Theo Bộ Tư pháp Hàn Quốc hôm 12/8, tân Tổng thống Yoon Suk-yeol đã ân xá cho Phó chủ tịch tập đoàn Samsung Electronics Lee Jae-yong và gần 1.700 người khác nhân dịp lễ Quốc Khánh.

Lee Jae yong
Phó chủ tịch tập đoàn công nghệ Samsung Lee Jae-Yong. (Nguồn: Ảnh chụp màn hình video KBS)

Trước đó, cựu Tổng thống Moon Jae-in và Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo từng đề nghị ân xá cho ông Lee Jae-yong và kiến nghị này đã nhận được sự đồng tình rộng rãi. Cuộc thăm dò mới nhất được thực hiện đồng thời bởi 4 tổ chức điều tra dân ý ở Hàn Quốc cho thấy, 77% người dân đồng ý rằng ông Lee Jae-yong sẽ được ân xá vào ngày 15/8 (Tiết Quang Phục, ngày Quốc Khánh ở Hàn Quốc) . Cuộc khảo sát cũng cho thấy tỷ lệ phần trăm ủng hộ từ cả hai phe tả cũng như hữu đều cao (cánh hữu 88% và cánh tả là 69%). Truyền thông Hàn Quốc cũng tin rằng ông Lee Jae-yong có khả năng lớn được ân xá.

Trong bối cảnh cuộc chiến về chip giữa phương Tây và Trung Quốc đang diễn ra ngày một gay gắt, Hoa Kỳ đã thông qua “Đạo luật CHIPS và Khoa học” trị giá 280 tỷ USD, nhằm dịch chuyển chuỗi cung ứng chip ra khỏi Trung Quốc và ngăn chặn hiện đại hóa quân sự của nước này. Đạo luật quy định trong 10 năm tới, các công ty chip đặt nhà máy ở Mỹ sẽ không thể mở rộng sản xuất chip ở Trung Quốc hoặc các quốc gia có liên quan khác (như Nga) nếu họ nhận được trợ cấp từ Chính phủ Mỹ, và không thể sản xuất bất kỳ con chip nào ở Trung Quốc có kích thước nhỏ hơn 28 nanomet và cao cấp hơn.

Trong khi đó, Hàn Quốc đóng vai trò quan trọng ở lĩnh vực này. Samsung Electronics, nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, vào năm ngoái đã thông báo rằng họ sẽ đầu tư 17 tỷ USD vào một nhà máy mới ở Texas để bắt kịp ngành công nghiệp này của đối thủ TSMC Đài Loan. Trong chuyến thăm Hàn Quốc vào tháng Năm, Tổng thống Biden đã tham quan nhà máy của Tập đoàn Samsung ở Pyeongtaek. Mỹ và Hàn Quốc đã xây dựng Liên minh chip tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Hàn vào tháng Năm, trong đó Samsung với tư cách là công ty hàng đầu trong ngành công nghiệp bán dẫn ở Hàn Quốc, có vai trò nòng cốt và luôn được Mỹ coi trọng. Vậy nên, có quan điểm cho rằng Samsung không phải như một công ty bình thường, mà có ý nghĩa là một biểu tượng quốc gia của Hàn Quốc.

Nói theo lời của giáo sư Yoon Kyung Lee, giáo sư xã hội chính trị thuộc Đại học Toronto (Canada) với BBC là: “Hiện tồn tại một niềm tin cốt lõi rằng nếu Samsung phát triển thì Hàn Quốc cũng phát triển. Lúc này, trong lúc kinh tế đi xuống, người dân muốn nhìn thấy các dấu hiệu cụ thể cho thấy chúng ta đang tiến về phía trước. Việc ông Lee được ân xá là một tín hiệu của điều đó.”

Bản thân tân Tổng thống Yoon Suk-yeol cũng luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của chất bán dẫn như tài sản an ninh quốc gia và ngành công nghiệp cốt lõi.

Tuy vậy, với tư cách là lãnh đạo của Samsung nhưng vài năm qua ông Lee Jae-yong đã không thể thực hiện các hoạt động kinh tế bình thường vì bản án. Giới tài chính Hàn Quốc đã lo lắng rằng hoạt động bán dẫn của Samsung sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Ông Lee Jae-yong bị kết án 2 năm 6 tháng tù hồi tháng 1/2016 trong vụ án liên quan đến cựu Tổng thống Park Geun-hye. Vốn dĩ bản án của ông Lee đã mãn hạn vào ngày 29/7 năm nay, nhưng theo luật pháp Hàn Quốc ông vẫn bị hạn chế làm việc trong vòng 5 năm sau khi mãn hạn tù. Vậy nên ông vẫn cần được ân xá để khôi phục hoàn toàn mọi quyền của mình.

Tuyết Mai