Bản tin Thế giới 24h của Trí Thức VN tổng hợp những thông tin cập nhật mới nhất về các diễn biến đáng chú ý trên thế giới, với tiêu điểm là Trung Quốc, cuộc đối đầu Mỹ – Trung, bầu cử Mỹ 2020, và đại dịch COVID-19.

The gioi
(Ảnh minh hòa từ ShutterStock)

Đại dịch COVID-19

  • Tính đến 8 sáng 21/9 (giờ Việt Nam), theo trang worldometers, tổng số ca COVID-19 toàn cầu là 31.223.512 ca. Số ca tử vong là 964.761 ca, tỷ lệ tử vong trung bình ở mức 4%. 5 nước có số ca nhiễm nhiều nhất là Mỹ (7.004.689 ca), Ấn Độ (5.485.612 ca), Brazil (4.544.629 ca), Nga (1.103.399 ca) và Colombia (765.076 ca). 
  • 7 bang tại Mỹ trong một tuần qua đã phá kỷ lục ca nhiễm mới trong một ngày. Bang Tây Virginia hôm 12/9 có 347 ca mới; ngày 16/9 bang Wyoming có 128 ca mới, ngày 18/9 bang Bắc Dakota có 507 ca mới, bang Nebraska có 502 ca mới, bang Oregon có 492 ca mới, bang Utah có 1.117 ca mới và bang Wisconsin có 2.580 ca mới.
  • Riêng bang Wisconsin đã báo cáo có hơn 2000 ca nhiễm mới trong ba ngày liên tiếp từ 17/9 đến 19/9. 
  • Thủ tướng Anh Boris Johnson đã tuyên bố làn sóng COVID-19 thứ hai tại nước này sau khi số ca nhiễm mới tăng nhanh. Giới chức Anh báo cáo 3.899 ca mới trong ngày Chủ Nhật (20/9), trước đó hôm thứ Bảy (19/9) số ca nhiễm mới tại Anh là 4.422 – mức cao nhất trong vòng bốn tháng. 
  • Chính phủ Anh cũng đã ban hành lệnh phạt hành chính 10.000 bảng Anh đối với những ai vi phạm các quy định tự cách ly. 
  • Li Băng hôm Chủ Nhật (20/9) đã xác nhận thêm 1.006 ca COVID-19 và 11 ca tử vong trong vòng 24 giờ – một kỷ lục mới tại nước này.
  • Hàng nghìn người tại thành phố Jerusalem, Israel đã biểu tình kêu gọi Thủ tướng Benjamin Netanyahu từ chức bất chấp lệnh phong tỏa toàn quốc đã có hiệu lực từ thứ Sáu (18/9).
  • Bộ Y tế Pháp báo có có thêm 10.569 ca mới trong vòng 24 giờ, giảm hơn khoảng gần 3.000 ca so với ca nhiễm mới trước đó một ngày. Trong 24 giờ qua số ca tử vong do COVID-19 tại Pháp là 12 người, nâng tổng số ca COVID-19 tử vong tại nước này lên 31.585 ca. 
  • Mỹ hôm thứ Bảy (19/9) đã đạt mức xét nghiệm COVID-19 kỷ lục với 1 triệu ca xét nghiệm. Tuy nhiên các chuyên gia nói rằng Mỹ cần phải đạt được mục tiêu 6 triệu đến 7 triệu ca xét nghiệm mỗi ngày để kiểm soát đại dịch. 
  • Myanmar đã ban hành lệnh ở-tại-nhà từ ngày thứ Hai (21/9) đối với thành phố lớn nhất cả nước, Yangon. Động thái này được chính quyền Myanmar đưa ra sau ngày Chủ Nhật (20/9) có số ca nhiễm mới tăng kỷ lục. 
  • Nga đã báo cáo thêm 6.148 ca COVID-19 mới trong vòng 24 giờ. Đây là ngày thứ hai liên tiếp số ca nhiễm mới tại Nga tăng vượt mức 6000 ca. 
  • Indonesia báo cáo 3.889 ca mới trong vòng 24 giờ, nâng tổng số ca của quốc gia Đông Nam Á này lên 244.676 ca. Số ca tử vong mới thêm 105 ca, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 lên 9.553 ca. Indonesia đang là quốc gia có số ca tử vong do COVID-19 cao nhất Đông Nam Á. 

Bầu cử Tổng thống Mỹ 2020

  • Tổng thống Trump tuyên bố sẽ đề cử một thẩm phán mới thay thế cố thẩm phán Ruth Bader Ginsburg vừa qua đời hôm thứ Sáu (18/9) ở tuổi 87. Ông Trump cho biết đề cử viên thẩm phán “có khả năng” là nữ. Đây là chủ đề tranh luận liên quan đến bầu cử nổi bật nhất trong 48 giờ qua. 
  • Lãnh đạo Đa số Thượng viện Mitch McConnell và các thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa sẵn sàng xác nhận đề cử thẩm phán của ông Trump trước ngày bầu cử 3/11, tức chỉ còn hơn 40 ngày nữa. 
  • Chiến dịch tranh cử của ông Joe Biden đang chuyển hướng tranh luận từ đại dịch COVID-19 sang vấn đề chăm sóc sức khỏe và liên kết nó với cuộc chiến đề cử thẩm phán cho Tối cao Pháp Viện. Chiến dịch Biden lập luận rằng nếu ông Trump và Đảng Cộng hòa xác nhận thành công thẩm phán mới vào Tối cao Pháp Viện, thì họ sẽ hủy bỏ hoàn toàn Đạo luật Chăm sóc sức khỏe giá cả cạnh tranh, thường gọi là đạo luật ObamaCare.
  • Chiến dịch Biden cũng sẽ sử dụng cuộc chiến bổ nhiệm thẩm phán Tối cao Pháp Viện để thu hút và gia tăng động lực cho các cử tri trẻ, những người muốn bảo vệ tiền lệ án Roe v. Wade, hợp pháp hóa quyền phá thai trên toàn quốc Mỹ.
  • Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi nói trên chương trình “This Week” của kênh ABC hôm Chủ Nhật (20/9) rằng Tổng thống Trump đang vội vã thay thế cố Thẩm phán Tối cao Pháp Viện Ruth Bader Ginsburg bởi vì ông ta “muốn xóa bỏ hoàn toàn Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Giá cả cạnh tranh”.
  • Đảng Dân chủ tuyên bố họ đang cân nhắc một cuộc chiến toàn diện – thay đổi sâu rộng hai nhánh của chính quyền Mỹ, và thậm chí thêm ngôi sao vào lá cờ Mỹ – nếu Đảng Cộng hòa quyết tâm xác nhận thẩm phán Tối cao Pháp Viện trước ngày 3/11 và sau đó họ mất quyền kiểm soát Thượng viện. 
  • Cựu Tổng thống Bill Clinton hôm Chủ Nhật (20/9) đã ví việc Lãnh đạo Đa số Thượng viện Mitch McConnell thề sẽ lấp đầy ghế trống của bà Ruth Bader Ginsburg tại Tối cao Pháp viện trước buổi lễ nhậm chức tổng thống tiếp theo là “cực kỳ đạo đức giả”. Ông kêu gọi Đảng Cộng hòa hãy “nhớ về tấm gương ông Abraham Lincoln đã không xác nhận thẩm phán trong năm bầu cử”.
  • Hầu hết thành viên Đảng Cộng hòa đồng tình việc bổ nhiệm thẩm phán Tối cao Pháp Viện mới trước ngày bầu cử. Nhưng đã có hai nữ thượng nghị sĩ Cộng hòa là bà Lisa Murkowski (bang Alaska) và bà Susan Collins (bang Maine) đã lên tiếng phản đối việc bỏ phiếu chuẩn thuận thẩm phán trước bầu cử. 
  • Thượng nghị sĩ Mitt Romney (bang Utah) và Thượng nghị sĩ Cory Gardner (bang Colorado) – hai thành viên Đảng Cộng hòa thường có xu hướng bỏ phiếu ngược lại số đông trong nội bộ đảng – hiện vẫn chưa đưa ra lập trường về vấn đề bổ nhiệm thẩm phán mới vào Tối cao Pháp viện. 
  • Chiến dịch tái cử của Tổng thống Donald Trump đang đặt khá nhiều công sức vận động tranh cử vào bang Pennsylvania nơi có 20 phiếu đại cử tri (nhiều gấp đôi bang Wisconsin). 
  • Chỉ trong tháng Chín này, 6 nhân vật hàng đầu trong chiến dịch Trump đã thay thế nhau tới vận động tranh cử tại bang Pennsylvania, gồm Ivanka Trump, Eric Trump, Tổng thống Donald Trump (hai lần) và Phó Tổng thống Mike Pence. Ông Trump vào thứ Ba (22/9) sẽ có lần thứ ba trong tháng này tới Pennsylvania. Lần này tổng thống tổ chức buổi vận động tranh cử tại Moon Township, quận Allegheny. 

Quan hệ Mỹ – Trung

  • Thẩm phán Mỹ Laurel Beeler tại một tòa án ở San Francisco hôm 20/9 đã ra phán quyết chặn lệnh cấm WeChat của chính quyền Trump. Thẩm phán Beeler nói rằng lệnh cấm WeChat làm dấy lên những câu hỏi nghiêm trọng liên quan tới Tu chính án thứ nhất của hiến pháp Mỹ, vốn đảm bảo quyền tự do ngôn luận.
  • Phán quyết sơ bộ của thẩm phán Beeler cũng chặn lệnh của Bộ Thương mại Mỹ trong đó sẽ cấm các giao dịch khác tại Mỹ với WeChat. Bà Beeler cho rằng lệnh cấm này có thể làm suy giảm đáng kể khả năng sử dụng WeChat hoặc có thể làm nó trở nên vô dụng đối với những người đang dùng ứng dụng này tại Mỹ.
  • Bộ Thương mại Mỹ vào cuối ngày thứ Bảy 19/9 (giờ Mỹ) đã loan báo rằng họ sẽ trì hoãn thực thi một lệnh cấm tương tự đối với TikTok đã được ban hành trước đó một ngày và dự kiến cũng có hiệu lực vào cuối ngày Chủ Nhật (20/9). Việc trì hoãn một tuần thi hành lệnh cấm đối với TikTok đến sau khi Tổng thống Donald Trump hôm thứ Bảy (19/9) đã đồng ý với thỏa thuận giữa ByteDance (công ty sở hữu TikTok) và hai công ty Mỹ Oracle, Walmart để tạo ra một công ty mới điều hành hoạt động của TikTok tại Mỹ.
  • Hơn 15 tháng sau khi lần đầu tuyên bố, Trung Quốc cuối cùng đã đưa ra “danh sách các thực thể không đáng tin cậy” và cách thức hoạt động của danh sách này. Mặc dù Bắc Kinh không công bố chi tiết các “thực thể” này là ai, nhưng động thái này được cho nhằm đáp trả các công ty Mỹ khi căng thẳng thương mại giữa hai cường quốc tiếp tục gia tăng.
  • Các công ty và cá nhân nước ngoài nằm trong danh sách đen của Bộ Thương mại Trung Quốc sẽ bị hạn chế hoặc cấm hoàn toàn giao dịch (gồm cả các hoạt động xuất nhập khẩu) với Trung Quốc và cũng không được đầu tư vào nước này.
  • Tuyên bố của Bộ Thương mại Trung Quốc cũng cho biết nước này phản đối chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ, kiên quyết bảo vệ lợi ích quốc gia của mình và ủng hộ hệ thống thương mại đa phương.
  • Hôm thứ Sáu (18/9), trong cuộc phỏng vấn với CNN, “người bạn lâu năm” của ông Tập – Đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc Terry Branstad cho biết, ông sắp rời nhiệm sở vào đúng thời điểm căng thẳng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đang gia tăng. Ông Branstad lên án Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) che giấu đại dịch, đồng thời cáo buộc thể chế ĐCSTQ đã khiến cục diện trong mối quan hệ Mỹ – Trung, mối quan hệ ĐCSTQ với các nước trên thế giới ngày càng trở lên căng thẳng hơn.
  • Thái độ cứng rắn của Ngoại trưởng Mỹ Pompeo với ĐCSTQ từ lâu đã chọc giận Bắc Kinh. Mới đây, truyền thông nhà nước Nhật báo Bắc Kinh đã đăng bài bình luận trực tiếp xúc phạm Ngoại trưởng Mỹ Pompeo là “lợn béo”. 

Đài Loan

  • Ngày thứ hai liên tiếp, Bộ Quốc phòng Đài Loan báo cáo 19 chiến đấu cơ Trung Quốc vào sáng 19/9 đã bay qua đường ranh giới của Eo biển Đài Loan, tiến vào Khu vực Nhận diện Phòng không (ADIZ), ngoài khơi phía tây nam của đảo quốc dân chủ.
  • 19 chiến đấu cơ bay gần Đài Loan sáng 19/9 và 18 chiếc bay vào hôm 18/9 được xem là phản ứng của Trung Quốc đối với chuyến thăm Đài Loan chưa từng có tiền lệ của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Keith Krach. Ông là quan chức cấp cao nhất của bộ ngoại giao Mỹ đặt chân tới Đài Loan kể từ khi hai nước chấm dứt mối quan hệ ngoại giao chính thức năm 1979.
  • Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết Trung Quốc đã điều động 12 chiến đấu cơ J-16, 2 chiến đấu cơ J-10, 2 chiến đấu cơ J-11, 2 oanh tạc cơ H-6 và 1 chiến đấu cơ chống tàu ngầm Y-8. Theo một tấm bản đồ mà Bộ Quốc phòng Đài Loan công bố về vị trí của các máy bay quân sự Trung Quốc, không có chiếc nào bay gần lục địa Đài Loan hoặc bay qua lãnh thổ đảo quốc này.
  • Bộ Quốc phòng Đài Loan viết trên Twitter rằng để phản ứng với động thái của Trung Quốc, Không lực Đài Loan (ROCAF) đã phát đi cảnh báo qua sóng phát thanh, điều động chiến đấu cơ và “triển khai hệ thống tên lửa phòng không để giám sát”.
  • Dân biểu Mỹ Tom Tiffany tuần trước đã giới thiệu dự luật kêu gọi Washington chấm dứt chính sách “một Trung Quốc”, nối lại quan hệ chính thức với Đài Loan và bắt đầu đàm phán về Hiệp định Thương mại Tự do Mỹ – Đài Loan.
  • Cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo và lãnh đạo tinh thần Tây Tạng Đức Đạt Lai Lạt Ma đã gửi lời chia buồn tới đám tang cố Tổng thống Đài Loan Lý Đăng Huy được tổ chức sáng 19/9. 

Trung Đông

  • Các quan chức Mỹ, UAE và Sudan sẽ tổ chức một cuộc họp quyết định tại Abu Dhabi (UAE) vào thứ Hai 21/9 (giờ địa phương) bàn về một thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Sudan và Israel. 
  • Theo các nguồn tin từ Sudan, chính phủ nước này đang yêu cầu được viện trợ kinh tế để đổi lại việc ký thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với nhà nước Do Thái Israel. 
  • Chính phủ Mỹ hôm 19/9 cho biết hành động kích hoạt cơ chế “snapback” trong nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc mà bao hàm thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 đã có hiệu lực từ 20 giờ ngày 19/9 (giờ miền đông nước Mỹ).
  • Cơ chế “snapback” có nghĩa rằng các chế tài quốc tế đã được nới lỏng hoặc đã được dỡ bỏ theo thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 sẽ được tái áp đặt và phải được các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc thực thi, trong đó có việc trừng phạt Iran vì quốc gia này làm giàu uranium tới bất kỳ mức nào, các hoạt động tên lửa đạn đạo hoặc mua bán vũ khí thông thường.
  • Thông báo trên của Washington được đưa ra 30 ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã thông báo với Hội đồng Bảo an rằng Iran không thực thi đầy đủ nghĩa vụ theo thỏa thuận hạt nhân 2015 với tên gọi chính thức là Kế hoạch Hành đồng Toàn diện Chung (JCPOA).
  • Chính quyền Trump vào thứ Hai 21/9 (giờ Mỹ) sẽ ban hành lệnh hành pháp để cụ thể hóa các kế hoạch của họ trong việc khôi phục các chế tài đã được phục hồi này.

Quan hệ giữa Trung Quốc và các quốc gia khác

  • Trung Quốc – Canada: Ngoại trưởng Canada François-Philippe Champagne trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ nhật báo The Globe and Mail hôm thứ Sáu (18/9) đã nói rằng thỏa thuận thương mại giữa Canada và Trung Quốc bây giờ không còn là mục tiêu theo đuổi đáng giá. Ông khẳng định Ottawa đã từ bỏ các cuộc đối thoại thương mại tự do với Bắc Kinh vốn được khởi động từ bốn năm trước.
  • Trung Quốc – Nhật Bản: Theo lời cựu lãnh đạo Nhật Bản Yoshiro Mori, Tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga muốn điện đàm với Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn. Nếu ông Yoshihide Suga thực hiện, đây sẽ là cuộc gọi điện thoại đầu tiên giữa lãnh đạo Đài Loan và Nhật Bản sau 48 năm và cũng sẽ khiến Bắc Kinh nổi giận. 
  • Trung Quốc – Úc: Đài Phát thanh Úc (ABC) gần đây tiết lộ, cảnh sát Úc đã nhận được ghi chép thông tin của nhiều quan chức ngoại giao ĐCSTQ, chính quyền Úc đã phát lệnh lục soát đối với Lãnh sự ĐCSTQ trú tại Sydney Tôn Ngạn Đào. Hàng loạt sự kiện này đã khiến cho ĐCSTQ tức giận.

Các tin tức khác

  • Một báo cáo mới vừa tiết lộ Bắc Kinh đã rót hàng tỷ đôla mỗi năm để tài trợ cho những hoạt động gây ảnh hưởng trên toàn thế giới, bao gồm bịt miệng các nhà bất đồng chính kiến, đàn áp các nhóm thiểu số, và chiếm đoạt công nghệ nước ngoài, The Epoch Times đưa tin.
  • Ngày 14/9/2020 vừa qua, ông Mal Mitchell, một nhà văn, nhà hoạt động nhân quyền người Anh, đã đăng tải một bài bình luận trên tạp chí nhân quyền Bitter Winter của Ý, kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động khẩn cấp và không thể tiếp tục thái độ nhắm mắt làm ngơ trước tội ác thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ. Ông Mal Mitchell là thành viên của nhóm Giải phóng Tây Tạng (Free Tibet) và cũng là thành viên của Liên minh Quốc tế Chống Lạm dụng Cấy ghép tạng ở Trung Quốc (ETAC).
  • Theo nguồn tin ngoại giao hôm 18/9, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đang có kế hoạch tổ chức cuộc đối thoại chuyên sâu về Trung Quốc với người đồng cấp ở Liên minh châu Âu trong tháng này, một động thái sẽ khiến Bắc Kinh lo ngại khi nước này cố gắng ngăn cản việc xây dựng một mặt trận thống nhất xuyên Đại Tây Dương nhằm chống lại Trung Quốc.
  • Liên Hợp Quốc cáo buộc lãnh đạo Venezuela phạm “các tội ác chống lại loài người”: Tổng thống Nicolas Maduro và các quan chức cấp cao khác bị cáo buộc đứng sau việc giam giữ, tra tấn và giết hại những người chỉ trích chính phủ và hành hung bởi các cơ quan an ninh nhà nước, theo New York Times.
  • Hơn 100.000 người Belarus đã biểu tình tại thủ đô Minsk hôm Chủ Nhật (20/9) để yêu cầu Tổng thống Alexander Lukashenko từ chức. Đây là tuần thứ sáu liên tiếp hàng trăm nghìn người dân xuống đường biểu tình chống chính phủ Lukashenko .
  • Hôm Chủ Nhật (20/9) những người biểu tình ủng hộ dân chủ tại Thái Lan đã dựng một tấm biển gần Cung điện Hoàng gia ở thủ đô BangKok, trong đó tuyên bố đất nước Thái Lan là thuộc về người dân, không thuộc về nhà vua. Cảnh sát Thái Lan cho biết họ đã bỏ tấm biển này trong cùng ngày. 
  • Tuần qua hàng chục nghìn người dân Thái Lan đã biểu tình kêu gọi cải cách thể chế quân chủ dưới sự cầm quyền của Quốc vương Maha Vajiralongkorn.  
  • Tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga nói ông và Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm Chủ Nhật (20/9) đã có cuộc điện đàm đầu tiên từ khi ông Suga trở thành lãnh đạo mới của nước Nhật. Truyền thông Nhật Bản cho biết hai nhà lãnh đạo đã trao đổi nhanh quan điểm của họ về Trung Quốc. 
  • Ông Trump và ông Suga được cho là cũng đã đồng ý đẩy mạnh hợp tác song phương Mỹ – Nhật về phát triển thuốc điều trị và vắc-xin ngừa COVID-19, và hợp tác chặt chẽ về các vấn đề liên quan tới Bắc Hàn, bao gồm vấn đề công dân Nhật Bản bị Bắc Hàn bắt cóc từ nhiều thập kỷ trước. 

Nam Sơn