Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đang có chuyến thăm châu Âu dài ngày lần đầu tiên kể từ khi đại dịch virus corona Vũ Hán bùng phát. Tại đây, ông Vương tái khẳng định lại cam kết của Trung Quốc về phát triển hòa bình, chủ nghĩa đa phương và toàn cầu hóa, cũng như kêu gọi đoàn kết cộng đồng thế giới khi đại dịch virus vẫn tiếp diễn. Tuy nhiên, ông lại phớt lờ quan ngại của các nước châu Âu về vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc, thậm chí mạnh miệng tuyên bố Bắc Kinh đã thả hết người Duy Ngô Nhĩ khỏi “Trung tâm giáo dục và đào tạo”.  

Embed from Getty Images

Theo AP, trong bài phát biểu tại buổi họp báo ở Paris, Pháp hôm Chủ Nhật (30/9), Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị lặp lại tuyên bố rằng tất cả những người được đưa tới các “trung tâm giáo dục lại” ở Tân Cương đã được thả ra và đã tham gia vào thị trường lao động.

Tuyên bố nêu trên của ông Vương là trái ngược với thông tin từ các nhóm nhân quyền và các gia đình nạn nhân người Duy Ngô Nhĩ cho biết việc giam giữ các nhóm thiểu số Hồi giáo tại Tân Cương vẫn tiếp diễn và họ đã mất liên lạc với người thân.

Quyền của tất cả học viên trong chương trình giáo dục và đào tạo đã được đảm bảo hoàn toàn cho dù tư tưởng của họ đã bị thấm đẫm chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan”, ông Vương nói trong buổi họp báo tại Viện Quan hệ Quốc tế Pháp, ở Paris. “Bây giờ tất cả những người đó đã tốt nghiệp, hiện không còn ai trong trung tâm giáo dục và đào tạo. Tất cả bọn họ đã tìm được việc làm”.

Liên Hiệp Quốc, Mỹ và các tổ chức nhân quyền quốc tế xác định rằng chính phủ Trung Quốc đã giam giữ khoảng 1 triệu hoặc nhiều hơn người dân thuộc các cộng đồng thiểu số ở Tân Cương, nhốt họ trong các trại giam giữ và nhà tù tập trung. Tại đây, họ bị buộc tuân thủ luật lệ ý thức hệ, bị buộc phải từ bỏ tôn giáo và ngôn ngữ và bị lạm dụng về thể chất.

Chế độ Trung Quốc từ lâu đã nghi ngờ cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ, hầu hết theo đạo Hồi, có văn hóa, ngôn ngữ và tôn giáo khác biệt là nơi chứa chấp những người có khuynh hướng ly khai.

Ngoài vấn đề Tân Cương, ông Vương cũng mạnh mẽ bảo vệ việc Trung Quốc áp đặt luật an ninh quốc gia mới tại Hồng Kông.

Theo AP, khi được phóng viên tại Paris hỏi về luật an ninh Hồng Kông, ông Vương đáp: “Chúng tôi chắc chắn không thể ngồi yên để cho hỗn loạn tiếp diễn, vì vậy chúng tôi đã ban hành luật để duy trì an ninh quốc gia, luật này đặc biệt phù hợp với tình hình Hồng Kông”.

Tuy nhiên, nhiều người coi luật an ninh mới là động thái mạnh mẽ nhất của chế độ Bắc Kinh nhằm phá vỡ các rào cản pháp lý giữa lãnh thổ bán tự trị Hồng Kông và hệ thống độc đảng cộng sản tại Trung Quốc đại lục.

Ông Vương gọi cả vấn đề Tân Cương và Hồng Kông là các công việc nội bộ của Trung Quốc và yêu cầu các cường quốc nước ngoài không nên can thiệp.

Trang tin CGTN của nhà nước Trung Quốc cũng đưa tin về chuyến thăm châu Âu của ông Vương Nghị và dẫn phát biểu mới nhất của ông tại Paris.

Theo CGTN, ông Vương hôm 30/8 nói rằng ông hy vọng Pháp và các nước khác có thể đóng vai trò giúp giảm căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ. Ông nói thêm rằng cánh cửa đối thoại với Washington luôn rộng mở.

Tôi tin chúng tôi có thể đạt được sự đồng thuận, nếu chúng tôi đàm phán nghiêm túc”, ông Vương nói tại Paris về mối quan hệ Trung-Mỹ.

CGTN dẫn lời ngoại trưởng Trung Quốc nhắc lại lập trường nhất quán của Bắc Kinh về phát triển hòa bình và hòa nhập, nhấn mạnh rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ theo đuổi quyền bá chủ vì hòa bình và hòa hợp là điều cốt lõi trong triết lý và văn minh Trung Quốc.

Định hình Trung Quốc là người bảo vệ và người đóng góp cho hòa bình và phát triển thế giới, ông Vương cũng cam kết rằng Trung Quốc sẽ gánh vác trách nhiệm của mình và không bao giờ theo đuổi mục tiêu “Trung Quốc trên hết” trong cộng động quốc tế.

CGTN cũng dẫn lời ông Vương hứa rằng Trung Quốc – một trong số ít các quốc gia vẫn duy trì tăng trưởng dương trong năm 2020 – sẽ giúp thế giới phục hồi sau đại dịch virus.

Tuy nhiên, trong bản tin của mình, CGTN lại không hề đề cập tới các phát biểu của phía Pháp và các nước châu Âu khác và hãng tin nhà nước Trung Quốc này cũng không nhắc gì tới vấn đề Tân Cương và Hồng Kông.

Trong khi đó, theo AP, tại cuộc họp với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bày tỏ “quan ngại sâu sắc về tình hình Hồng Kông, và xung quanh vấn đề nhân quyền, nhất là về người Duy Ngô Nhĩ, cũng như sự cần thiết của việc Trung Quốc phải tôn trọng các cam kết quốc tế của mình”.

AP cũng cho biết Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian và các quan chức châu Âu khác tại Ý, Hà Lan và Na Uy nơi ông Vương Nghị đã tới thăm đều dấy lên các quan ngại tương tự về vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc.

Chuyến thăm châu Âu của ông Vương Nghị sẽ kết thúc vào ngày thứ Ba (1/9). Trước khi tới Pháp, ông đã thăm Ý, Hà Lan và Na Uy. Điểm dừng chân cuối cùng của ngoại trưởng Trung Quốc tại châu Âu là Đức. Ngoại trưởng Vương Nghị gặp Thủ tướng Đức Angela Merkel vào Chủ Nhật 30/8 (giờ địa phương).

Như Ngọc

Xem thêm: