Cựu Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu đến Thượng Hải vào chiều ngày 27/3 và được quan chức cấp thấp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tiếp đón. Ngoài ra, bất chấp ông Mã Anh Cửu là cựu Tổng thống Đài Loan đầu tiên đến thăm Đại Lục trong 74 năm kể từ khi hai bờ eo biển chia cắt, thế nhưng hoạt động đưa tin của ĐCSTQ không nêu chức danh gì, cho thấy thái độ coi thường rõ ràng.

p3306301a447544555
Chiều ngày 27/3, cựu Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu đã đến sân bay Phố Đông – Thượng Hải, chỉ được quan chức cấp phó của Văn phòng Vấn đề Đài Loan ra đón. (Ảnh: CNA Đài Loan)

Theo Thông tấn xã Đài Loan (CNA), hành trình chuyến thăm Trung Quốc lần này của ông Mã Anh Cửu là để cúng tổ tiên và giao lưu. Đoàn đến ngày 27/3 và trở về Đài Loan ngày 7/4. Trình tự chuyến đi gồm Nam Kinh, Vũ Hán, Hồ Nam, Trùng Khánh, Thượng Hải… Về việc liệu ông có gặp quan chức cấp cao ĐCSTQ hay không, người đại diện của ông Mã Anh Cửu chỉ trả lời lấp lửng không rõ ràng.

Liên quan đến chuyến thăm của ông Mã Anh Cửu, CCTV của ĐCSTQ đã đưa tin vào buổi chiều cùng ngày 27/3: “Chiều nay, ông Mã Anh Cửu đến Thượng Hải và đến Nam Kinh. Đón ông Mã tại sân bay có người phụ trách liên quan của Văn phòng Vấn đề Đài Loan và thành phố Thượng Hải”. Thông tin cho thấy ngoài việc không đề cập đến chức danh vị trí xã hội của ông Mã Anh Cửu, người đại diện đến đón ông tại sân bay cũng chỉ là quan chức cấp phó – Phó Chủ nhiệm Trần Nguyên Phong của Văn phòng Vấn đề Đài Loan.

Cách tiếp đón và đưa tin về ông Mã Anh Cửu

Trong một cuộc phỏng vấn với CNA, Giáo sư Phạm Thế Bình (Shih-Ping Fan) Khoa Đông Á tại Đại học Sư phạm Đài Loan cho biết, hồi năm 2005 khi cựu Phó Tổng thống Đài Loan Liên Chấn đến thăm Trung Quốc thì người tiếp đón tại sân bay là Chủ nhiệm Trần Vân Lâm của Văn phòng Vấn đề Đài Loan. Ngày nay, ông Mã Anh Cửu tuy không còn chức vụ nhưng dù gì cũng là cựu nguyên thủ, vậy mà người tiếp chỉ là chức Phó Chủ nhiệm, điều này cho thấy rõ thái độ xem nhẹ của ĐCSTQ.

Giáo sư Phạm Thế Bình chỉ ra rằng Văn phòng Mã Anh Cửu nên tuân thủ nguyên tắc công khai và minh bạch, nói rõ những người mà ông Mã gặp trong chuyến đi này, tránh khiến tình trạng thông tin mù mờ, nên giải thích công khai cho công chúng một cách kịp thời làm sáng tỏ để tránh nghi ngờ.

Theo thông tin, đối với hoạt động thông tin cho chuyến đi này của ông Mã Anh Cửu, thì ĐCSTQ chỉ mở cho các phương tiện truyền thông Đài Loan ở Bắc Kinh đưa tin. Các phương tiện truyền thông được phái đi đưa tin bao gồm CNA, UDN, Dongsen, TVBS, China Times, và CTV. Tuy nhiên, vào tối ngày 27/3 bất ngờ có biến cố chiếc xe buýt chở phóng viên Đài Loan bị lạc ở Thượng Hải làm lỡ chuyến tàu cao tốc đến Nam Kinh với ông Mã Anh Cửu.

ĐCSTQ coi thường Quốc Dân Đảng

Tiến sĩ Clark Aoqi Wu về khoa học chính trị tại Đại học Công giáo Mỹ nói: “Dù cố ý hay không, chí ít chúng ta nhìn bề ngoài có thể thấy (quá trình tiếp đón ông Mã Anh Cửu) tương đối thô thiển, không đúng quy cách đãi ngộ tương xứng. Thực tế cho thấy, có thể ĐCSTQ không xem trọng Quốc Dân Đảng. Trước đây ĐCSTQ lôi kéo Quốc Dân Đảng một mặt là khiến Quốc Dân Đảng có thể thể hiện tốt trong cuộc bầu cử vào cuối năm ngoái, mặt khác là sử dụng một số đảng viên Quốc Dân Đảng để gây chia rẽ xã hội Đài Loan, dưới con mắt của ĐCSTQ là khá hiệu quả để kiểm soát dư luận trong nước và chia rẽ xã hội Đài Loan”.

