Thâm hụt ngân sách Hoa Kỳ đã tăng lên 2,81 nghìn tỷ đô la trong 10 tháng đầu năm tài khóa năm nay, phá vỡ mọi kỷ lục, bộ Tài chính cho biết hôm thứ Tư (12/8).

Embed from Getty Images

Kết thúc năm tài chính này vào ngày 30/9, thâm hụt dự kiến ​​cuối cùng sẽ đạt mức dự báo cao hơn gấp đôi so với mức thâm hụt hàng năm lớn nhất được ghi nhận.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết ngân sách chính phủ liên bang đã thâm hụt 63 tỷ đô la trong tháng Bảy, tuy nhiên đây là một số tiền tương đối khiêm tốn so với con số khổng lồ vào những tháng mùa xuân khi chính phủ cố gắng vực dậy một nền kinh tế đang bị đình trệ do sự bùng phát của đại dịch virus corona.

Mức thâm hụt của tháng Bảy thấp hơn rất nhiều so với mức 864 tỷ đô la tháng 6, một phần do chính phủ đã thu được số tiền thuế kỷ lục là 563 tỷ đô la, sau khi kéo dài thời hạn nộp hồ sơ thuế đến ngày 15/7. Việc gia hạn đó cho phép người Mỹ có thêm thời gian để vượt qua sự tàn phá kinh tế bởi đại dịch.

Các khoản chi trợ cấp của Cơ quan Quản lý Doanh nghiệp Nhỏ lên tới 511 tỷ đô la vào tháng 6 khi chính phủ thực hiện Chương trình Bảo vệ Tiền lương cho người lao động. Số tiền này giảm xuống còn khoảng 26 tỷ đô la vào tháng Bảy. 

Cho đến thời điểm hiện tại trong năm ngân sách này, tổng thu của chính phủ Mỹ là 2,82 nghìn tỷ đô la, chỉ giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Bộ Tài chính ghi nhận có “sự tái sắp đặt thu nhập” do các gói viện trợ khác nhau của chính phủ cung cấp. Nói cách khác, trợ cấp thất nghiệp và các khoản viện trợ khác vẫn phải chịu thuế.

Các khoản chi cho năm ngân sách này đạt tổng cộng 5,63 nghìn tỷ đô la, tăng tới 50% so với 3,73 nghìn tỷ đô la cùng kỳ năm 2019, với phần lớn chi tiêu bổ sung liên quan đến việc củng cố nền kinh tế của đất nước trước đại dịch.

Quốc hội đã thông qua các gói giải cứu tổng trị giá gần 3.000 tỷ đô la trong năm nay, nhưng đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa vẫn còn tranh cãi trong một dự luật cứu trợ khác trong bối cảnh trợ cấp thất nghiệp mở rộng 600 đô la mỗi tuần đã hết hạn vào ngày 31 tháng 7.

Tổng thống Donald Trump đã ban hành một loạt sắc lệnh vào cuối tuần trước để kéo dài thời gian trợ cấp thất nghiệp ở mức 400 đô la một tuần, với 25% sẽ được các bang chi trả. Nhưng không rõ phần kéo dài sẽ tác động như nào tới phát triển kinh tế, trong khi nguồn tài trợ có thể cạn kiệt sau 5 tuần.

Các đảng viên Dân chủ tại Hạ viện đã thông qua một dự luật khác với khoản viện trợ 3 nghìn tỷ USD, nhưng Thượng viện do Đảng Cộng hòa lãnh đạo lại lập riêng một dự luật giá trị gần 1 nghìn tỷ USD và chưa đưa dự luật xuống Hạ viện để bỏ phiếu trước kỳ nghỉ tháng 8.

Trước đó, văn phòng Ngân sách Quốc hội đã dự báo thâm hụt 3,7 nghìn tỷ USD cho năm tài chính này khi nước Mỹ rơi vào suy thoái trầm trọng hồi tháng Hai, chấm dứt chuỗi tăng trưởng kỷ lục trong gần 11 năm do dịch bệnh. Chính quyền Trump dự đoán rằng nền kinh tế sẽ phục hồi vào nửa cuối năm 2020, nhưng nhiều nhà dự báo khác lo ngại người tiêu dùng sẽ giữ chặt hầu bao khi tình trạng nhiễm bệnh vẫn tăng các bang như Florida. Tiêu dùng cá nhân là động lực chính của nền kinh tế Hoa Kỳ, chiếm khoảng 70% tổng hoạt động kinh tế.

Tháng trước, chính phủ báo cáo rằng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã giảm kỷ lục 32,9% so với năm ngoái, trong quý từ tháng 4 đến tháng 6, do sự bùng phát trở lại của dịch virus đã đẩy các doanh nghiệp phải đóng cửa lần 2 ở một số khu vực.

Trong 20 tuần liên tiếp, hơn một triệu người Mỹ đệ đơn xin trợ cấp thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp trong tháng trước đã giảm xuống 10,2% nhưng vẫn cao hơn bất kỳ thời điểm nào trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009.

Đó cũng là thời điểm chính phủ liên bang lập kỷ lục về mức thâm hụt hàng năm, đạt 1,4 nghìn tỷ đô la năm 2009 khi họ cố gắng đưa đất nước thoát khỏi suy thoái. Kỹ lục này đã bị vượt qua vào tháng 5/2020.

Trần Minh

Xem thêm: