Trong bối cảnh chất bán dẫn là ngành công nghiệp cốt lõi và là tài sản an ninh của đất nước, Thủ tướng Hàn Quốc đề nghị ân xá cho lãnh đạo quan trọng về ngành này của Samsung là ông Lee Jae-yong. Kiến nghị đã được đồng tình rộng rãi, dự kiến khả năng ông Lee sẽ được ân xá trong đợt đầu tiên thời Tổng thống Yoon Suk-yeol.

Lee Jae yong
Phó chủ tịch tập đoàn công nghệ Samsung Lee Jae-Yong. (Nguồn: Ảnh chụp màn hình video KBS)

Trong cuộc chất vấn tại Quốc hội Hàn Quốc ngày 27/7, ông Park Seong-joon, thành viên Đảng Sức mạnh Nhân dân (People Power Party) cầm quyền, nhấn mạnh rằng thế giới đang diễn ra cuộc chiến về lĩnh vực chất bán dẫn, nhưng Hàn Quốc lại đang trừng phạt tổng tư lệnh chỉ đạo cuộc chiến này, vì thế nên đặc xá cho một trong những tổng tư lệnh là Phó chủ tịch tập đoàn công nghệ Samsung Lee Jae-Yong. Sau đó ông hỏi Thủ tướng Han Duck-soo liệu có cân nhắc kiến nghị này với tổng thống, xem xét ân xá cho doanh nhân Lee Jae-yong hay không. Ngay lập tức ông Han Duck-soo trả lời rằng sẽ đưa ra đề nghị này với tổng thống.

Trước đó, ông Han Duck-soo cũng nói với giới truyền thông về vấn đề ân xá cho các nhân vật tài chính như Lee Jae-yong, rằng họ đã bị trừng phạt và trải qua rất nhiều đau đớn, họ nên được ân xá để không làm trái ý dân.

Cuộc thăm dò mới nhất được thực hiện đồng thời bởi 4 tổ chức điều tra dân ý ở Hàn Quốc cho thấy, 77% người dân đồng ý rằng ông Lee Jae-yong sẽ được ân xá vào ngày 15/8 (Tiết Quang Phục, ngày Quốc Khánh ở Hàn Quốc) . Cuộc khảo sát cũng cho thấy tỷ lệ phần trăm ủng hộ từ cả hai phe tả cũng như hữu đều cao (cánh hữu 88% và cánh tả là 69%).

Truyền thông Hàn Quốc cũng tin rằng ông Lee Jae-yong có khả năng lớn được ân xá.

Vào ngày 15/8, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol sẽ thực hiện lệnh ân xá đợt đầu tiên kể từ khi nhậm chức. Ân xá là quyền lực độc quyền của Tổng thống Hàn Quốc và thường được tổ chức vào ngày lễ lớn của Hàn Quốc. Mặc dù gần đây, ông Yoon Suk-yeol giữ im lặng trước câu hỏi của phóng viên về việc liệu ông có dự định ân xá cho ông Lee Jae-yong. Trước đó, một người trong Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc tuyên bố rằng nền kinh tế hiện nay rất khó khăn, “có thể không giới hạn đối với các doanh nhân cụ thể, mà mở rộng phạm vi ân xá người có thể đóng góp cho nền kinh tế đất nước chúng ta”.

Kể từ khi trở thành tổng thống, ông Yoon Suk-yeol luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của chất bán dẫn như tài sản an ninh quốc gia và ngành công nghiệp cốt lõi.

Cuộc chiến lĩnh vực chip giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng do tình trạng thiếu chip triền miên trong thời kỳ đại dịch COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán). Một mặt, Mỹ đã thông qua “Đạo luật về chip và khoa học” nhằm mục đích hồi sinh ngành sản xuất chip của Mỹ để cạnh tranh với Trung Quốc, mặt khác Mỹ cũng cam kết tái cấu trúc chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu nhằm kiềm chế Trung Quốc, trong khi đó Hàn Quốc đóng vai trò quan trọng ở lĩnh vực này. Mỹ và Hàn Quốc đã xây dựng Liên minh chip tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Hàn vào tháng Năm, trong đó Samsung với tư cách là công ty hàng đầu trong ngành công nghiệp bán dẫn ở Hàn Quốc có vai trò nòng cốt và luôn được Mỹ coi trọng.

Tuy nhiên, với tư cách là người đứng đầu Samsung nhưng vài năm qua ông Lee Jae-yong đã không thể thực hiện các hoạt động kinh tế bình thường. Ông đã bị kết án 2 năm 6 tháng tù cho vụ án năm 2017 liên quan đến bà cựu Tổng thống Park Geun-hye, đã được tạm cho tại ngoại vào Ngày Quốc khánh năm ngoái thời Tổng thống Moon Jae-in. Vốn dĩ bản án của ông Lee Jae-yong mãn hạn vào ngày 29/7, nhưng theo luật pháp Hàn Quốc thì ông vẫn bị hạn chế làm việc trong vòng 5 năm sau khi mãn hạn tù và chỉ có thể tiếp tục các hoạt động kinh tế bình thường sau khi được tổng thống ân xá.

Giới tài chính Hàn Quốc đã lo lắng rằng hoạt động bán dẫn của Samsung sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Kể từ năm ngoái, cựu Tổng thống Moon Jae-in đã đề xuất ân xá cho ông Lee Jae-yong nhưng đã không được thực hiện cho đến khi ông Moon Jae-in từ chức.