Tiến sĩ Clark Aoqi Wu nói rằng cuộc chiến tuyên truyền của ĐCSTQ hiện nay do giới dư luận viên kiểm soát, nhìn chung cho thấy coi thường Quốc Dân Đảng: “Dư luận viên ĐCSTQ theo tâm lý dân tộc chủ nghĩa và chủ nghĩa đế quốc hơn, họ cảm thấy rằng Quốc Dân Đảng đến để cầu xin, chỉ là những kẻ phụ thuộc. Tình hình tiếp đón như trường hợp trước đây ông Liên Chiến có lẽ bây giờ khó còn thấy được”.

Chủ đề “Mã Anh Cửu đến thăm Trung Quốc Đại Lục” đã trở thành chủ đề nóng trên Weibo, tính đến sáng sớm ngày 28/3 đã có hơn 110 triệu người xem, nhưng cũng có rất nhiều bình luận tiêu cực.

Luật sư nhân quyền Trung Quốc nhập cư vào Mỹ, ông Trần Kiến Cương (Chen Jiangang) cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Đài RFA, rằng trước đây ông có ấn tượng rất tốt về ông Mã Anh Cửu, vấn đề tôn trọng Mã Anh Cửu là một hiện tượng hơn 10 năm trước trong giới trí thức tự do Trung Quốc.

Ông Trần Kiến Cương nói: “Vì mục đích của Mặt trận Thống nhất, trước đây ĐCSTQ đã có những tin tích cực về ông Mã Anh Cửu, nói rằng ông ta trong sạch và trung thực. Tại sao khi đó người dân Trung Quốc lại thích Mã Anh Cửu đến vậy? Nguyên nhân vì so với thực trạng hủ bại của quan trường ĐCSTQ khi đó, thì rõ ràng ông Mã Anh Cửu như tia sáng”.

Nhưng bây giờ, ông Trần Kiến Cương bày tỏ sự thất vọng về chuyến thăm của Mã Anh Cửu: “Tình hình Quốc Dân Đảng trong những năm qua ngày càng tệ hơn, họ không những không ở trong tình trạng đối đầu và cạnh tranh với ĐCSTQ, mà còn hoàn toàn quỳ gối cầu hòa, hướng vào cầu xin lợi ích”.

Chiến lược mặt trận thống nhất chống Đài Loan

Kể từ Đại hội 20 của ĐCSTQ vào năm 2022, đã lần lượt có các phái đoàn của Quốc Dân Đảng và Đài Loan đến thăm Trung Quốc, chẳng hạn như cựu Chủ tịch Quốc Dân Đảng Hồng Tú Trụ (Hung Hsiu-chu) thăm vào cuối năm ngoái; vào tháng 2/2023 có đoàn gồm  Phó Chủ tịch Quốc Dân Đảng Hạ Lập Ngôn, Thị trưởng Trần Phúc Hải của quận Kim Môn, nhà lập pháp Trần Ngọc Trân, đoàn thành phố Cao Hùng và trụ trì chùa Phật Quang…

Giáo sư Trần Phương Ngung (Fang-Yu Chen) tại Khoa Khoa học Chính trị – Đại học Soochow Đài Loan, cho biết: “Kể từ tháng 2 đã có hơn chục phái đoàn, tất cả đều là một phần trong trò chơi ghép hình của ĐCSTQ. Từ sau Đại hội 20, ĐCSTQ thúc đẩy cái gọi là ‘thống nhất hiệp thương dân chủ’ để thúc đẩy sự thống nhất những người thuộc mọi tầng lớp xã hội trong giới kinh doanh, chính trị và tôn giáo của Đài Loan”.

Theo phân tích của Giáo sư Trần, một mặt ĐCSTQ lôi kéo các nước đồng minh của Đài Loan; mặt khác chuẩn bị cho một cuộc chiến có thể xảy ra trên eo biển Đài Loan; ngoài ra còn tìm cách thu phục những người Đài Loan sẵn sàng tin vào “tham vấn dân chủ và thống nhất hòa bình”.