Một lãnh đạo doanh nghiệp Anh cho biết, một lượng lớn các công ty Anh đang cố gắng cắt đứt quan hệ với Trung Quốc và tách khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sau khi căng thẳng chính trị và an ninh giữa Bắc Kinh và các nước phương Tây gia tăng.

shutterstock 2160994709
(Ảnh minh họa: humphery/ SHutterstock)

Theo báo cáo của Financial Times, người đứng đầu Phòng Thương mại và Công nghiệp Anh (CBI) tiết lộ, hàng ngàn công ty Anh đang cố gắng cắt đứt quan hệ kinh tế với Trung Quốc.

Ông Tony Danker, Tổng giám đốc của CBI, cho biết ngành công nghiệp dự đoán mối quan hệ giữa Bắc Kinh và phương Tây sẽ xấu đi, và các công ty Anh đang tăng tốc nỗ lực chuyển hoạt động kinh doanh từ Trung Quốc sang các nước khác.

Ông nói: “Mọi công ty tôi nói chuyện hiện đều đang xem xét lại chuỗi cung ứng của họ.” “Vì họ dự đoán các chính trị gia của chúng ta chắc chắn sẽ tăng tốc hướng tới một thế giới tách rời khỏi Trung Quốc.”

Ông Danker nói rằng nếu phương Tây cắt đứt quan hệ với Trung Quốc, Vương quốc Anh sẽ cần tìm các đối tác thương mại mới, và tái gắn kết với các đối tác cũ, chẳng hạn như các nước EU. “Nếu các chuyên gia chính trị và an ninh đúng, tất cả chúng ta cần phải trở thành bạn tốt của nhau”, ông nói.

Hiện tại, 2 ứng cử viên Thủ tướng, gồm Ngoại trưởng Anh Liz Truss và cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak, đang cạnh tranh để thể hiện lập trường cứng rắn đối với ĐCSTQ, cho thấy thái độ của Vương quốc Anh với ĐCSTQ đang thay đổi đáng kể.

Ông Danker cho biết, công ty Anh cũng đang cơ cấu lại chuỗi cung ứng của họ, chuẩn bị cho tình cảm chính trị chống ĐCSTQ ngày càng cứng rắn.

Ông cảnh báo việc loại bỏ Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng doanh nghiệp có thể dẫn đến lạm phát. Tuy nhiên, nó sẽ “xác định lại chiến lược thương mại của Vương quốc Anh”. “Đây không phải vấn đề chúng ta sẽ bán cho ai, mà là chúng ta mua hàng từ đâu”, ông nói.

Trên thực tế, nhiều công ty phương Tây đang cố gắng cắt đứt quan hệ với Trung Quốc. Các nhà đầu tư toàn cầu cũng bắt đầu ngần ngại đầu tư vào nước này vì rủi ro địa chính trị gia tăng.

Thứ Năm (28/7), ông Carlos Tavares, giám đốc điều hành của Stellantis NV, cho biết tập đoàn này đã đóng cửa nhà máy sản xuất xe jeep duy nhất của mình ở Trung Quốc. Vì các quan chức chính quyền địa phương ngày càng can dự nhiều hơn vào thị trường ô tô Trung Quốc.

Ông Tavares cho biết quyết định này được đưa ra vì lo ngại căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và các nước trên thế giới có thể dẫn đến các lệnh trừng phạt kinh tế.

“Trong vài năm qua, chúng tôi nhận thấy ngày càng nhiều sự can thiệp chính trị vào môi trường kinh doanh ở Trung Quốc Đại Lục.” “Chúng tôi không muốn trở thành nạn nhân của các lệnh trừng phạt kinh tế do 2 quốc gia thù địch áp đặt lên nhau, như các công ty khác gần đây tại các nơi khác trên thế giới,” ông nói.

Theo công ty dữ liệu đầu tư Preqin có trụ sở tại London, trong nửa đầu năm nay, chỉ có chưa đến 5 tỷ USD chảy vào các quỹ đầu tư tư nhân và đầu tư mạo hiểm tập trung vào Trung Quốc, giảm 94% so với 1 năm trước, và là con số nhỏ nhất trong nửa năm kể từ năm 2009. Điều này cho thấy các nhà đầu tư toàn cầu đã trở nên thận trọng hơn đối với thị trường Trung Quốc.

Theo Nikkei Asian Review, KPMG cho biết trong một báo cáo rằng nguồn vốn đầu tư mạo hiểm (VC) ở Trung Quốc đã giảm xuống 9,1 tỷ USD trong quý thứ II, giảm một nửa so với 18,1 tỷ USD trong quý trước đó, và giảm xuống mức thấp nhất kể từ quý 4/2014.

(KPMG là một mạng lưới các công ty ở 154 quốc gia trên thế giới, với hơn 200.000 nhân viên. KPMG cung cấp 3 dịch vụ chuyên nghiệp độc lập, gồm dịch vụ kiểm toán, thuế và tư vấn.)

Theo xu hướng chung trên toàn thế giới, từ Hollywood đến ngành sản xuất và các công ty Internet, ngày càng nhiều công ty Mỹ đang hoặc đã tách khỏi Trung Quốc. Họ bắt đầu ngày càng tin tưởng rằng “không có Trung Quốc cũng có thể thành công”.

Nhà sản xuất phim Hollywood, ông Chris Fenton, từng nói với VOA: “Thị trường Trung Quốc đang đóng cửa đối với tất cả các công ty không phải của Trung Quốc … Hoặc chúng tôi rời khỏi Trung Quốc trước, hoặc Bắc Kinh sẽ làm điều đó với chúng tôi.”

Bình Minh (t/h)