Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken của chính quyền Biden hôm thứ Sáu (5/2, giờ Mỹ) đã điện đàm với người đồng cấp Trung Quốc. Đây là cuộc đối thoại đầu tiên giữa quan chức ngoại giao cấp cao hai nước từ sau khi Mỹ có chính quyền mới và Washington và Bắc Kinh đang ở trong thời điểm thăm dò động thái của nhau.

Embed from Getty Images

Ông Blinken đã gọi điện cho Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì để gửi lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất, The Hill dẫn theo nội dung bản ghi cuộc điện đàm từ Bộ Ngoại giao Mỹ.

Ngoại trưởng Mỹ được cho là cũng đã chèn ép ông Dương về các báo cáo cho thấy chế độ Trung Quốc lạm dụng nhân quyền người Duy Ngô Nhĩ, Tân Cương và đàn áp các quyền tự do dân sự tại Tây Tạng, Hồng Kông, cùng nhiều vấn đề khác liên quan đến an ninh.

Ngoại trưởng Blinken đã nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục bảo vệ nhân quyền và các giá trị dân chủ, bao gồm tại Tân Cương, Tây Tạng và Hồng Kông. Ông Blinken cũng ép Trung Quốc phải tham gia cùng cộng đồng quốc tế trong việc lên án cuộc đảo chính quân sự tại Miến Điện [Myanmar]”, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.

Các lợi ích của Washington và Bắc Kinh tại Myanmar là đan xen nhau. Chính quyền Biden đang nghiêng về việc yêu cầu quân đội Myanmar phải từ bỏ quyền lực mà họ vừa thâu tóm, nhưng các chuyên gia nói rằng Washington có thể phải cảnh giác với việc thực thi quá nhiều áp lực vì sợ sẽ đẩy quốc gia Đông Nam Á này ngả hơn nữa vào vòng tay của Trung Quốc.

Về vấn đề Tân Cương, Bộ Ngoại giao Mỹ hôm thứ Tư (3/2) đã phát đi tuyên bố nói rằng Hoa Kỳ “cực kỳ quan ngại” về các báo cáo gần đây chỉ ra rằng những phụ nữ bị giam giữ trong các trại tập trung ở Tân Cương phải hứng chịu lạm dụng tình dục và cưỡng hiếp có hệ thống. Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh hành động tàn bạo này phải chịu hậu quả thích đáng.

Một báo cáo của BBC vào đầu ngày 3/2 cho biết những phụ nữ trong các trại tập trung ở Tân Cương đã bị lạm dụng nghiêm trọng. “Nhiều nạn nhân từng bị giam gữ và một cựu quản giáo đã nói với BBC rằng họ đã trải nghiệm và nhìn thấy bằng chứng về hệ thống có tổ chức của sự cưỡng hiếp hàng loạt, lạm dụng tình dục và tra tấn”, hãng tin của Anh cho hay.

>>BBC: Nạn nhân trong các trại tập trung ở Trung Quốc bị hãm hiếp và tra tấn

Các nhà chức trách Trung Quốc đã lên tiếng bác bỏ các báo cáo về lạm dụng nhân quyền tại Tân Cương. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân trong cuộc họp báo thường nhật hôm 5/2 đã nói rằng báo cáo của BBC là “tin đồn và dối trá”.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng Blinken hôm 5/2 “đã tái khẳng định rằng Hoa Kỳ sẽ làm việc cùng với các đồng minh và đối tác của mình để bảo vệ các giá trị và lợi ích chung nhằm buộc [Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa] phải chịu trách nhiệm cho những nỗ lực của chế độ này trong việc đe dọa sự ổn định tại Ấn Độ – Thái Bình Dương, bao gồm xuyên Eo biển Đài Loan, và việc Trung Quốc đang làm xói mòn hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ”.

Trong cuộc điện đàm với ông Blinken, ông Dương Khiết Trì đã nói rằng Hoa Kỳ nên “làm đúng lại” những sai lầm gần đây và cả hai bên phải tôn trọng hệ thống chính trị và con đường phát triển của nhau, The Epoch Times dẫn theo một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Trước đó, ông Dương trong một diễn đàn trực tuyến hôm 1/2, cũng đã kêu gọi Hoa Kỳ “chấm dứt can thiệp” vào các vấn đề thuộc chủ quyền của Trung Quốc, bao gồm Tân Cương, Hồng Kông và Tây Tạng.

Ông Dương trong bài phát biểu hôm 1/2 đã cảnh báo chính quyền Biden không được vượt qua “lằn ranh đỏ” của Bắc Kinh, đồng thời cũng nhắm tới chỉ trích chính quyền Trump. Ông Dương cho biết “những chính sách sai lầm” của chính quyền Trump đã đẩy mối quan hệ song phương vào “thời kỳ khó khăn nhất” kể từ khi hai nước Mỹ – Trung thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức.

Vào năm 1979, Washington đã chấm dứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan để thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Bắc Kinh và công nhận chính sách “một Trung Quốc” và ký ba thông cáo chung Mỹ – Trung.

Chính sách “một Trung Quốc” và các thông cáo chung này là các thỏa thuận ngoại giao theo đó Hoa Kỳ chính thức thừa nhận Đài Loan không phải là một quốc gia riêng rẽ mà là một phần của Trung Quốc. Đồng thời, Washington vẫn duy trì các mối quan hệ ngoại giao riêng biệt với Đài Loan thông qua Đạo luật Quan hệ Đài Loan (TRA). Các mối quan hệ Mỹ – Đài bao gồm việc Mỹ đảm bảo an ninh cho Đài Loan và ủng hộ hòn đảo dân chủ này bằng các gói vũ khí. Trong năm 2020, chính quyền Trump đã phê duyệt bán vũ khí cho Đài Loan trị giá khoảng 5 tỷ USD.

Ngoại trưởng Mike Pompeo khi còn tại nhiệm đã quyết định gỡ bỏ tất cả các hạn chế liên quan đến trao đổi ngoại giao Mỹ – Đài Loan, mở đường cho các quan chức hai bên thăm chính thức lẫn nhau.

Cuộc điện đàm giữa ông Blinken và ông Dương Khiết Trì hôm 5/2 đến vào thời điểm chưa có sự chắc chắn trong mối quan hệ Mỹ – Trung dưới thời chính quyền mới của ông Joe Biden. Cả hai bên được cho là vẫn đang thăm dò lẫn nhau để từ đó có thể đưa ra những động thái ngoại giao tiếp theo một cách phù hợp.

Ông Joe Biden hôm thứ Năm (4/2), trong bài phát biểu lần đầu tại trụ sở Bộ Ngoại giao, đã mô tả Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh đáng gờm nhất của chúng ta”. Ông cũng nói Washington sẽ tiếp tục đương đầu với những điều ông mô tả là “hành vi tấn công của Trung Quốc vào nhân quyền, sở hữu trí tuệ, và quản trị toàn cầu”.

Sự lãnh đạo của Mỹ phải đáp ứng được thời khắc mới của sự trỗi dậy của chủ nghĩa độc tài, trong đó có những tham vọng ngày càng tăng của Trung Quốc trong việc ganh đua với Hoa Kỳ. Chúng ta sẽ đối đầu với sự lạm dụng kinh tế của Trung Quốc; đáp trả hành động gây hấn và cưỡng bức của họ; đẩy lùi hành vi Trung Quốc tấn công vào nhân quyền, sở hữu trí tuệ và quản trị toàn cầu”, ông Biden nói.

Ông Biden cũng đang cho rà soát lại quyết định của người tiền nhiệm về việc liệt hành vi đàn áp của Trung Quốc đối với nhóm người thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ là tội ác diệt chủng. Các chuyên gia cho rằng việc rà soát này đang được thực hiện là nhằm đảm bảo các thủ tục được tuân thủ, chứ không phải để bác bỏ sự nghiêm trọng của hành vi đàn áp.

Tuy nhiên, ông Biden cũng nói sẽ sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc. “Chúng tôi sẵn sàng làm việc với Bắc Kinh khi đó là lợi ích của Mỹ để làm như vậy”, ông Biden nói hôm 5/2. Một trong những lĩnh vực mà ông Biden để ngỏ sẽ hợp tác với chế độ Trung Quốc là việc ứng phó với biến đổi khí hậu.

>>Ông Biden đe dọa “quay lưng” với Nga, yêu cầu thả vô điều kiện ông Navalny

Hoàn cầu Thời báo – cơ quan của Đảng Cộng sản Trung Quốc – hôm thứ Bảy (6/2) đã đăng bài viết cho biết họ dự đoán chính quyền Biden sẽ tiếp tục nói mạnh, đồng thời vẫn cải thiện hợp tác trong một vài lĩnh vực.

Đây là sự khác biệt rõ ràng so với giai đoạn sau của chính quyền Trump. Chính quyền này đã chỉ kích động sự đối kháng giữa Mỹ và Hoa Kỳ”, Hoàn cầu Thời báo nhận định.

Chính quyền Trump đã đối đầu với Trung Quốc về những hành vi vi phạm nhân quyền của chế độ này đối với các học viên Pháp Luân Công, người dân Hồng Kông, các cộng động thiểu số Hồi giáo, người Tây Tạng và người Duy Ngô Nhĩ. Washington khi đó đáp trả Trung Quốc bằng cách áp đặt hạn chế thị thực và các chế tài kinh tế lên các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc chịu trách nhiệm về vi phạm nhân quyền.

Ngoài ra, Ngoại trưởng Mike Pompeo của chính quyền Trump tháng trước đã liệt hành vi đàn áp người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác của Đảng Cộng sản Trung Quốc là tội ác diệt chủng và “tội phạm chống lại nhân loại”.

Chế độ Trung Quốc thường lảng tránh những chỉ trích của quốc tế đối với các chính sách nội bộ của họ bằng việc tuyên bố các vấn đề nhất định – trong đó có những nỗ lực quân sự hóa Biển Đông, và các chiến thuật bắt nạt Đài Loan – là “các vấn đề nội bộ” của Trung Quốc và quốc tế không được can thiệp.

Dưới chính quyền Trump, Bộ Tư pháp Mỹ trong năm 2019 đã đưa ra các bản cáo trạng liên quan đến hành vi đánh cắp bí mật thương mại và các tội phạm khác của Trung Quốc, nhiều hơn suốt 8 năm dưới chính quyền Obama.

Nhà bình luận về các vấn đề Trung Quốc Tang Jingyuan nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với The Epoch Times rằng chế độ Trung Quốc đang sử dụng cả chiến thuật mềm và rắn để gây áp lực lên chính quyền Biden, với hy vọng sẽ khởi động lại được các cuộc đối thoại chính thức với Washington.

Chuyên gia Tang Jingyuan cho rằng phát biểu của ông Dương Khiết Trì tại một diễn đàn trực tuyến hôm 1/2 là một ví dụ về cách tiếp cận mềm, trong khi những hành động như điều phi cơ xâm lấn không phận Đài Loan và ban hành chế tài các cựu quan chức Mỹ dưới thời Tổng thống Trump, là các chiến thuật diều hâu.

Theo ông Tang Jingyuan, phát biểu của ông Dương Khiết Trì có thể được hiểu như là chỉ báo rằng chế độ Trung Quốc sẽ sẵn sàng nhượng bộ nếu Hoa Kỳ hứa không vượt qua “lằn ranh đỏ”.

Rút cuộc, nhà bình luận Tang Jingyuan tin rằng chế độ Trung Quốc muốn “quay ngược lại thời điểm mà nhân quyền và thương mại là hai vấn đề tách bạch nhau” trong các cuộc đàm phán. Bắc Kinh muốn như vậy là để chế độ này có thể tiếp tục làm ăn kinh doanh với Hoa Kỳ, đồng thời vẫn phớt lờ các vấn đề nhân quyền.

Xuân Thành

Xem thêm: