Tổng thống Donald Trump ngày thứ Bảy (26/9) đã loan báo bổ nhiệm thẩm phán tòa án phúc thẩm liên bang Amy Coney Barrett vào Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ, người thứ ba mà ông đề cử trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên này. Vậy nữ thẩm phán này là người thế nào?

Embed from Getty Images

Bà Barrett – một thẩm phán liên bang có quan điểm bảo thủ, từng làm thư ký cho cố Thẩm phán Tối cao Pháp viện Antonin Scalia đã nói: “Tôi đã làm thư ký cho Thẩm phán Tối cao Pháp viện Scalia từ hơn 20 năm trước, nhưng những bài học mà tôi rút ra được vẫn còn ảnh hưởng đến giờ”.

Triết lý tư pháp của ông ấy cũng là triết lý của tôi: một thẩm phán phải áp dụng luật như nó được viết ra. Các thẩm phán không phải là các nhà hoạch định chính sách và họ phải kiên quyết gạt ra ngoài lề bất kỳ quan điểm chính sách nào mà họ có thể có”, bà Barrett nói thêm.

Thẩm phán Barrett nói thêm rằng Tối cao Pháp viện là thể chế thuộc về tất cả người Mỹ. “Nếu được xác nhận, tôi sẽ không sử dụng vai trò của mình phục vụ cho lợi ích của vòng tròn quan hệ của tôi, và chắc chắn không vì lợi ích của cá nhân tôi. Tôi sẽ sử dụng vai trò này để phục vụ các bạn. Tôi sẽ thực hiện lời tuyên thệ tư pháp yêu cầu tôi thực thi công lý không với sự thiên vị cá nhân, mà phải thông qua các quyền bình đẳng đối với người giàu và người nghèo và thực hiện một cách trung thành và vô tư theo Hiến pháp Mỹ”, bà Barrett khẳng định.

Thông tin chính về Thẩm phán Amy Coney Barrett

  • Bà Amy Coney Barrett, 48 tuổi (sinh năm 1972), từng là giáo sư luật tại Đại học danh tiếng Notre Dame ở bang Indiana.
  • Sinh ra ở New Orleans, bà kết hôn với một cựu công tố viên liên bang ở South Bend, Indiana và họ có với nhau 7 người con. Hai người con trong số này được vợ chồng bà Barrett nhận nuôi từ Haiti và con ruột út của họ mắc hội chứng Down.
  • Trước khi tham gia tòa phúc thẩm liên bang khu vực địa lý thứ 7, bà Barrett đã làm việc một thời gian ngắn trong lĩnh vực hành nghề tư nhân sau đó giảng dạy 15 năm tại trường luật Notre Dame.
  • Nếu được chấp thuận, bà Barrett sẽ là thẩm phán trẻ nhất tại tòa án cấp cao kể từ khi thẩm phán Clarence Thomas bảo thủ được bổ nhiệm khi ông mới 43 tuổi vào năm 1991. Sự hiện diện của bà cũng sẽ củng cố ghế đa số thẩm phán có quan điểm bảo thủ là 6-3.
  • Là một người theo Công giáo, cá nhân bà Barrett phản đối mạnh mẽ tình trạng nạo phá thai, một trong những vấn đề chủ chốt gây tranh cãi trong văn hóa Mỹ. Bà quan niệm “cuộc sống bắt đầu từ lúc thụ thai đến khi chết đi một cách tự nhiên”.
  • Tại Tòa phúc thẩm liên bang khu vực địa lý thứ 7 ở Chicago, bà Barrett đã thông qua các quan điểm ủng hộ quyền sử dụng súng, phản đối người nhập cư bất hợp pháp, cũng như phản đối “Obamacare” – Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Giá cả phải chăng do cựu Tổng thống Barack Obama ký thông qua vào tháng 3 năm 2010. 
  • Năm 2017, bà Barrett được Tổng thống Trump đề cử làm thẩm phán Tòa phúc thẩm khu vực liên bang khu vực địa lý thứ 7 và đã được Thượng viện xác nhận với số phiếu 55-43. Bà cũng là một trong số các lựa chọn khi ông Trump cân nhắc cho vị trí thẩm phán Tối cao Pháp viện thay cho Thẩm phán Anthony Kennedy vào năm 2018.

Nếu được chuẩn thuận thay thế thẩm phán có quan điểm tự do Ruth Bader Ginsburg, bà Barrett sẽ trở thành người phụ nữ thứ năm từng phục vụ trong viện tư pháp hàng đầu của Mỹ và là nữ thẩm phán thứ ba tại Tối cao Pháp viện hiện tại, bên cạnh 2 nữ thẩm phán Sonia Sotomayor và Elena Kagan do cựu Tổng thống Barack Obama đề cử.

Lãnh đạo phe đa số Thượng viện Mitch McConnell đã tuyên bố sẽ tổ chức một cuộc bỏ phiếu phê chuẩn trước cuộc bầu cử Mỹ ngày 3/11.

Đảng Cộng hòa chiếm đa số tại Thượng viện 53-47 và cho đến nay chỉ có hai thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa phản đối việc xúc tiến quá trình chuẩn thuận thẩm phán Tối cao Pháp viện trước bầu cử. Đảng Cộng hòa hoàn toàn có thể chuẩn thuận thẩm phán mới kể cả có tối đa ba thành viên đảng này cùng 100% thượng nghị sĩ Dân chủ bỏ phiếu phản đối. Khi đó lá phiếu của Phó Tổng thống Mike Pence sẽ mang tính quyết định phá vỡ thế cân bằng 50-50. 

Những người ủng hộ quyền phá thai lo lắng rằng bà Barrett, một tín đồ Công giáo La Mã thuần thành, có thể biểu quyết để lật ngược phán quyết mang tính bước ngoặt năm 1973 về việc hợp pháp hóa phá thai trên toàn quốc.

Ông Trump đã nói rằng ông muốn đề cử viên của ông được chuẩn thuận trước cuộc bầu cử để bà có thể tham gia vào bất kỳ vụ kiện tụng nào liên quan đến bầu cử mà có thể lên tới Tối cao Pháp viện. Tính đến nay, chỉ có một lần kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ được xác định bởi Tòa án Tối cao vào năm 2000, trao chiến thắng cho ứng cử viên Đảng Cộng hòa George W. Bush trước ứng cử viên Đảng Dân chủ Al Gore.

Các bước để phê chuẩn Thẩm phán mới cho Tối cao Pháp viện

  • Tổng thống Mỹ đề cử ứng viên ông chọn cho vị trí thẩm phán Tối cao Pháp viện.
  • Đề cử viên sau đó sẽ được Ủy ban Tư pháp Thượng viện  (gồm 22 đảng viên Cộng hòa và Dân chủ) chất vấn. Các phiên điều trần thường kéo dài từ ba đến năm ngày.
  • Sau đó, các thành viên của ủy ban sẽ bỏ phiếu về việc có đưa người được đề cử ra toàn thể Thượng viện bỏ phiếu hay không. Nếu họ đồng ý, tất cả 100 thượng nghị sĩ sẽ bỏ phiếu để phê chuẩn hoặc phủ nhận đề cử viên.

Đức Thiện (T/h)

Xem thêm: