Bản tin Thế giới 24h của Trí Thức VN tổng hợp những thông tin cập nhật mới nhất về các diễn biến đáng chú ý trên thế giới, với tiêu điểm là Trung Quốc, cuộc đối đầu Mỹ – Trung, bầu cử Mỹ 2020, và đại dịch COVID-19.

The gioi
(Ảnh minh hòa từ ShutterStock)

Đại dịch COVID-19

  • Tính đến 7 sáng 28/9 (giờ Việt Nam), theo trang worldometers, tổng số ca COVID-19 toàn cầu là 33.297.495 ca. Số ca tử vong là 987.132 ca, tỷ lệ trong trung bình ở mức 4,157%. 5 nước có số ca nhiễm nhiều nhất là Mỹ (7.320.663 ca), Ấn Độ (6.073.348 ca), Brazil (4.732.309 ca), Nga (1.151.438 ca) và Colombia (813.056 ca). 
  • Theo Fox News đưa tin hôm 24/9, Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Kelly Craft đã chỉ trích một số thành viên Hội đồng Bảo an truyền bá “sự phẫn uất chính trị” thay vì thảo luận về bản thân đại dịch tại hội nghị liên quan đến virus Trung Cộng (virus corona mới, COVID-19). Bà cũng đề cập rằng Mỹ đã có những đóng góp to lớn trong cuộc chiến quốc tế chống virus.
  • Bang Victoria, lớn thứ hai nước Úc, vào sáng thứ Hai (28/9) báo cáo số ca nhiễm mới COVID-19 tiếp tục giảm, tăng một chữ số lần đầu tiên trong ba tháng qua. Bang này cũng đang tiếp tục nới lỏng các hạn chế phòng dịch. 
  • Anh Quốc hôm Chủ Nhật (27/9) đã ghi nhận 5.693 ca COVID-19 mới, giảm hơn so với mức tăng 6.042 ca hôm thứ Bảy (26/9). 
  • Theo tờ Time đưa tin vào cuối ngày 27/9, chính phủ Anh đang có kế hoạch thực hiện phong tỏa xã hội hoàn hoàn tại đa số khu vực miền bắc và có thể cả thủ đô London để chiến đấu với làn sóng COVID-19 thứ hai. 
  • Di chuyển qua lại giữa New Zealand và một số bang của Úc có thể được nối lại trước kỳ nghỉ cuối năm nay, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern nói sáng thứ Hai (28/9).
  • Một người đàn ông nhập cư tại Hy Lạp đã tử vong do COVID-19 vào hôm Chủ Nhật (27/9). Đây là trường hợp người nhập cư tử vong đầu tiên tại Hy Lạp kể từ khi đại dịch virus corona bùng phát tại nước này hồi cuối tháng Hai. 
  • Số ca COVID-19 mới tại Hà Lan đã tăng mức kỷ lục trong ngày với 2.995 ca hôm Chủ Nhật (27/9). 
  • Giới chức Đức hôm Chủ Nhật (27/9) xác nhận số ca COVID-19 mới tăng 1.411 ca trong 24 giờ. 
  • Ông Gebran Bassil, con rể của Thủ tướng Li Băng Michel Aoun và là cựu Ngoại trưởng Li Băng đã bị nhiễm virus corona sau nhiều lần xét nghiệm hôm thứ Bảy (26/9). 
  • Hàng nghìn công nhân đã tập hợp tại các thành phố và thị trấn khắp Bồ Đào Nha hôm thứ Bảy (26/9) để yêu cầu tăng lương và những hành động nhiều hơn nữa của chính phủ để bảo vệ việc làm đã đang bị đại dịch virus đe dọa. 

Bầu cử Tổng thống Mỹ 2020

  • Theo RealClearPolitics, tính trung bình 13 cuộc khảo sát dân ý trên toàn quốc từ 12-25/9, ông Biden đang dẫn ông Trump 7 điểm. Tất cả 13 cuộc khảo sát đều cho thấy ông Biden đang dẫn ông Trump từ 6 đến 10 điểm. Khảo sát của Rasmussen các tuần trước cho thấy ông Trump dẫn 1 điểm, thì lần này cho kết quả ông Biden dẫn ngược 1 điểm. 
  • Tổng thống Donald Trump vào chiều thứ Bảy 26/9 (giờ Mỹ) đã chính thức đề cử Thẩm phán Amy Coney Barrett vào Tối cao Pháp viện thay thế cố Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg. 
  • Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện Lindsey Graham hôm Chủ Nhật (27/9) đã công bố chi tiết thời gian biểu của tiến trình xác nhận thẩm phán Tối cao Pháp viện Amy Coney Barrett và tiến trình này sẽ bắt đầu từ ngày 12/10.
  • Các thành viên Đảng Dân chủ tại Thượng viện cùng nhau thề rằng sẽ bỏ phiếu phủ nhận ứng cử viên Tòa án Tối cao được đề cử bởi Tổng thống Donald Trump ngay sau khi tên bà được công bố. Một số người thậm chí nói rằng họ sẽ không gặp mặt bà Barrett.
  • Nhân vật quyền lực số hai của Đảng Dân chủ tại Thượng viện, Thượng nghị sĩ Dick Durbin hôm Chủ Nhật (27/9) đã nói rằng đảng của ông không thể ngăn chặn việc xác nhận đề cử viên thẩm phán Tối cao Pháp viện Amy Coney Barrett.
  • Nhiều đảng viên Dân chủ tại Hạ viện dự kiến trong tuần này sẽ trình dự luật nhằm giới hạn thời gian phục vụ của một thẩm phán Tòa án Tối cao là 18 năm thay vì trọn đời như hiện tại.
  • Dự luật với tên gọi “Đạo luật giới hạn nhiệm kỳ tại Tòa án Tối cao và bổ nhiệm thường kỳ” sẽ cho phép mọi Tổng thống đề cử 2 thẩm phán trong mỗi nhiệm kỳ bốn năm của mình. Đây là một nỗ lực của Đảng Dân chủ tại Hạ viện nhằm giảm bớt xung đột phe phái đối với việc bổ nhiệm các chỗ trống tại tòa án cao nhất nước.
  • Bộ Tư pháp Hoa Kỳ hôm thứ Năm (24/9) cho biết FBI đã mở cuộc điều tra về 9 phiếu bầu vắng mặt, trong đó có 7 lá phiếu bầu cho Tổng thống Trump, được tìm thấy trong thùng rác gần Scranton, Pennsylvania.
  • Thượng nghị sĩ Dân chủ Kamala Harris, đề cử viên phó tổng thống tranh cử cùng ông Joe Biden, hôm thứ Sáu (25/9) đã nói rằng các cuộc biểu tình hòa bình đang tiếp diễn hiện nay chống lại bất công chủng tộc là quan trọng cho sự tiến bộ của nước Mỹ và giúp đảm bảo giám sát lực lượng thực thi pháp luật.
  • Bà Harris cũng ca ngợi “sự sáng suốt” và “tầm ảnh hưởng” của phong trào “Black Lives Matter”. “Tôi thực sự tin rằng ‘Black Lives Matter’ đã đang là một đại diện có ý nghĩa nhất cho sự thay đổi bên trong hệ thống tư pháp hình sự này”, bà Harris nói.
  • Tuần này, Tổng thống Donald Trump đã loan báo kế hoạch 500 tỷ USD nâng cao vị thế kinh tế cho người da màu. Tổng thống Đảng Cộng hòa đã tiết lộ “Kế hoạch Bạch kim” tại một sự kiện tập trung chiến dịch ở bang Atlanta hôm thứ Sáu (25/9).

Quan hệ Mỹ – Trung

  • Một thẩm phán toà sơ thẩm liên bang ở Washington vào cuối ngày 27/9 đã tạm thời chặn lệnh cấm tải xuống TikTok của chính quyền Tổng thống Trump, dự kiến có hiệu lực từ 11:59 tối ngày Chủ nhật.
  • Mạng xã hội Facebook cho biết trong tuần này họ đã đóng 155 tài khoản giả mạo, những tài khoản này đã được xác định đến từ Trung Quốc và cố ý gây ảnh hưởng đối với bầu cử Tổng thống Mỹ.
  • Theo nguồn tin của Forbes, người đứng đầu chính sách bảo mật của Facebook là Nathaniel Gleicher cho biết công ty đã loại bỏ 155 tài khoản, 11 trang, 9 nhóm và 6 tài khoản Instagram; những tài khoản này vi phạm chính sách của Facebook về việc không được phép can thiệp vào Chính phủ nước ngoài, những can thiệp đó được xác định là hành vi sai trái có tính tổ chức đối với chính phủ nước ngoài.
  • Cuộc thăm dò mới nhất của Hoa Kỳ cho thấy, mặc dù có một số quan điểm khác biệt trong trong các lo ngại về các mối đe dọa đối với Hoa Kỳ, nhưng 86% cử tri ở hai đảng có mức độ đồng thuận cao về chính sách đối với Trung Quốc: Các quan chức của ĐCSTQ vi phạm nhân quyền phải bị áp dụng chế tài.

Đài Loan

  • Trong các cuộc thảo luận của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thường niên, ba đồng minh của Đài Loan tại Caribbean gồm St. Lucia, St. Kitts & Nevis và St. Vincent & the Grenadines đã lên tiếng ủng hộ quốc đảo này tham gia Liên Hiệp Quốc. 
  • Bộ trưởng Y tế Hoa Kỳ Alex Azaz tại cuộc họp qua video về y tế của diễn đàn APEC hôm thứ Bảy (26/9) đã lên tiếng ca ngợi “mô hình Đài Loan”. 

Quan hệ giữa Trung Quốc và các quốc gia khác

  • Trung Quốc – Đài Loan: Theo Reuters, cuối ngày thứ Bảy (26/9), chính quyền thành phố Cao Hùng, miền nam Đài Loan đã nói rằng trang web của Liên minh Toàn cầu các Thị trưởng vì Khí hậu và Năng lượng đã bắt đầu xếp các thành phố Đài Loan – thành viên của liên minh này – là thuộc về Trung Quốc Đại lục. Trong tháng này, một cơ quan bảo tồn chim hoang dã của Đài Loan cho biết họ đã bị khai trừ tư cách đối tác của một tổ chức từ thiện cứu động vật hoang dã có trụ sở tại Anh Quốc sau khi phái đoàn Đài Loan từ chối thay biển hiệu tên và không ký vào tài liệu tiên bố họ không ủng hộ Đài Loan độc lập. Hành động của các tổ chức nêu trên đối với Đài Loan được cho là do chịu sức ép của chính quyền Trung Quốc. Chế độ Bắc Kinh thời gian qua đã tăng cường gây áp lực lên các tổ chức và các công ty quốc tế lớn nhỏ phải đề cập Đài Loan là một phần của Trung Quốc.
  • Trung Quốc – Úc: Lời kêu gọi điều tra nguồn gốc đại dịch COVID-19 lại một lần nữa được Thủ tướng Úc dấy lên, lần này ngay trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, có thể khiến căng thẳng Úc – Trung ngày càng leo thang.
  • Trung Quốc – Anh: Anh Quốc hôm thứ Sáu (25/9) đã chỉ trích chế độ cộng sản Trung Quốc lạm dụng quyền và tự do tại Hồng Kông và Tân Cương. London cũng gây áp lực lên Bắc Kinh phải cho phép Liên Hiệp Quốc (LHQ) được tiếp cận Tân Cương không hạn chế.
  • Trung Quốc – Nhật Bản: Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị có thể thăm Nhật Bản vào đầu tháng Mười, Reuters dẫn nguồn tin từ chính phủ Trung Quốc. Trước đó, Tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc điện đàm gần đây đã đồng ý theo đuổi các liên lạc cấp cao để thúc đẩy ổn định khu vực và quốc tế. 

Các tin tức khác

  • Ít nhất 16 binh lính và nhiều dân thường đã thiệt mạng sau các cuộc đụng độ vũ trang giữa Armenia và Azerbaijan tại khu vực Nagorno-Karabakh hôm Chủ Nhật (27/9). Đây là vụ đụng độ vũ trang đầu tiên giữa hai quốc gia này kể từ năm 2016.
  • Cả Azerbaijan và Armenia đều đã ban hành tình trạng thiết quân luật toàn quốc. 
  • Điện Kremlin cho biết Thủ tướng Nga Vladimir Putin hôm Chủ Nhật (27/9) đã điện đàm với Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan về các cuộc đụng độ tại khu vực Nagorno-Karabakh.
  • Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đã kêu gọi cộng đồng quốc tế đảm bảo rằng Thổ Nhĩ Kỳ không tham gia vào xung đột giữa Armenia và Azerbaijan.
  • Giáo hoàng Francis và Tổng thống Pháp Macron đã lên tiếng yêu cầu Armenia và Azerbaijan giải quyết các bất đồng thông qua đàm phán. 
  • Hàng chục nghìn người Belarus cuối tuần qua tiếp tục xuống đường tuần thứ bảy liên tiếp để yêu cầu Tổng thống Alexander Lukashenko từ chức. Cảnh sát vũ trang bịt mặt được cho là đã bắt nhiều người lên xe tải và đã ném lựu đạn khói và xịt hơi cay để giải tán đám đông. 
  • Tổng thống Macron phát biểu với tờ le Journal du Dimanche rằng Tổng thống Belarus Lukashenko phải chấp nhận logic của nền dân chủ và từ bỏ quyền lực. 
  • Ngoại trưởng Belarus Vladimir Makei đã cáo buộc các nước phương Tây nỗ lực gieo rắc “hỗn loạn và vô chính phủ” tại Belarus. 
  • Quốc vương Jordan Abdullah hôm Chủ Nhật (27/9) đã tuyên bố giải tán quốc hội, mở đường cho một cuộc bầu cử vào tháng Mười Một. 
  • Cử tri Thụy Sĩ hôm Chủ Nhật (27/9) đã bỏ phiếu tuyệt đại đa số bác bỏ nỗ lực của đảng cánh hữu nhằm xóa bỏ một hiệp định cho phép người dân từ Liên minh châu Âu được di chuyển tự do.
  • Đa số cử tri Thụy Sĩ (50,2%) trong cuộc trưng cầu dân ý hôm Chủ Nhật (27/9) đã ủng hộ kế hoạch của chính phủ về việc chi tới 6,46 tỷ USD sắm mới chiến đấu cơ. 
  • Trong lúc Huawei đang bị Mỹ chế tài và đối mặt với tình trạng cắt giảm nhân viên, ngày 25/9, một tòa nhà ở trụ sở của Huawei đột nhiên bốc cháy. Có thông tin nói rằng nơi xảy ra hỏa hoạn là phòng thí nghiệm, bên trong có chứa bí mật quan trọng. Tuy nhiên chính quyền đã nhanh chóng bác tin đồn, nói rằng nơi xảy ra hỏa hoạn chỉ là hạng mục đang xây dựng, không liên quan đến phòng thí nghiệm. 
  • Ngày 24/9, ASPI tiếp tục công bố một báo cáo nghiên cứu phân tích các hình ảnh vệ tinh mới nhất, cho thấy ĐCSTQ đã xây dựng ít nhất 380 trại tập trung ở Tân Cương kể từ năm 2017. Trong đó, trại tập trung lớn nhất nằm ở quận Dabancheng (Đạt Phản Thành) ở ngoại ô Urumqi. Đến năm 2019, trại tập trung đã được mở rộng thành một khu trại trải dài 1km với khoảng 100 tòa nhà.
  • Dưới áp lực lên án của quốc tế, ĐCSTQ tuyên bố rằng tất cả “học viên” đã “tốt nghiệp” từ các “trại cải tạo”, tuy nhiên, báo cáo của ASPI cho thấy Trung Quốc vẫn đang đầu tư mạnh mẽ vào việc xây dựng ít nhất 61 trại tập trung mới kể từ năm ngoái, hiện tại ít nhất 14 trại tập trung đang trong quá trình xây dựng.
  • Tân Hoa Xã hôm thứ Bảy (26/9) loan tin Chủ tịch Tập Cận Bình nói rằng mức độ hạnh phúc của tất cả các nhóm dân tộc tại Tân Cương đang tăng lên và rằng chính phủ sẽ tiếp tục duy trì giáo dục người dân Tân Cương tầm nhìn “đúng đắn” về Trung Quốc. 
  • Cũng theo Tân Hoa Xã, một vụ tai nạn hầm mỏ ở tây nam Trung Quốc hôm Chủ Nhật (27/9) đã làm 16 người thiệt mạng. 
  • Bắc Hàn hôm Chủ Nhật (27/9) nói rằng họ đang tìm kiếm thi thể quan chức ngư nghiệp Hàn Quốc đã bị quân đội miền Bắc bắn chết tuần trước. Nhưng Bình Nhưỡng cũng cảnh báo rằng các hoạt động của hải quân Hàn Quốc trên vùng biển biên giới tranh chấp đã đang đe dọa làm gia tăng căng thẳng liên Triều.

Nam Sơn