Hàng nghìn tín đồ của Giáo hội Thống nhất đã tập trung tại Seoul vào thứ Năm (18/8) để phản đối “sự phân biệt đối xử và không công bằng” của truyền thông Nhật Bản đưa tin về tổ chức của họ kể từ khi cựu Thủ tướng Shinzo Abe bị ám sát.

Embed from Getty Images

Nghi phạm trong vụ nổ súng giết ông Abe vào ngày 8/7, Tetsuya Yamagami, là người có ác cảm với Giáo hội. Kẻ này cho rằng nhà thờ đã khiến mẹ anh ta phá sản và đổ lỗi cho ông Abe vì đã quảng bá nó, theo các bài đăng trên mạng xã hội của anh ta và các báo cáo.

“Hãy ngừng đưa tin một cách có định kiến và đàn áp tôn giáo!” những người biểu tình ở thủ đô của Hàn Quốc đã hô vang bằng tiếng Hàn và tiếng Nhật, cầm các tấm biểu ngữ “Hãy tôn trọng tự do tôn giáo!” và “Ngừng lời nói căm thù” đối với Giáo hội.

Các mối liên hệ lâu dài giữa Giáo hội chống cộng mạnh mẽ này và Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền của Nhật Bản được cho là đã làm tổn hại đến danh tiếng đến chính phủ của Thủ tướng Fumio Kishida, khiến ông phải cải tổ nội các của mình vào tuần trước và nói rằng nhà thờ không có ảnh hưởng gì tới đảng.

Được thành lập tại Hàn Quốc vào những năm 1950 bởi người tự xưng là “đấng cứu thế” Sun Myung Moon và được biết đến với việc tổ chức những đám cưới hàng loạt, tổ chức này đã phải đối mặt với những lời chỉ trích vì việc gây quỹ và các vấn đề khác. Nhà thờ bác bỏ những quan điểm như vậy và nói rằng họ là một phong trào tôn giáo hợp pháp.

Hơn 4.000 người biểu tình tại trung tâm Seoul đã kêu gọi tôn trọng tự do tôn giáo và cầu nguyện cho ông Abe. 

Taeko Yamada, một thành viên người Nhật Bản đã kết hôn với một người Hàn Quốc tại một đám cưới hàng loạt, cho biết: “Các phương tiện truyền thông đang săn lùng các gia đình với những báo cáo vô căn cứ, giật gân và đầy định kiến cả ngày lẫn đêm.”

Ông Abe, người vẫn là một chính trị gia quyền lực của đảng LDP cho đến khi qua đời, đã xuất hiện tại một sự kiện do một nhóm liên kết với Giáo hội tổ chức vào tháng 9 năm ngoái. Ông đã có một bài phát biểu ca ngợi công việc của nhóm này vì hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, theo trang web của Giáo hội.

Nhật Minh (theo Reuters)