Gần đây, cựu thành viên Hội đồng Lập pháp Hồng Kông lưu vong ở Vương quốc Anh La Quán Thông (Nathan Law Kwun-chung) đã thành lập Hiệp hội Hồng Kông (The Umbrella Community), với hy vọng sẽ giúp người Hồng Kông hội nhập vào nước Anh và kế thừa lịch sử, văn hóa của Hồng Kông.

Hiệp hội Hồng Kông
4 thành viên hội đồng Hiệp hội Hồng Kông: La Quán Thông (giữa), Fermi Wong (phải) và Winston Marshall (trái).  (Nguồn ảnh: Đài Á Châu Tự Do)

Sau khi Bắc Kinh áp đặt “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông” lên đặc khu này, Chính phủ Anh đã chấp nhận cho công dân Hồng Kông có đủ điều kiện thị thực BNO đến định cư tại nước Anh. Bộ Nội vụ Anh dự đoán sẽ có 320.000 người Hồng Kông đến định cư trong 5 năm tới, đồng thời, một số lượng lớn các nhà hoạt động xã hội và lãnh đạo xã hội dân sự cũng sẽ lưu vong ở Anh. 

Đài Á Châu Tự Do (RFA) đưa tin, Hiệp hội Hồng Kông đã tổ chức lễ thành lập tại London vào ngày 26/11. Nhiều đại diện các tổ chức của người Hồng Kông tại Anh cũng như những người Hồng Kông từ các thành phần khác nhau ở nước Anh đã đến tham dự và ủng hộ. 

4 thành viên hội đồng quản trị của Hiệp hội Hồng Kông bao gồm La Quán Thông, đạo diễn bộ phim Hồng Kông “thập niên – bản địa đản” Ng Ka Leung, người sáng lập Câu lạc bộ Âm nhạc Hồng Kông Fermi Wong và Nhạc sĩ người Anh Winston Marshall, một người rất ủng hộ Hồng Kông.

Tại buổi lễ thành lập, La Quán Thông đề cập đến tên tiếng Anh của hiệp hội là “The Umbrella Community” và biểu tượng chiếc ô trên quốc huy, tượng trưng cho phong trào biểu tình của người dân Hồng Kông từ năm 2014 và thể hiện tinh thần phản kháng của người Hồng Kông. Hiệp hội lấy dân chủ, tự do và hòa nhập cộng đồng làm giá trị cốt lõi, ngoài việc hỗ trợ người Hồng Kông nhập cư hòa nhập vào xã hội Anh, còn hy vọng Chính phủ Anh có thể nghe thấy tiếng nói của người Hồng Kông. Hiệp hội cũng hy vọng người dân Anh và Hồng Kông có thể lưu giữ và kế thừa ngôn ngữ, lịch sử và văn hóa của người Hồng Kông, đồng thời trở thành cầu nối giữa Anh và Hồng Kông, thúc đẩy giao lưu văn hóa. Mục đích cuối cùng là để một ngày không xa những người Hồng Kông tha hương được trở về “miền đất hứa” Hồng Kông.

Hiệp hội có kế hoạch thành lập một trung tâm thực thể trong vòng 3 đến 5 năm tới, trở thành nơi giao lưu cho những người Hồng Kông có tầm nhìn chung, để người Hồng Kông ở Anh không còn cảm thấy cô đơn. Hiệp hội cũng có kế hoạch thành lập một quỹ cộng đồng ít nhất 20.000 bảng Anh, để mọi người có thể đăng ký tham gia các hoạt động nhằm củng cố cộng đồng Hồng Kông và giao lưu với xã hội Anh.

Ngoài ra, hiệp hội đang chuẩn bị một số dự án liên quan đến giáo dục, Thư viện Nhân loại và liên hoan phim. Về mặt giáo dục, hy vọng sẽ sản xuất các tài liệu dạy tiếng Quảng Đông cho thế hệ tiếp theo lớn lên ở Vương quốc Anh, kế thừa ngôn ngữ và văn hóa Hồng Kông cũng như hiểu được lịch sử đấu tranh của người Hồng Kông vào năm 2019.

Dự án Thư viện Nhân loại sẽ tập hợp những người Hồng Kông và người Anh để họ có thể đặt câu hỏi và hiểu biết lẫn nhau. Hiệp hội cũng có kế hoạch tổ chức một liên hoan phim vào năm 2022 để chuyển những bộ phim bị chính quyền Hồng Kông cấm chiếu ra các màn ảnh rộng ở nước ngoài. Điều này sẽ giúp người nước ngoài biết được câu chuyện về cuộc đấu tranh ở Hồng Kông. Dự kiến, bộ phim tài liệu “Time Revolution” của đạo diễn Hồng Kông Zhou Guanwei sẽ trở thành một trong những bộ phim được công chiếu.

Mộc Lan/ Theo RFA

Xem thêm: