Theo kết quả thăm dò mới do tạp chí Politico và công ty lấy ý kiến Moring Consult công bố hôm 5/7, đa số cử tri Mỹ tán thành nội dung của sắc lệnh di trú của Tổng thống Donald Trump, vừa được Toà án Tối cao khôi phục sau khi bị các thẩm phán liên bang chặn.

Biểu tình phản đối lệnh cấm di trú của Tổng thống Donald Trump

Sắc lệnh này yêu cầu không cấp phép visa mới cho người đến từ Iran, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen trong 90 ngày, đồng thời tạm ngưng chương trình tái định cư người tị nạn toàn thế giới trong 120 ngày. 6 nước đa số dân Hồi giáo bị cấm được chính quyền Trum gọi là “những nước có nguy cơ khủng bố cao và không thể thẩm tra lý lịch”, đồng thời khoảng thời gian 90 và 120 ngày là để hải quan và cơ quan di trú khác có đủ thời gian rà soát, nâng cấp quy định sàng lọc an toàn.

Kết quả thăm dò vừa công bố cho thấy 60% cử tri tán thành nội dung của sắc lệnh di trú, trong khi chỉ có 28% chống đối lệnh này.

Đại đa số cử tri Đảng Cộng hoà, lên tới 84%, ủng hộ lệnh cấm, chỉ có 9% chống lệnh này.

Các cử tri phi đảng phái cũng phần lớn ủng hộ sắc lệnh vốn gây nhiều tranh cãi này. 56% người thuộc nhóm này được hỏi ủng hộ sắc lệnh, 30% phản đối.

Các thành viên của Đảng Dân chủ thì tỷ lệ ủng hộ sắc lệnh thấp hơn phản đối, nhưng không nhiểu: 46% phản đối và 40% ủng hộ.

Theo Politico, tỷ lệ ủng hộ này cao đáng ngạc nhiên là do câu hỏi thăm dò không đề cập tới Tổng thống Trump, tên sắc lệnh của ông, hoặc từ “lệnh cấm di trú” như một số cuộc thăm dò khác. Thay vào đó, hãng này hỏi liệu cử tri ủng hộ hay phản đối “quy định mới của Bộ Ngoại giao nói rằng người xin visa từ 6 nước chủ yếu theo Hồi giáo phải chứng minh quan hệ gia đình thân thiết với một công dân Mỹ để có thể tới Mỹ?” 60% trả lời ủng hộ.

Một cuộc thăm dò trước đó do hãng tin AP và Trung tâm thăm dò NORC thực hiện vào tháng 6 thì cho thấy kết quả 60% cử tri Mỹ nói rằng hành động chặn sắc lệnh di trú của ông Trump của các toà án liên bang là đúng.

Tuần trước Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ ra phán quyết cho phép thực thi một số khía cạnh chủ yếu của sắc lệnh trong khi lệnh cấm chờ được tòa án tối cao xem xét vào mùa thu tới.

Phán quyết của Tối Cao Pháp viện nói rằng những người có “quan hệ mật thiết sẵn có” với một người, hoặc thực thể, đã có mặt ở Hoa Kỳ nằm ngoài phạm vi của lệnh cấm, các đối tượng còn lại chính quyền Trump toàn quyền thực thi.

Đức Trí (t/h)

Xem thêm: