Bản tin Thế giới 24h của Trí Thức VN tổng hợp những thông tin cập nhật mới nhất về các diễn biến đáng chú ý trên thế giới, với tiêu điểm là Trung Quốc, cuộc đối đầu Mỹ – Trung, bầu cử Mỹ 2020, và đại dịch COVID-19.

The gioi
(Ảnh minh hòa từ ShutterStock)

Đại dịch COVID-19

  • Tính đến 7h30 sáng 1/10 (giờ Việt Nam), theo trang worldometers, tổng số ca COVID-19 toàn cầu đã vượt 34,1 triệu ca – tăng 312.000 ca so với ngày trước đó. Tổng số ca tử vong toàn cầu tăng thêm hơn 6.100 ca lên mức 1,018,168 ca.
  • Ba nước đứng đầu thế giới về số ca nhiễm vẫn giữ nguyên so với trước đó: Mỹ 7.446.835 ca; Ấn Độ 6.310.267 ca; và Brazil 4.813.586 ca. Đặc biệt, con số ca nhiễm mới trong ngày ở Ấn Độ vẫn ở mức tăng cao nhất thế giới, với hơn 86.700 ca trong vòng 24h. Với tốc độ tăng như hiện tại, Ấn Độ dự đoán sẽ sớm vượt Mỹ trở thành nước chịu thiệt hại nặng nề nhất do COVID-19.
  • Tại châu Âu, các ca nhiễm tiếp tục tăng mạnh trong ngày ở Tây Ban Nha (thêm hơn 11.000 ca mới); Pháp (thêm hơn 12.800 ca mới); Nga (thêm hơn 8.400 ca mới) và Anh (thêm hơn 7.000 ca mới). Các quốc gia khác cũng ghi nhận số ca nhiễm mới trên hàng nghìn/24h như Thổ Nhĩ Kỳ, Ý, Đức, Ukraine, Rumani, Hà Lan và Bỉ.
  • Tại Đông Nam Á, Indonesia có mức tăng kỷ lục trong ngày với hơn 4.200 ca nhiễm mới và 139 ca tử vong mới. Philippines cũng có tới hơn 2.400 ca nhiễm mới và thêm 58 ca tử vong. Trong khi đó, các quốc gia khác trong khu vực đã kiểm soát được khá tốt dịch bệnh.
  • Ngân hàng Thế giới đã công bố kế hoạch 12 tỉ USD để giúp các nước nghèo mua và phân phối vắc xin COVID-19.

Bầu cử Tổng thống Mỹ 2020

  • Buổi tranh biện đầu tiên giữa hai ứng viên Donald Trump và Joe Biden đã diễn ra tối 29/9 giờ địa phương với 6 chủ đề và kéo dài hơn 90 phút. Nhiều hãng truyền thông cùng đưa ra nhận xét rằng buổi tranh biện đã diễn ra khá hỗn loạn khi hai bên liên tục công kích, ngắt lời nhau.
  • Người dẫn chương trình Chris Wallace đã bị một số bên chỉ trích là thiên vị ông Joe Biden hơn khi ngắt lời ông Trump nhiều hơn và bị cáo buộc cố tình chuyển hướng các tranh luận đang có lợi thế cho ông Trump.
  • Hiện vẫn có nhiều ý kiến tranh cãi về ai đã thể hiện tốt hơn trong buổi tranh biện. Ông Trump cho rằng ông đã thể hiện tốt hơn. “Chúng tôi đã chiến thắng dễ dàng trong cuộc tranh luận tối qua. Tôi nghĩ ông ấy rất yếu,” ông Trump nói.
  • Tờ Politico đưa tin rằng có thể Joe Biden sẽ không muốn tham gia hai cuộc tranh luận tiếp theo, mặc dù điều này bị đội ngũ tranh cử của ông Biden phủ nhận.
  • Đội ngũ tranh cử của ông Joe Biden cho hay chiến dịch của ông đã quyên được số tiền kỷ lục sau cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên với Tổng thống Donald Trump (3,8 triệu USD thông qua trang web ActBlue chỉ trong vòng 1 giờ đồng hồ từ 22h đến 23h ngày 29/9).
  • Trong thông cáo phát đi ngày 30/9, Uỷ ban Tranh biện Tổng thống Mỹ (CPD) cho biết sẽ thay đổi thể thức để hai cuộc tranh luận sắp tới giữa hai ứng viên Donald Trump và Joe Biden diễn ra có trật tự hơn. Theo truyền thông Mỹ, CPD đang tính tới việc yêu cầu người điều hành cuộc tranh luận cắt micro của ứng viên nếu cần thiết.

Quan hệ Mỹ – Trung

  • Đến thăm Ý hôm 30/9, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo kêu gọi chính phủ Italia xem xét và cẩn thận trước các rủi ro mà các công ty công nghệ có quan hệ với chính quyền Trung Quốc đặt ra với an ninh quốc gia và quyền riêng tư của công dân Italia. Đáp lại, Ngoại trưởng Di Maio cho biết Italia hiểu rõ mối quan ngại của Mỹ về công nghệ 5G của Trung Quốc
  • Ông Pompeo đến Rome nhưng Giáo hoàng tránh gặp, viện dẫn trong thời điểm nhạy cảm bầu cử Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, giới phân tích lại cho rằng Giáo hoàng không hài lòng việc ông Pompeo công khai kêu gọi hủy bỏ thỏa thuận lịch sử Vatican – Trung Quốc ký năm 2018. Phát biểu tại hội nghị do Đại sứ quán Mỹ tại Vatican tổ chức ngày 30/9, ngoại trưởng Mỹ tiếp tục nhắc lại lời kêu gọi Tòa thánh Vatican chống lại việc vi phạm tự do tôn giáo ở Trung Quốc.

Đài Loan

  • Cơ quan ngoại giao của Mỹ tại Đài Loan cho biết quan hệ đối tác hợp tác Đài Loan – Mỹ đã nâng lên cấp độ mới khi Mỹ và Đài Loan sẽ cùng hợp tác trong các dự án cơ sở hạ tầng tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và Mỹ Latinh nhằm đối trọng với Trung Quốc.

Quan hệ giữa Trung Quốc và các quốc gia khác

  • Trung – Ấn: Ấn Độ vừa lên tiếng bác bỏ định nghĩa về đường Kiểm soát Thực tế (LAC) mà Trung Quốc đưa ra từ năm 1959 và được nhắc lại mới đây, cho rằng “không có cơ sở và hoàn toàn đơn phương”. Đây được coi là động thái đáp trả của Ấn Độ trước việc Bộ Ngoại giao Trung Quốc mới đây kiên quyết cho rằng nước này lấy đường ranh giới năm 1959 là cơ sở cho đường LAC hiện tại.

Các tin tức khác

  • Bất ổn Belarus: Tình hình tại Belarus vẫn tiếp tục bất ổn sau khi ông Alexander Lukashenko chiến thắng cuộc bầu cử Tổng thống hôm 9/8. Ngoại trưởng Anh Dominic Raab ngày 29/09 thông báo các lệnh trừng phạt đối với 8 thành viên cấp cao của chính quyền ở Belarus, trong đó có ông Alexander Lukashenko, cố vấn an ninh quốc gia và chánh văn phòng của ông Lukashenko liên quan tới cuộc bầu cử gian lận và đàn áp người biểu tình. Tổng thống Pháp Macron tuyên bố sẽ làm hết sức có thể với tư cách là những người châu Âu để hỗ trợ hòa giải Belarus. Trong khi đó, Tổng thống Nga Putin khẳng định Nga sẵn sàng sát cánh bên Belarus.
  • Xung đột Trung Á: Chiến sự vẫn diễn ra ác liệt tại khu vực Nagorno-Karabakh liên quan tới tranh chấp lãnh thổ giữa Azerbaijan và Armenia và đang có nguy cơ leo thang thành xung đột quân sự toàn diện. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã phải họp khẩn tìm giải pháp hạ nhiệt tình hình nhưng hai bên xung đột hiện vẫn từ chối đối thoại theo lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế.
  • Nhật Bản: Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã đề nghị tăng 8,3% ngân sách quốc phòng lên 5,48 nghìn tỷ Yên (gần 52 tỷ USD) – mức tăng cao nhất trong vòng hơn 2 thập niên qua để tăng cường năng lực đối phó với các mối đe dọa mới, trong đó có chiến tranh mạng, chiến tranh không gian và chiến tranh điện từ.
  • Hồng Kông: Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) vừa được tại ngoại trong ngày 30/9 sau khi chính thức bị buộc tội tại tòa án liên quan tham gia một cuộc biểu tình không được cho phép năm ngoái. Phiên tòa xét xử Hoàng Chi Phong được hoãn đến ngày 18/12.
  • Hãng tin Bloomberg dẫn báo cáo của Microsoft cho biết tập đoàn công nghệ Mỹ đã thực hiện 13.000 cảnh báo về các nỗ lực tấn công mạng cấp quốc gia đối với khách hàng của mình trong hai năm qua, với 52% vụ diễn ra từ tháng 7/2019 tới tháng 6/2020 có liên quan đến tin tặc Nga.

Bảo Minh

Xem thêm: