Hàng nghìn người dân Thái Lan hôm thứ Bảy (14/12) đã xuống đường tại thủ đô Bangkok để biểu tình phản đối chính quyền thân quân đội của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha đang thúc đẩy ra lệnh cấm một đảng đối lập nổi bật. 

Embed from Getty Images

Theo hãng tin DW (Đức), cuộc tập trung diễn ra hôm 14/12 được cho là màn biểu tình lớn nhất tại thủ đô Thái Lan kể từ cuộc đảo chính quân sự năm 2014.

Cuộc biểu tình này do ông Thanathorn Juangroongruangkit – lãnh đạo Đảng Tương lai Phía trước kêu gọi và tổ chức. Ông Thanathorn, 41 tuổi, đang là người phản đối mạnh mẽ chính phủ của ông Prayuth Chan-ocha, một cựu tướng lĩnh quân đội.

Các nhà chức trách Thái Lan gần đây đã yêu cầu Tòa án Hiến pháp nước này giải thể Đảng Tương lai Tiến bước. Chính quyền của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha cáo buộc Đảng Tương lai Tiến bước nhận nhiều triệu USD tiền của ông Thanathorn cho vay – một tỷ phú ngành truyền thông.

Tháng trước, Tòa án Hiến pháp đã loại bỏ tư cách thành viên quốc hội của ông Thanathorn với cáo buộc rằng ông đã nắm giữ cổ phần của một công ty truyền thông trong ngày ông đăng ký ứng viên cho cuộc bầu cử hồi tháng Ba.

Ông Thanathorn và phe đối lập tuyên bố cuộc bầu cử tháng Ba đã bị thao túng để tạo thuận lợi cho các đảng ủng hộ quân đội.

Phát biểu với người biểu tình tại một trung tâm mua sắm ở Bangkok hôm 14/12, ông Thanathorn nói: “Đây chỉ là sự khởi đầu. Hôm nay là màn biểu dương sức mạnh để, trong tương lai, những người khác có thể tham gia cùng chúng ta. Chúng ta chỉ ở đây hôm nay để chạy thử. [Ông] Prayuth, đừng sợ. Điều thực sự là vào tháng tới.” Người biểu tình hô vang khẩu hiệu: “Dân chủ muôn năm, loại bỏ độc tài.

Trong số những đảng ủng hộ cuộc biểu tình tại Bangkok hôm 14/12 có Đảng Vì nước Thái (Pheu Thai). Đây là đảng giành nhiều ghế nhất tại Hạ viện Thái Lan 500 thành viên sau cuộc bầu cử tháng Ba.

>>Bầu cử quốc hội Thái Lan: Đảng thân quân đội dẫn đầu

Trong khi đó, Đảng Palang Pracharat, đảng ủng hộ quân đội mới được các thành viên nội các chính phủ quân đội thành lập năm ngoái, hôm thứ Sáu (13/12) tuyên bố với các phóng viên rằng việc tổ chức biểu tình trước thời điểm cuối năm là không phù hợp.

Đảng Palang Pracharat của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha dù không giành được đa số ghế tại Hạ viện như Đảng vì Nước Thái, nhưng vẫn có quyền thành lập chính phủ. Đảng Palang Pracharat nhận được sự ủng hộ của toàn bộ 250 thượng nghị sĩ trung thành với quân đội. Thủ tướng Thái do Hạ viện và Thượng viện cùng bầu ra.

Ngoại giới cho rằng các tướng lĩnh quân đội Thái Lan đang tiếp tục thao túng chính trị nước này, kiểm soát ủy ban bầu cử và gây ảnh hưởng lên các quyết định của tòa án.

Trước khi tổ chức biểu tình hôm 14/12, ông Thanathorn đã ký thỏa thuận với 6 đảng khác trong liên minh đối lập để phản đối những thay đổi hiến pháp do chính quyền quân sự thúc đẩy trước cuộc bầu cử.

Phe đối lập cáo buộc hệ thống bầu cử do chính quyền quân sự sửa đổi nhằm ủng hộ các đảng thân quân đội và đặc biệt là để ngăn chặn Đảng vì nước Thái trở lại nắm giữ quyền lực chính trị.

Như Ngọc