Một quan chức cấp cao của Nhật Bản nhận định, tham vọng thôn tính Đài Loan của Bắc Kinh có thể dẫn đến một cuộc xung đột lớn, từ đó kéo Nhật Bản và Hoa Kỳ vào cuộc chiến với cường quốc châu Á, đồng thời gây ra mối đe dọa hiện hữu đối với Tokyo.

Embed from Getty Images

“Sẽ không quá nếu nói rằng điều đó thể liên quan đến một tình huống đe dọa sự sống còn,” Phó Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso cho biết hôm thứ Hai (5/7) trong khi thảo luận về khả năng Trung Quốc tấn công Đài Loan. “Nếu trường hợp này xảy ra, Nhật Bản và Mỹ phải cùng bảo vệ Đài Loan.”

Theo các hãng truyền thông địa phương, với tuyên bố này, ông Aso đã trở thành “quan chức chính phủ cấp cao nhất đưa ra một kịch bản rõ ràng”, theo đó các lực lượng quân sự Nhật Bản sẽ can thiệp vào một cuộc xung đột không thuộc lãnh thổ Nhật Bản. Các bài báo còn nhấn mạnh sự bất bình ngày càng tăng của người Nhật trước sự hung hăng của Bắc Kinh, khi Tổng Bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình thắt chặt sự kìm kẹp của chính quyền Đại Lục đối với Hồng Kông, cũng như gia tăng các cuộc xuất kích quân sự xung quanh Đài Loan, hòn đảo mà giới chức các quốc gia đều coi là điểm tựa chiến lược cho khu vực.

Kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, quân đội Nhật Bản đã tập trung vào các hoạt động phòng thủ. Bảo vệ Đài Loan tương đương với việc điều quân ra khỏi hòn đảo của họ, cũng chính là một chiến dịch tấn công. Điều này về cơ bản sẽ đánh dấu một sự thay đổi lớn trong khu vực và hơn thế nữa.

“Các sĩ quan Không quân PLA [Trung Quốc] được phát cho cuốn sách hướng dẫn, trong đó giải thích tại sao Đài Loan lại là một mục tiêu quan trọng mà Đảng Cộng sản muốn thôn tính. Và tất cả là [liên quan đến] Nhật Bản,” cựu cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Matt Pottinger dưới thời Tổng thống Trump cho hay. “[Quân đội Trung Quốc cho rằng] nếu Đài Loan bị thôn tính, về cơ bản, Trung Quốc sẽ có thể thống trị khu vực và khiến Nhật Bản trở nên không còn nghĩa lý gì nữa.”

Sự nổi lên của Nhật Bản như một đối thủ về mặt ngoại giao và quân sự của Bắc Kinh có tác động lớn đến nỗ lực của Hoa Kỳ trong việc tập hợp một “liên minh các nền dân chủ” nhằm giảm thiểu các mối đe dọa từ Trung Quốc. Quân đội Nhật Bản được tái thiết như một Lực lượng Phòng vệ khiêm tốn sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, nhưng Tokyo dần dần đã có được những năng lực quân sự đáng kể nhờ sự hỗ trợ của Mỹ trong những năm gần đây. Và phe diều hâu Trung Quốc ở cả hai quốc gia đều muốn tiếp tục điều đó với hy vọng những nỗ lực chung của Mỹ-Nhật có thể ngăn cản Trung Quốc phát động một cuộc chiến tranh khu vực.

“Vì vậy, trong tình huống này, điều chúng ta cần là phải chuẩn bị sẵn sàng cho việc leo thang, phát triển thế trận chiến tranh và đặc biệt là chiến đấu để giành chiến thắng,” cựu chiến lược gia Bộ Quốc phòng Nhật Bản Sugio Takahashi nói với Viện Hudson hồi tháng 5. “Chúng ta cần thể hiện rằng mình đã sẵn sàng chiến đấu.”

Ngày 6/7, các quan chức Trung Quốc đã phản ứng lại nhận định của ông Aso bằng cách ví ông với các quan chức đế quốc Nhật Bản, những người đã phát động các cuộc chiến tranh viễn chinh trên khắp khu vực Thái Bình Dương trong những thập kỷ trước Thế chiến 2. Chẳng hạn như Nhật Bản đã xâm chiếm Đài Loan từ triều đại nhà Thanh đang tàn lụi của Trung Quốc vào năm 1895, và biến hòn đảo này thành một căn cứ cho cuộc xâm lược Philippines vào năm 1941.

“Đến tận hôm nay, một số chính trị gia vẫn còn ‘thèm muốn’ Đài Loan,” phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên phát biểu hôm thứ 6/7. “Trung Quốc ngày nay không còn là Trung Quốc của thời đại đó. Chúng tôi sẽ không bao giờ cho phép bất kỳ ai can thiệp vào vấn đề Đài Loan theo bất kỳ cách nào. Không một ai nên đánh giá thấp quyết tâm, ý chí và khả năng bảo vệ chủ quyền cũng như toàn vẹn lãnh thổ quốc gia của nhân dân Trung Quốc.”

Các quan chức Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền đối với Đài Loan kể từ khi họ lên nắm quyền vào năm 1949, nhưng chế độ này chưa bao giờ cai trị hòn đảo này trên thực tế.

“Họ đang cố gắng bao vây toàn bộ đảo Đài Loan,” Thứ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasuhide Nakayama nhấn mạnh hồi tuần trước, “Chúng ta phải thức tỉnh.”

Minh Ngọc (Theo Washington Examiner)

Xem thêm: