Bản tin Thế giới 24h của Trí Thức VN tổng hợp những thông tin cập nhật mới nhất về các diễn biến đáng chú ý trên thế giới, với tiêu điểm là Trung Quốc, cuộc đối đầu Mỹ – Trung, bầu cử Mỹ 2020, và đại dịch COVID-19.

The gioi 24h 20 10
Bản tin chọn lọc Thế giới 24h của Trí thức VN

Đại dịch COVID-19

  • Theo Worldometers, tính đến 8h sáng giờ Việt Nam, thế giới ghi nhận thêm hơn 334.000 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm toàn cầu lên hơn 40,6 triệu ca. Như vậy, trung bình khoảng 3 ngày thế giới sẽ tăng thêm 1 triệu ca nhiễm.
  • Số ca tử vong trong ngày gia tăng kỷ lục, với hơn 4.300 ca (so với thông thường các ngày trước từ 1 đến 2 nghìn ca). Các nước có số ca tử vong tăng cao gồm Ấn Độ, Argentina, Mỹ, Iran, Brazil.
  • Argentina đã trở thành nước thứ 5 trên thế giới có số ca nhiễm vượt 1 triệu, trở thành quốc gia nhỏ nhất cho đến nay chạm đến “cột mốc” này sau khi tình trạng lây nhiễm tăng nhanh trong những tuần gần đây.
  • Anh Quốc có một ngày gia tăng số ca nhiễm kỷ lục với 18.800 ca mới, nâng tổng số ca nhiễm lên hơn 741.000, đứng thứ 11 thế giới. Trong khi đó, Pháp và Tây Ban Nha tiếp tục tăng với lần lượt hơn 13 nghìn và 12 nghìn ca mới.
  • Ireland là quốc gia gần đây công bố lệnh kiểm soát COVID-19 chặt chẽ nhất ở châu Âu với việc đóng cửa hàng bán lẻ không cần thiết, hạn chế các nhà hàng và quán bar, khuyến cáo người dân không đi lại nhiều hơn 5km từ nhà của họ.
  • Cư dân ở Bavaria sẽ không thể rời khỏi nhà của họ mà không có lý do chính đáng trong hai tuần kể từ thứ Ba (20/10). Đây là khu vực đầu tiên ở Đức trở lại tình trạng phong toả kể từ tháng Tư.
  • Tại Đông Nam Á, Indonesia và Philippines vẫn là 2 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch với xấp xỉ 3 nghìn ca nhiễm mới trong ngày, nâng tổng số ca nhiễm lên lần lượt là hơn 365 nghìn ca và 359 nghìn ca. Đặc biệt, có tới hơn 12,6 nghìn ca tử vong ở Indonesia, gấp đôi Philippines.
  • New Zealand cho biết dịch virus corona đã ‘bị loại bỏ’ ở nước này và mọi thứ sẽ trở lại bình thường. Thủ tướng Jacinda Ardern cho biết New Zealand sẽ dỡ bỏ tất cả các biện pháp ngăn chặn ngoại trừ việc kiểm soát biên giới
  • Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ hôm thứ Hai đã đưa ra “khuyến cáo nghiêm khắc rằng tất cả hành khách và nhân viên trên máy bay, tàu hỏa, tàu điện ngầm, xe buýt, taxi và các phương tiện đi chung phải đeo khẩu trang để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19.
  • Theo kết quả sơ bộ về thử nghiệm lâm sàng vắc-xin giai đoạn cuối ở Brazil, một loại vắc-xin thử nghiệm được phát triển bởi Sinovac Biotech của Trung Quốc được kết luận “dường như an toàn.”
  • Tổng thống Trump trong một cuộc điện đàm với giới chức trong ủy ban vận động tranh cử có sự tham gia của phóng viên ngày 19/10 đã nói rằng chuyên gia dịch tễ học Anthony Fauci là “thảm họa.” “Nếu nghe ông ấy, 500.000 người có thể đã chết (vì COVID-19)”. Ông Trump cũng chỉ trích ông Fauci “khoác lác” trong các cuộc phỏng vấn, nhưng “sẽ là một quả bom lớn hơn nếu ông ấy bị sa thải”. “Mọi người mệt mỏi khi phải nghe những lời khuyến cáo của Fauci và những kẻ ngốc”, ông Trump nói.

Bầu cử Tổng thống Mỹ 2020

  • Tổng thống Donald Trump thông báo ông sẽ xét nghiệm COVID-19 trước cuộc tranh luận cuối cùng với đối thủ Joe Biden trong tuần này. Cuộc tranh luận trực tiếp cuối cùng giữa hai ứng viên Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra ở Nashville, bang Tennessee hôm 22/10 giờ Mỹ (23/10 giờ Việt Nam) và dự kiến kéo dài 90 phút. Cuộc tranh luận lần này sẽ bao gồm các chủ đề: Cuộc chiến với COVID-19, các gia đình Mỹ, chủng tộc tại Mỹ, biến đổi khí hậu, an ninh quốc gia và sự lãnh đạo.
  • Chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump hiện đang yêu cầu Ủy ban tranh luận Tổng thống điều chỉnh các chủ đề cho cuộc tranh luận cuối cùng, đó là đưa chủ đề về “chính sách đối ngoại” làm tâm điểm. Phía ông Trump cũng cáo buộc ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden đã tránh nói chuyện về hồ sơ chính sách đối ngoại của mình và nhấn mạnh việc Ủy ban tranh luận tìm cách thay đổi cuộc tranh luận cuối cùng là nhằm bảo vệ quá khứ của ông Biden.
  • Những quan ngại mới về thiên vị chính trị đang nổi lên liên quan tới phóng viên Kristen Welker – người điều hành cuộc tranh biện tổng thống thứ hai. Cô được cho là có mối quan hệ rất gần gũi với Đảng Dân chủ. 
  • Hồ sơ về bê bối của Hunter Biden nói riêng và nhà Biden nói chung tiếp tục là tâm điểm trên các trang truyền thông cánh hữu, trong khi đó truyền thông dòng chính gần như phớt lờ vụ việc. Twitter vẫn tiếp tục khoá tài khoản của NY Post với điều kiện phải xóa bài đăng liên quan.
  • Fox News cho biết họ đã thu thập được các tài liệu cho thấy chữ ký của ông Hunter Biden trên hồ sơ giấy tờ tại cửa hàng sửa chữa máy tính ở Delaware, nơi con trai của cựu tổng thống Mỹ được cho là đã để lại ba chiếc laptop để sửa.
  • Hôm 17/10, ông Giuliani – cựu Thị trưởng New York và hiện là luật sư riêng của Tổng thống Trump, trả lời phỏng vấn với Fox News liên quan đến có hay không bằng chứng nào cho thấy ông Joe Biden biết về công việc làm ăn của ông Hunter Biden. Ông Giuliani đáp rằng “ông lớn” được 10% mà email của Hunter Biden đề cập chính là ông Joe Biden. Đến hôm 18/10, ông Giuliani tiếp tục tuyên bố rằng có đầy đủ bằng chứng chứng minh ông Joe Biden nắm 10% cổ phần. Chiến dịch tranh cử của ông Joe Biden đã khẳng định rằng cựu phó tổng thống và con trai ông ta không làm gì sai.
  • Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ John Ratcliffe hôm thứ Hai (19/10) đã nói rằng thông tin có trong laptop của ông Hunter Biden do tờ New York Post tiết lộ tuần trước “không phải là một phần của chiến dịch đưa tin sai lệch nào đó của Nga”, bác bỏ các cáo buộc của Dân biểu Dân chủ Adam Schiff – Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện – cho rằng các email thể hiện cựu Phó Tổng thống Joe Biden biết về các thỏa thuận làm ăn của con trai ông ta tại Ukraine là “trò bôi nhọ” do Moscow tạo ra.

Quan hệ Mỹ – Trung

  • Tại hội nghị trực tuyến về tăng cường hợp tác Mỹ – Brazil, Ngoại trưởng Mike Pompeo hôm 19/10 muốn hai nước tìm ra cách thức để tăng cường thương mại và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang nỗ lực thắt chặt quan hệ với Brazil và tạo đối trọng với Trung Quốc.
  • Trung Quốc đang bắt đầu thu mua lại đậu tương Mỹ. Theo giới quan sát, việc này sẽ giúp Tổng thống Donald Trump giành lợi thế ở các bang chủ chốt khi cuộc bầu cử Mỹ 2020 sắp tới gần. Các cử tri nông dân được xem là một trong những nhóm cốt lõi ủng hộ ông Trump và họ có thể có vai trò chủ chốt trong một số bang chiến trường ở Trung Tây, nơi cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa Biden – Trump vẫn chưa nghiêng hẳn về bên nào.
  • Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 19/10 chỉ trích Mỹ “đổi trắng thay đen” sau khi tờ Wall Street Journal đưa tin Bắc Kinh cảnh báo sẽ giam giữ công dân Mỹ ở Trung Quốc để đáp trả việc Washington truy tố những học giả của họ. Ông Triệu Lập Kiên tuyên bố hành động của Mỹ đã làm ảnh hưởng sâu sắc đến lợi ích của công dân Trung Quốc và nói Mỹ đang “triệt để đàn áp chính trị” đối với các học giả của họ.

Đài Loan

  • Cơ quan đối ngoại Đài Loan hôm 19/10 cho biết một vụ xô xát đã xảy ra giữa các nhà ngoại giao Đài Loan và Trung Quốc vào tối 8/10 tại một văn phòng đại diện của họ ở Fiji. Theo đó, hai nhân viên đại sứ quán Trung Quốc ở Fiji đã xông vào và tìm cách chụp ảnh và thu thập thông tin những người tham dự sự kiện tại đây. Vụ xô xát đã khiến một nhà ngoại giao Đài Loan bị thương và phải nhập viện.
  • Bên cạnh việc tập trận liên tiếp gần Đài Loan, các nguồn tin và giới quan sát cho biết Trung Quốc đang tăng cường quân sự ở bờ biển phía đông nam. Theo SCMP, Bắc Kinh đã nâng cấp các cơ sở tên lửa và triển khai tên lửa siêu thanh DF-17 đến khu vực.

Quan hệ giữa Trung Quốc và các quốc gia khác:

  • “Bộ tứ Kim cương” gồm Ấn Độ, Mỹ, Úc và Nhật Bản sẽ tập trận chung vào tháng 11 tới, động thái nhằm thúc đẩy hợp tác quốc phòng trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng các hoạt động trên biển. Trước đó, hôm 19/10, Ấn Độ chính thức cho biết đã mời Úc tham gia cuộc tập trận thường niên Malabar cùng với Mỹ và Nhật Bản (trước đây Ấn Độ thường bỏ qua Úc vì ngại va chạm với Trung Quốc).
  • Trung Quốc – Ấn Độ: Bộ Quốc phòng Ấn Độ hôm 19/10 cho biết đã bắt giữ một binh sĩ Trung Quốc gần khu vực Ladakh ở biên giới tranh chấp giữa hai nước khi người này cố tìm cách vượt qua Đường kiểm soát thực tế (LAC).
  • Trung Quốc – Nhật Bản: Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản Kong Xuanyou kêu gọi Tokyo làm trung gian giúp Bắc Kinh và Washington bình ổn mối quan hệ đang căng thẳng giữa 2 nước. Ông mô tả Nhật Bản là “một trong những bên liên quan quan trọng nhất trong quan hệ Mỹ – Trung Quốc”.
  • Trung Quốc – Philippines: Theo Reuters, Tập đoàn Năng lượng PXP của Philippines hôm 19/10 thông báo đang tiến hành đàm phán với Tập đoàn Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) về dự án phát triển dầu khí chung giữa hai nước tại Biển Đông.

Các tin tức khác

  • Trong bài phát biểu quan trọng về chính sách Đông Nam Á nhân chuyến thăm Việt Nam, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide khẳng định ASEAN và Nhật Bản là đối tác bình đẳng và cũng là những người bạn. Trước đó, theo tờ Nikkei, Thủ tướng Suga Yoshihide và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã đồng ý hợp tác về sáng kiến ​​”Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở” trước sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở Hoa Đông và biển Đông.
  • Truyền thông Anh đưa tin Thủ tướng Boris Johnson có ý định rời nhiệm sở ngay sau khi hoàn tất các công việc liên quan đến Brexit và đưa đất nước qua giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch COVID-19 “do mức lương quá thấp”, thậm chí thấp hơn công việc trước kia của ông.
  • Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cảnh báo Mỹ sẽ trừng phạt bất cứ ai buôn bán vũ khí với Iran sau khi lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hiệp Quốc với Tehran đã hết hạn.
  • Tại Pháp, hàng chục nghìn người đã xuống đường ở Paris và nhiều thành phố thể hiện sự đoàn kết sau vụ giáo viên lịch sử bị chặt đầu. Đám đông tuần hành hô to các khẩu hiệu “tự do thể hiện, tự do giảng dạy”, “Tôi là giáo viên” và “Tôi là Samuel”. Thủ tướng Pháp cùng nhiều bộ trưởng và chính trị gia cũng tham gia. Giới chức Pháp lên kế hoạch trục xuất 231 người nước ngoài cực đoan sau vụ việc.
  • Các cuộc biểu tình tiếp tục nổ ra ở Thái Lan với 3 yêu sách được người biểu tình yêu cầu, gồm: giải tán chính phủ, viết lại hiến pháp theo ý nguyện nhân dân và ngừng sách nhiễu những người phản đối chính phủ. Thủ tướng Thái Lan tuyên bố muốn đối thoại với người biểu tình.

Bảo Minh

Xem thêm: