Tòa án Tối cao Thái Lan hôm thứ Tư (27/9) đã ra phán quyết kết án vắng mặt cựu nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra 5 năm tù giam vì tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Bà Yingluck vẫn nhận được sử ủng hộ của đông đảo người dân vùng nông thôn Thái Lan. 

BBC cho hay trong bản tuyên án cuối cùng, Tòa án Tối cao đã kết tội bà Yingluck đã xử lý sai lầm trong chương trình trợ cấp gạo, khiến cho chính phủ Thái Lan thiệt hại ít nhất 8 tỷ USD.

Bà Yingluck đắc cử Thủ tướng Thái Lan năm 2011, sau đó bị quân đội lật đổ vào năm 2014 và bị luận tội tham nhũng, nhưng bà đã phủ nhận tất cả các cáo buộc. Cựu nữ Thủ tướng được cho là đã trốn chạy sang Dubai, Vương Quốc Ả-rập Thống nhất trước phiên tòa tuyên án cuối cùng dự kiến diễn ra cuối tháng 8 vừa qua.

Tòa án tối cao lập luận rằng bà Yingluck đã biết về các hợp đồng gạo trong chương trình trợ giá bị giả mạo nhưng không làm gì để ngăn chặn nó.

Tuyên bố của Tòa nói rằng: “Bị can đã biết rằng hợp đồng gạo là bất hợp pháp, nhưng đã không ngăn chặn nó. Đó là một cách để tìm kiếm lợi ích bất hợp pháp. Vì vậy, hành động của bị can được coi là thiếu trách nhiệm”.

Trong suốt vụ án này, Bà Yingluck đã phủ nhận mọi cáo buộc và tội trạng, khẳng định bà đang là nạn nhân của hành vi đàn áp chính trị.

Thực tế, công chúng Thái Lan đang có chia rẽ lớn trong cách nhìn nhận về cựu nữ Thủ tướng. Bà Yingluck vẫn đang nhận được sự ủng hộ đông đảo từ các cử tri ở vùng nông thôn và người nghèo.

Đề án gạo của bà Yingluck là gì?

Đề án gạo là một phần quan trong chiến dịch tranh cử của bà Yingluck Shinawatra. Do đó, chương trình này đã được tiến hành ngay sau khi bà Yingluck nhậm chức Thủ tướng vào năm 2011.

Trọng tâm của đề án là việc chính phủ trả cho người nông dân giá gần gấp đôi thị trường để giảm nghèo ở vùng nông thôn.

Chính phủ quân đội Thái Lan sau khi lật đổ bà Yingluck năm 2014 đã cáo buộc rằng đề án gạo của bà đã gây tổn hại lớn cho ngành xuất khẩu gạo của đất nước, với giá trị thiệt hại ít nhất 8 tỷ USD.

Những đối thủ của cựu nữ Thủ tướng cho rằng mặc dù được sự ủng hộ của cử tri nông thôn, nhưng đề án gạo này là quá đắt đỏ và mở cửa cho tham nhũng.

Bà Yingluck hiện đang ở đâu?

Bà Yingluck được cho rằng đang ở Dubai cùng với người anh trai nổi tiếng của bà, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra – vốn đã sống lưu vong tại đây từ năm 2008 để tránh bản án cáo buộc ông tham nhũng.

Các nhà phê bình cho rằng bà Yingluck bước chân vào con đường chính trị chỉ sau khi anh trai bà bị kết án và bà được coi là cánh tay nối dài của ông Thaksin để chi phối đời sống chính trị Thái Lan.

BBC cho biết cả hai anh em nhà Shinawatra đều duy trì được uy tín trong cộng đồng người nghèo ở nông thôn, nhưng họ lại bị phản đối bởi tầng lớn trung lưu và dân cư đô thị.

Vụ án liên quan đến bà Yingluck đã kéo dài hơn 2 năm và dự kiến sẽ tuyên án vào cuối tháng 8 vừa qua. Tuy nhiên, do khi đó bà Yingluck bất ngờ vắng mặt tại Tòa với lý do bị bệnh, bản án đã phải hoãn lại và giới chức Thái Lan phát lệnh truy nã cựu nữ Thủ tướng.

Diễn tiến vụ việc của bà Yingluck

Tháng 5/2011: Bà Yingluck Shinawatra được bầu làm Thủ tướng Thái Lan. Thời gian ngắn sau khi đắc cử, bà đã bắt đầu triển khai đề án trợ giá gạo.

Tháng 1/2014: Các cơ quan chống tham nhũng của Thái Lan tiến hành điều tra bà Yingluck liên quan đến đề án gạo.

Tháng 5/2014: Bà bị buộc phải từ chức sau khi tòa án hiến pháp Thái Lan cho rằng bà phạm tội lạm dụng quyền lực trong một vụ án khác. Vài tuần sau đó, quân đội đã lật đổ chính phủ của bà Yingluck.

Tháng 1/2015: Cơ quan lập pháp do quân đội hậu thuẫn đã luận tội bà Yingluck vì tham nhũng trong đề án gạo, cấm bà tham gia chính trị trong vòng 5 năm và tiến hành các thủ tục tố tụng hình sự đối với bà.

Tháng 8/2017: Bà Yingluck không có mặt tại Tào án Tối cao trong phiên tuyên án cuối cùng với lý do bị bệnh. Sau đó, cựu nữ Thủ tướng được cho là đã trốn chạy sang Dubai.

Hùng Cường

Xem thêm: