Tờ Diplomat đưa tin, ngày 27/1/2021 vừa qua, các nghị sĩ Nhật Bản đã họp để thảo luận về việc thành lập một nhóm nghị sĩ đa đảng nhằm vận động đưa ra Đạo luật Magnitsky phiên bản Nhật. Magnitsky là một đạo luật của Hoa Kỳ, lúc đầu được ban hành nhằm trừng phạt các quan chức Nga liên quan và chịu trách nhiệm về cái chết của luật sư Sergei Magnitsky, người bị tra tấn đến chết trong nhà tù ở Moscow vào năm 2009. Sau này, nó được áp dụng để trừng phạt những cá nhân tham gia vào vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, bằng cách cấm nhập cảnh và đóng băng tài sản. Nhật Bản hiện là nước duy nhất trong khối G7 chưa ban hành Đạo luật Magnitsky.

The Diplomat: Nhật Bản cần ban hành Đạo luật Magnitsky
(Ảnh: Kohuku/Shutterstock, Royalty-free stock photo)

Cuộc họp của các nghị sĩ Nhật Bản có sự tham gia của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nakatani Gen của Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền, cựu Bộ trưởng Tài chính Toyama Kiyohiko của Đảng Komeito, Yamao Shiori thuộc Đảng Dân chủ Đối lập vì Nhân dân, và Kushida Seiichi của Đảng Nhật Bản Đổi mới thuộc phe bảo thủ.

Trong cuộc họp, ông Nakatani nhấn mạnh rằng Nhật Bản cần xây dựng một Đạo luật Magnitsky để ngăn chặn các hành vi vi phạm nhân quyền. Sự chậm trễ đã khiến một số nhà lập pháp “đặt câu hỏi liệu Nhật Bản có phải là một quốc gia tôn trọng nhân quyền hay không”.

Ngoài Hoa Kỳ, từ năm 2016 đến năm 2018, có chín quốc gia đã xây dựng Đạo luật kiểu Magnitsky. Phong trào Magnitsky toàn cầu đã tăng tốc vào năm ngoái khi Kosovo đã thông qua Đạo luật Magnitsky của riêng mình vào tháng 1, và vào tháng 7, Vương quốc Anh đã ban hành phiên bản của Anh. Vào tháng 12, Liên minh Châu Âu đã thông qua Đạo luật Magnitsky Châu Âu. Úc đang xem xét việc ban hành đạo luật kiểu Magnitsky kể từ tháng 12/2020.

Để đối phó với việc Bắc Kinh thông qua Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông cũng như giải quyết những lo ngại ngày càng tăng về các vấn đề nhân quyền tại Hồng Kông, JPAC, một liên minh đa đảng đã được thành lập bởi nghị sĩ từ cả hai đảng cầm quyền và đối lập của Nhật Bản vào tháng 7/2020. Trong cuộc họp khai mạc, một số thành viên JPAC gợi ý rằng Nhật Bản nên ban hành một đạo luật kiểu Magnitsky để Tokyo có thể góp phần ngăn chặn vấn nạn vi phạm nhân quyền.

Tuy nhiên, các Đảng hoạt động thân mật với Đảng Cộng sản Trung Quốc như Đảng Komeito, Đảng Cộng sản Nhật Bản và Đảng Dân chủ Xã hội đã không tham gia vào JPAC. Bên cạnh đó, một số nhà lập pháp của Đảng Dân chủ Tự do, đặc biệt là Tổng thư ký Nikai Toshihiro, đã bày tỏ lo ngại rằng việc thành lập JPAC sẽ phá hoại thương mại với Trung Quốc, một đối tác thương mại quan trọng của Nhật Bản. Chính vì thế, các nghị sĩ đã quyết định tách riêng liên minh làm việc về Đạo luật Magnitsky với liên minh về các vấn đề Hồng Kông.

Đạo luật Magnitsky toàn cầu đã tiến hành trừng phạt một số cá nhân và tổ chức từ một số quốc gia bao gồm Pakistan, Uzbekistan và Myanmar. Một nhóm lưỡng đảng của các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ cũng đã gây áp lực buộc chính phủ Hoa Kỳ phải áp dụng Đạo luật Magnitsky để xử phạt các quan chức Trung Quốc vì hành vi giam giữ hàng loạt người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ trong các trại tập trung tại Tân Cương. Bên cạnh đó, Hoa Kỳ cũng đã sử dụng Đạo luật để trừng phạt cá nhân tham gia đàn áp người tập Pháp Luân Công tại Trung Quốc.

Hiến pháp Nhật Bản có lời mở đầu rằng: “Chúng tôi công nhận tất cả con người trên thế giới có quyền được sống trong hòa bình, không sợ hãi và không thiếu thốn.” Bài viết trên Diplomat cho rằng vì những giá trị phổ quát này, Nhật Bản cần thông qua Đạo luật nhằm thúc đẩy nhân quyền phù hợp với nguyện vọng của Hiến pháp.

Theo Diplomat
Minh Nhật lược dịch

Xem thêm:

Mời xem video: