Quốc hội Anh hôm thứ Ba (22/10) đã bỏ phiếu thông qua dự luật Brexit của Thủ tướng Boris Johnson, nhưng tiếp ngay sau đó đã chặn dự luật này khi bác bỏ thời gian biểu hoàn thành trong ba ngày. Thất bại này khiến cam kết đưa nước Anh rời Liên minh Châu Âu (EU) vào 31/10 của ông Johnson rất khó hoàn thành.

Embed from Getty Images

Theo Fox News, Quốc hội Anh hôm 22/10 đã thông qua Dự luật Thỏa Thuận Rút lui với 329 phiếu thuận, 299 phiếu chống, chuyển dự luật sang giai đoạn xem xét kỹ lưỡng và có thể sửa đổi. Tuy nhiên, ngay sau đó Quốc hội đã bỏ phiếu bác bỏ thời gian biểu hoàn thành dự luật trong 3 ngày mà Thủ tướng Johnson đề xuất.

Cuộc bỏ phiếu nêu trên khiến cho ông Johnson gần như không thể hoàn thành cam kết của mình về việc đưa nước Anh rời EU vào hạn chót 31/10 này.

Hai cuộc bỏ phiếu hôm 22/10 đến chỉ vài giờ sau khi Thủ tướng Johnson đe dọa sẽ dừng dự luật rút lui và kêu gọi bầu cử quốc hội sớm trước Giáng sinh nếu các nhà lập pháp tiếp tục ngăn cản việc ông thúc đẩy thông qua dự luật này trước hạn chót phải rời EU vào 31/10. Theo AP, sau khi thất bại trong việc thông qua thời gian biểu hoàn thành dự luật rút lui, ông Johnson không đề cập tới cuộc bầu cử sớm nữa.

Sau các cuộc bỏ phiếu quan trọng hôm 22/10, Thủ tướng Johnson nói rằng chính phủ sẽ “dừng” dự luật thỏa thuận rút lui và tuyên bố EU bây giờ phải tự quyết định làm thế nào để đáp ứng yêu cầu của ông về việc hoãn Brexit thêm ba tháng – một yêu cầu mà Thủ tướng Johnson đã bị Quốc hội hôm thứ Bảy (19/10) ép phải gửi EU.

Ông Johnson nói thêm rằng chính phủ của ông sẽ thúc đẩy các kế hoạch Brexit “không thỏa thuận” sau khi đã thất bại trong việc thuyết phục Quốc hội ủng hộ thỏa thuận Brexit đã đạt được với EU tuần trước.

Ông Johnson vào tuần trước đã đàm phán và thống nhất được với các lãnh đạo EU về kế hoạch Brexit mới của ông. Tuy nhiên, hôm thứ Bảy (19/10), Quốc hội Anh đã không ủng hộ thỏa thuận này, ép Thủ tướng Johnson phải gửi thư yêu cầu EU gia hạn Brexit thêm 3 tháng. Ông Johnson đã buộc phải chấp hành nghị quyết của Quốc hội về việc gửi thư cho EU, nhưng ông không ký vào bức thư đó, theo BBC.

Trước cuộc bỏ phiếu hôm 22/10, ông Johnson đã thúc giục các nhà lập pháp hãy thông qua dự luật thỏa thuận rút lui để “chuyển qua trang này và cho phép Quốc hội và đất nước bắt đầu hàn gắn và đoàn kết”.

Nếu chúng ta thông qua dự luật này vào tối nay, chúng ta sẽ có cơ hội giải quyết các ưu tiên không chỉ về mối quan hệ của chúng ta với EU, mà còn về những ưu tiên của người dân trong nước. Nếu chúng ta làm thỏa thuận này, nếu chúng ta thông qua thỏa thuận này và luật này được thực thi, chúng ta có thể chuyển qua trang này và cho phép đất nước này và quốc hội này bắt đầu gắn kết và đoàn kết,” ông Johnson nói.

Dự luật Thỏa thuận Rút lui?

Dự luật Thỏa thuận Rút lui mà ông Johnson trình Quốc hội bỏ phiếu hôm 22/10 dày 115 trang, vạch ra các điều khoản về việc nước Anh rời EU, trong đó có các biện pháp để duy trì biên giới mở giữa Bắc Ireland thuộc Anh Quốc và Cộng hòa Ireland – thành viên EU.

Dự luật cũng bảo lưu quyền của công dân Anh và EU đang sống trong lãnh thổ của nhau được tiếp tục cuộc sống bình thường của họ và đặt ra các khoản thanh toán hàng tỷ USD mà Anh phải thực hiện để đáp ứng các nghĩa vụ tài chính của mình với EU.

Dự luật cũng xác nhận một giai đoạn chuyển tiếp kéo dài cho đến ít nhất là cuối năm 2020 và có thể là tới năm 2022, trong đó các mối quan hệ cũ sẽ bị đóng băng trong khi mối quan hệ mới lâu dài bắt đầu được thực hiện.

Quan điểm của EU và các bên liên quan?

Theo BBC, người phát ngôn của Ủy ban Châu Âu nói rằng: “Ủy ban lưu ý kết quả tối nay [tại Quốc hội Anh] và hy vọng chính phủ Anh sẽ thông tin cho chúng tôi về các bước tiếp theo.

Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk vào tối muộn 22/10 đã đăng tweet nói rằng ông sẽ đề nghị EU đồng ý yêu cầu của Anh về gia hạn Brexit thêm ba tháng để “tránh Brexit không thỏa thuận”.

Sau các cuộc bỏ phiếu tối 22/10, một nguồn tin từ Văn phòng Thủ tướng Anh nói với BBC rằng Quốc hội “đã thổi bay cơ hội cuối cùng của họ”.

Nếu Brussels đồng ý với yêu cầu gia hạn của Quốc hội, thì cách duy nhất mà nước này có thể tiến lên là bằng một cuộc bầu cử,” nguồn tin nêu trên cho biết thêm.

Trong khi đó, lãnh đạo đảng Lao động đối lập Jeremy Corbyn nói rằng ông Johnson là “tác giả cho sự bất hạnh của chính mình”.

Lãnh đạo đảng SNP, Ian Blackford gọi cuộc bỏ phiếu hôm 22/10 tại Quốc hội “là một thất bại nhục nhã khác” của Thủ tướng Johnson.

Lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do Jo Swinson kêu gọi ông Johnson hãy “chấm dứt tình trạng khó khăn này và thay thế nó bằng một số hoạt động ngoại giao” để đảm bảo gia hạn Brexit với EU.

Diễn tiến tiếp theo ra sao?

Ông Johnson đã nói với Quốc hội rằng: “Tôi sẽ nói chuyện với các nước thành viên EU về mục đích của họ, nhưng cho tới khi họ đưa ra quyết định, cho đến khi chúng ta đạt được quyết định, tôi sẽ nói, chúng ta sẽ dừng luật [thỏa thuận rút lui] này.

Tuy nhiên, ông Johnson cũng nói đồng thời chính phủ sẽ “thực hiện lộ trình trách nhiệm duy nhất và thúc đẩy chuẩn bị cho kịch bản [Brexit] không thỏa thuận”.

Thủ tướng nói thêm rằng: “Hãy để tôi nói rõ. Chính sách của chúng tôi vẫn là chúng ta sẽ không trì hoãn [Brexit] và chúng ta nên rời EU vào ngày 31/10.

Theo BBC, nếu một cuộc bầu cử được kích hoạt ngay trong tuần này, thì sớm nhất cũng phải tới ngày 28/11 mới tiến hành bầu cử vì luật pháp Anh yêu cầu phải có khoảng thời gian 25 ngày kể từ thời điểm một cuộc bầu cử được yêu cầu tại Quốc hội tới ngày bỏ phiếu chính thức.

Tuy nhiên, Thủ tướng Johnson không thể tự tuyên bố tổ chức bầu cử sớm mà ông cần có sự ủng hộ của Quốc hội.

Các Nghị sĩ dự kiến tiếp tục thảo luận về dự luật thỏa thuận rút lui vào 23 và 24/10, nhưng sau khi ông Johnson tuyên bố “dừng” dự luật, Quốc hội bây giờ sẽ quay sang thảo luận về nội dung của Phát biểu của Nữ hoàng – trong đó đưa ra chương trình nghị sự trong nước của chính phủ cho phiên họp mới của Quốc hội.

Như Ngọc

Xem thêm: