phải đối mặt với sự sách nhiễu của cảnh sát, bị giam giữ, bị tra tấn thể xác và bị mổ cướp nội tạng.

Dân biểu Shaheen đã viết thư cho Đại sứ quán Trung Quốc ở Washington để yêu cầu thông tin về nơi ở của những thành viên đang bị giam giữ trong gia đình các học viên Pháp Luân Công tại Texas, nhưng chưa từng nhận được phản hồi.

Tiến sĩ Howard Monsour, một bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa ở Granbury có hàng chục năm kinh nghiệm trong lĩnh vực ghép gan, đã làm chứng trước Thượng viện bang Texas về nghị quyết này. Ông Monsour cho biết, đây là “một khởi đầu rất quan trọng” trong quá trình làm sáng tỏ vấn đề mổ cướp nội tạng và “nhiều vụ việc đàn áp khác”.

Tiến sĩ Monsour nói với NTD hồi cuối tháng Tư: “Tôi không nghĩ rằng các bạn có thể gặp bất kỳ ai trong số những người đã bị tra tấn, bị cầm tù ở Trung Quốc, mà lại không xuất hiện cảm giác rằng vi phạm nhân quyền đã diễn ra và cần phải ra ngoài công bố thông tin này với công chúng.”

Ông Monsour nhận định, hoạt động mổ cướp nội tạng của chính quyền ĐCSTQ là “ngoài sức tưởng tượng”.

Ông nói: “Đây là điều [khiến chúng ta] quay lại thời Đức Quốc xã, giống như những điều họ đã làm với người Do Thái, và câu chuyện cần phải được nói rõ. Chúng ta cần phải giải quyết vấn đề này, và chúng ta cần phải chấm dứt hoạt động này.”

Khoảng mười năm trước, Tiến sĩ Monsour từng là giám đốc của một chương trình ung thư gan và đã gặp một bệnh nhân là một cư dân Texas. Tình trạng của bệnh nhân này đã trở nên quá nghiêm trọng và khó lòng được điều trị bằng cách phẫu thuật ghép gan. Cho dù một số bệnh viện khác cũng đưa ra lời khuyên tương tự, nhưng người đàn ông này vẫn bay sang Trung Quốc để cấy ghép lá gan với giá 88.000 USD. Tuy nhiên, chỉ 8 tháng sau đó, người bệnh nhân đó đã qua đời khi căn bệnh ung thư di căn.

Ông Monsour nhận xét: “Tất cả chúng ta đều muốn nhìn nhận mình là những người có đạo đức. Nhưng khi đối mặt với cái chết, các bạn biết đấy, chúng ta sẽ thử bất cứ điều gì. Chúng ta thực sự phải bảo vệ người dân của mình không đi quá xa và làm điều này.”

Năm ngoái, vị tiến sĩ đã trò chuyện với nhiều chuyên gia y tế về vấn đề này và nhiều người không thể tin được, cảm thấy “giống như một bộ phim kinh dị“. Ông nói: “Ánh mắt của mọi người — họ không thể tin được. Thậ khó để khiến mọi người tin vào điều này, bởi vì nó nghe quá kinh khủng”.

Tại phiên điều trần của Thượng viện tiểu bang, một người sống sót sau cuộc đàn áp cho biết, có một đêm anh đã thấy một chiếc xe cấp cứu đến nhà tù mà anh đang bị giam giữ. Các tù nhân nằm trên giường, phải quay mặt vào tường, chờ được gọi đến tên mình. Có 3 người đã bị đưa ra khỏi phòng giam của anh ấy vào đêm hôm đó và không bao giờ trở lại.

Tiến sĩ Monsour hy vọng rằng nghị quyết mới của Texas sẽ giúp truyền rộng thông điệp về cuộc bức hại này. Ông kết luận: “Tôi không nghĩ rằng các bạn sẽ thấy bất kỳ người Mỹ nào — vốn tin vào tự do — sẽ không ủng hộ việc ngăn chặn những gì đang diễn ra ở Trung Quốc vào thời điểm này.”

Minh Ngọc (Theo The Epoch Times)

Xem thêm: